15:26 10/10/2022 Cách đây 4 năm, vào tháng 10/2018, Hội nghị Trung ương 8 (khóa 12) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW (NQ36), về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”. Tiếp đó, vào tháng 1/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển Hải Phòng trong giao đoạn mới (NQ45). Tại cả hai Nghị quyết quan trọng này, Hải Phòng đều được xác định là một trọng điểm phát triển của cả nước trên nền tảng kinh tế biển.
Kỳ 1- Từ định hướng chiến lược
Điều rất quan trọng là NQ36 và NQ45 đều có chung một lộ trình phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, tạo liên kết hữu cơ hết sức thuận lợi cho Hải Phòng. Theo đó, quan điểm định hướng là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đưa Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước.
Một điểm nhấn hết sức quan trọng là, trước khi các NQ36 và NQ45 được ban hành, từ năm 2003 Bộ Chính trị (khóa IX) đã ban hành NQ32 về "xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”.
Trong đó nêu rõ: “Thành phố phải tập trung xây dựng và phát triển để Hải Phòng xứng đáng là thành phố cảng, công nghiệp hiện đại; là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, có cảng nước sâu; một trọng điểm phát triển kinh tế biển…”. Như vậy, với chủ trương vĩ mô, Trung ương luôn đặt kinh tế biển là cơ sở trụ cột để Hải Phòng phát triển.
Với những gì đang có, có thể hình dung các mũi nhọn kinh tế của Hải Phòng hiện đều hướng ra biển. Trước hết về phát triển dịch vụ cảng biển, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW, Hải Phòng đã thực sự trở thành một trung tâm hàng hải và vận tải biển lớn bậc nhất cả nước.
Nếu như năm 2003, thời điểm ra đời Nghị quyết 32-NQ/TW, Hải Phòng mới có 20 doanh nghiệp khai thác cảng, tổng chiều dài cầu cảng khoảng 5.568 mét. Đến nay cảng biển Hải Phòng đã phát triển thành cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế với 42 doanh nghiệp, 44 bến có tổng chiều dài cầu cảng hơn 11.000 mét, khả năng tiếp nhận tàu trọng tải tới 55 nghìn tấn, năng lực xếp dỡ tăng bình quân 15,5%/năm.
Động lực rõ nét được xác định tại Nghị quyết các Đại hội Đảng bộ thành phố gần đây, đó là kinh tế biển với nòng cốt là các hoạt động dịch vụ được quy hoạch, tăng cường. Nhờ vậy, sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng đã đạt gấp 1,75 lần so với mục tiêu đề ra trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.
Kể từ khi cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện từng bước đi vào khai thác, sản lượng hàng qua cảng Hải Phong tăng trưởng đột phá, mà theo số liệu báo cáo mới nhất, chỉ tính đến hết tháng 9/2022 lượng hàng qua cảng của thành phố đã đạt 99 triệu tấn. Dự kiến đến năm 2030 sẽ đạt mức 200 triệu tấn/năm.
Hải Phòng là địa phương nằm trong số ít của cả nước sở hữu cả 5 dạng hình giao thông đồng bộ, trừ hàng không có thể nói mọi dạng hình đều rõ nét kết nối với biển, hình thành dịch vụ logistic sau cảng.
Các dự án công trình trọng điểm hạ tầng giao thông cấp thành phố cũng như cấp quốc gia chủ yếu tập trung phục vụ cho nhu cầu cảng biển, đáng kể như đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường ô tô ven biển, cầu đường Tân Vũ – Lạch Huyện… Đây là điều kiện cực quan trọng để phân ngành kinh tế vận tải liên quan đến biển của Hải Phòng phát triển.
Thực tế cũng cho thấy, các doanh nghiệp Hải Phòng chiếm ưu thế vượt trội so với cả khu vực phía Bắc về dạng hình vận tải hàng hóa từ cảng, với đội tàu biển khoảng 700 chiếc đang đăng ký vận hành, tổng trọng tải khoảng 3.669.128 DWT. Hải Phòng cũng có đội ngũ doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ bằng xe container, với gần 20.000 chiếc, cùng với hệ thống dịch vụ kho bãi với 4 triệu m2, có hơn 140 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics.
Về sản xuất công nghiệp, có thể nói Hải Phòng đã vận động và khai thác hiệu quả cơ chế, chính sách, phát triển công nghiệp kết nối với dịch vụ biển. Trong giai đoạn 5 năm giữa Đại hội XV và Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, chỉ số phát triển công nghiệp IIP của Hải Phòng tăng bình quân 20,64%/năm, gấp hơn 2 lần tốc độ tăng chung cả nước.
Từ năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã tác động nặng nề làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng công nghiệp Hải Phòng vẫn duy trì tăng trưởng. Rõ nét là trong 9 tháng năm 2022, chỉ số IIP của thành phố tăng 12,7%, gấp 1,3 lần mức tăng chung của cả nước.
Mặt khác thành phố cũng được Trung ương tạo thuận lợi lớn khi hầu hết các khu công nghiệp lớn được hưởng cơ chế đặc thù của khu kinh tế ven biển, trong đó lớn nhất là khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Đây là tiền đề quan trọng thu hút nguồn lực đầu tư cả trong và ngoài nước, những dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ cao tại các khu kinh tế biển đã góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh.
Đặc biệt dự án tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast, là một minh chứng tiêu biểu nhất khi góp phần làm thay đổi toàn diện vùng biển đảo Cát Hải, vốn bao đời nay bị coi là vùng trũng khăn khó không riêng của Hải Phòng.
(Còn nữa)
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết