Thu hồi dự án FDI vi phạm: Tăng cường quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài

10:14 31/08/2018

Thời gian qua, Hải Phòng được xem là một trong những “điểm đến” hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi đón chào các nhà đầu tư thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng thường xuyên cập nhật, kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư nước ngoài trên địa bàn, kịp thời phối hợp với các ngành, địa phương thu hồi những dự án vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư.

Sản xuất dây điện phục vụ ngành ô tô tại KCN Nomura

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, tổng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn thành phố đạt hơn 1.388 triệu USD, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2017 và vượt 15,7% so với kế hoạch đã đề ra. Cụ thể, cấp mới 64 dự án với số vốn đầu tư là hơn 403 triệu USD, trong đó có 28 dự án nằm trong Khu kinh tế (KTT), khu công nghiệp (KCN) với 199,4 triệu USD và 36 dự án ngoài KKT, KCN với số vốn hơn 203 triệu USD.

Bên cạnh đó, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 30 lượt dự án với số vốn đầu tư tăng thêm gần 986 triệu USD, với 20 dự án trong KKT, KCN với số vốn tăng thêm là trên 879 USD và 10 dự án ngoài KKT, KCN với số vốn tăng thêm là hơn 106 triệu USD.

Như vậy tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 573 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 15.768 tỷ USD.

Một số dự án lớn đã và đang triển khai từ đầu năm đến nay, đơn cử như Trung tâm thương mại AEON Mail tại quận Lê Chân, dự án của Công ty LG CHEM Hải Phòng, NM sản xuất SEIYO, RE-TECK tại KCN Tràng Duệ, dự án sản xuất khí công nghiệp, phụ tùng ô tô, cao su ở KCN Đình Vũ, dự án HECOM VSIP…

                                              Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP vừa thu hút dự án lớn HECOM VSIP

Bên cạnh đó, cũng theo thống kê, trong năm 2017 có 23 dự án FDI bị thu hồi hoặc chấm dứt hoạt động, trong đó có 10 dự án nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động và có tới 13 dự án bị thu hồi. Con số này trong 6 tháng đầu năm 2018 là 10 dự án, trong đó có 7 dự án chấm dứt và 3 dự án thu hồi.

Điều đáng nói là đối với những dự án nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động thường do nhiều nguyên nhân như dự án hoạt động kém hiệu quả, do điều kiện kinh doanh có nhiều thay đổi làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp…

Đối với những dự án bị thu hồi, phần lớn là do nhà đầu tư vi phạm các quy định của Luật Đầu tư, bỏ dở dự án, không triển khai dự án theo quy định của pháp luật Việt Nam và không thông báo tới cơ quan chức năng. Còn cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án cũng không thể liên lạc được với lãnh đạo của doanh nghiệp.

Cũng qua rà soát thì những dự án FDI chấm dứt hoặc bị thu hồi trong thời gian qua thường là những dự án có quy mô nhỏ và chủ yếu là thuê mặt bằng nhà xưởng để hoạt động sản xuất kinh doanh. Có dự án hoạt động trong thời gian khá dài như Công ty TNHH Liên doanh Đại Kỷ, Công ty TNHH GNS Việt Nam, Công ty TNHH Chienmax Việt Nam, Công ty TNHH Russian South East, Công ty TNHH Anh Trung… được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ những năm 1999-2008.

Nhưng cũng có những dự án chỉ được vài năm như dự án của Công ty TNHH Dệt Lục Bảo được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2014 và đến tháng 4-2017 thì bị thu hồi; Công ty TNHH quốc tế ô tô Kars Hải Phòng được cấp phép hoạt động tháng 7-2010 thì đến tháng 8-2017 bị thu hồi; Công ty TNHH tiếp vận quốc tế Smart được cấp phép tháng 8-2012 thì đến tháng 8-2017 bị thu hồi…

Nhà máy chế tạo động cơ tại KCN An Dương

Theo bà Trần Thị Hải Yến-Trưởng Phòng Kinh tế đối ngoại Sở KH&ĐT thì với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành thường xuyên rà soát, kiểm tra, cập nhật tình hình hoạt động của các dự án FDI trên địa bàn thành phố kể cả trong và ngoài KKT, KCN.

Cùng với việc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hội nghị xúc tiến, kết nối đầu tư, bám sát chỉ đạo của Thành uỷ, UBND thành phố các lĩnh vực khuyến khích đầu tư như nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp phụ trợ, tái tạo năng lượng… Từ đó, chủ động hướng dẫn, tư vấn cho nhà đầu tư các thủ tục nghiên cứu, khảo sát, thúc đẩy triển khai dự án.

Bên cạnh đó, ngành cũng kiên quyết từ chối những dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, khoáng sản.

Đối với những dự án đã đi vào hoạt động, qua kiểm tra, phát hiện thấy những sai phạm, nhà đầu tư không chấp hành các quy định của Luật Đầu tư và các quy định khác của pháp luật Việt Nam, Sở sẽ nhắc nhở, chấn chỉnh và nếu vẫn tiếp tục vi phạm, không hợp tác thì đề xuất thu hồi, qua đó góp phần tăng cường vai trò quản lý của cơ quan nhà nước trong hoạt động đầu tư nước ngoài, đồng thời sử dụng hiệu quả quỹ đất, nhà xưởng, cũng như lành mạnh môi trường đầu tư.

Tuy vậy, cũng theo bà Yến thì hoàn tất quy trình chấm dứt, thu hồi một dự án phải mất khoảng thời gian là 4 tháng, do vậy, Sở KH&ĐT rất cần có sự phối hợp, vào cuộc của các ngành liên quan và nhất là chính quyền địa phương nơi nhà đầu tư thực hiện dự án.

Kim Oanh 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông