Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024

13:59 31/12/2024

Sáng 31/12, đồng chí Phạm Minh Chính- Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, chủ trì hội nghị trực tiếp, kết hợp trực tuyến đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: “Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới”, tại điểm cầu Hà Nội. Cùng dự có đồng chí Lương Quốc Đoàn-Uỷ viên TW Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành TW Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành TW. Tại điểm cầu Hải Phòng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng chủ trì hội nghị. Cùng dự có Thường trực Hội Nông dân thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương, Thường trực Hội Nông dân cấp huyện, đại diện nông dân tiêu biểu thành phố.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng

Trước khi diễn ra hội nghị, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức nhiều kênh tiếp nhận câu hỏi, ý kiến, đề xuất của bà con nông dân, các hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, có kênh từ Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố, từ hai Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói”, từ các chuyên mục “Lắng nghe nông dân”, “Nông dân gửi tâm tư tới Thủ tướng” trên Báo điện tử Dân Việt và qua các kênh tiếp nhận khác.

Kết quả, đã có khoảng 2.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất được gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Lương Quốc Đoàn-Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh:

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 diễn ra vào thời điểm nhiều ý nghĩa và rất quan trọng, khi nước ta đang chuẩn bị đầy đủ thời cơ, điều kiện thuận lợi để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đồng thời, tạo cơ sở để có kết quả tổng kết, từ đó đưa ra những dự báo, nhận định, xây dựng chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn tới, nhất là trong bối cảnh các địa phương đang chuẩn bị công tác Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2026- 2031).

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng

Do đó, việc tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân Việt Nam năm 2024 có ý nghĩa rất lớn và rất cần thiết để Thủ tướng Chính phủ trực tiếp lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của các nông dân, hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp nhằm thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Hội nghị cũng là cơ sở thực tiễn để góp phần xây dựng nội dung Dự thảo Văn kiện Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV (nhiệm kỳ 2026- 2031) của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hội nghị năm nay diễn ra với nhiều nét mới. Trước đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN& PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hai Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” vào tháng 10, 11/2024. Tại các địa phương, đã diễn ra 63 Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đối thoại với nông dân. Tại các Diễn đàn, Hội nghị, nhiều vấn đề cụ thể về từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương đã cơ bản được thảo luận, thống nhất và giải quyết trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn.

Tuy nhiên, có nhiều vấn đề lớn, cần có quyết sách, chính sách thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tại hội nghị, đại diện các nông dân, hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã tập trung kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số nội dung chính xoay quanh các vấn đề trọng tâm sau:

Đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.

Xây dựng quy hoạch các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia. Có cơ chế, chính sách để hướng tới mục tiêu Netzero, triển khai Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải; phát triển tín chỉ carbon; hỗ trợ nông dân, các HTX tại các vùng chuyên canh, nhất là đối với người trồng lúa; hỗ trợ thúc đẩy tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp.

Đồng thời, có giải pháp giải quyết, tháo gỡ những hàng rào kỹ thuật, các tranh chấp pháp lý quốc tế, đảm bảo hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, ổn định thị trường xuất khẩu hàng hóa nông sản. Có chính sách về tiếp tục khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt đối với các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa chịu ảnh hưởng do thiên tai và bão Yagi gây ra.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn. Có cơ chế, chính sách để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, đề án, kế hoạch được nêu tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới...

Tất cả các kiến nghị, góp ý, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm, giàu thực tiễn của nông dân, hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ trân trọng tiếp thu, giải đáp một cách thấu đáo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng tiếp thu và giải đáp kiến nghị của nông dân

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng và trân trọng bày tỏ niềm cảm ơn sâu sắc trước sự đóng góp to lớn của ngành nông nghiệp và nông dân, nông thôn đối với sự phát triển chung của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị thời gian tới các cấp uỷ Đảng, Chính quyền địa phương cần tập trung cao cho công tác rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vưỡng mắc để hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người nông dân; quan tâm đến công tác quy hoạch đất đai, trồng trọt, chăn nuôi, khai thác hiệu quả không gian vùng biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ, sao cho nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh; quan tâm bố trí nguồn vốn hỗ trợ, thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đề nghị nhà nước phải tìm thị trường tiêu thụ nông sản cho người nông dân. Người nông dân cần phải xây dựng được thương hiệu các mặt hàng nông sản giá trị, chất lượng, đa dạng hoá các sản phẩm. Không ngừng đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN vào sản xuất; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động nông thôn.

Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần quan tâm đề xuất cơ chế, chính sách, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thủ tướng kêu gọi sự đoàn kết, thống nhất trong toàn giai cấp nông dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, kết hợp sức mạnh của dân tộc, thời đại để cùng nhau phát triển…

Nhân dịp năm mới sắp đến, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trân trọng gửi lời chúc các đại biểu sức khoẻ, thành công trong năm 2025.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông