THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI 15 ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ: Cải cách hành chính, đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội

15:04 25/05/2019

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố (Đại hội 15) trong hơn 3 năm qua, Hải Phòng đã đạt được những thành tựu đột phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên mọi mặt của kinh tế-xã hội thành phố. Trong đó, cải cách hành chính (CCHC) được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược với nhiều đổi mới sáng tạo, đi vào thực chất, đã trở thành điểm đòn bẩy, công cụ hữu hiệu để thành phố Cảng hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược Đại hội đã đề ra.

 Hải Phòng đẩy mạnh CCHC tạo sự tin cậy, hài lòng cho người dân, doanh nghiệp

Kỳ 1-Khâu đột phá chiến lược

Nghị quyết Đại hội 15 đã xác định: CCHC là một trong 3 khâu đột phá chiến lược góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Từ nhiệm vụ chiến lược này,  thành phố Hải Phòng với cả hệ thống chính trị đã tiến hành CCHC trên nhiều lĩnh vực.

Trong đó, tập trung cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; hiện đại hóa nền hành chính công, hướng vào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và được đặt ra ngay từ giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết.

Để cụ thể hóa, Thành ủy - HĐND TP đã có các Nghị quyết chuyên đề về CCHC, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ chính quyền thành phố.

Đặc biệt, đúng 1 năm sau Đại hội 15, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án chính quyền điện tử, ban hành được Khung kiến trúc chính quyền điện tử theo Quyết định số 2348/QĐ-UBND ngày 18-10-2016.

UBND TP cũng đã xác định rõ mục tiêu xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ thành phố đến xã, phường tạo lập môi trường điện tử để người dân giám sát và đóng góp cho hoạt động của chính quyền các cấp.

Mô hình chính quyền điện tử cấp quận được xây dựng thí điểm tại quận Ngô Quyền và quận Hồng Bàng trong đó áp dụng Bộ phận “một cửa điện tử” trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính trên cơ sở cơ sở dữ liệu được số hóa đồng bộ, sử dụng chung, cung cấp dịch vụ hành chính liên thông giữa quận với phường, giữa các phòng chuyên môn của quận.

Cùng với đó là cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 4; phát triển các kênh giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước.

Và nữa, Hải Phòng còn được Bộ Công an chọn thí điểm triển khai Hệ thống quản lý dân cư trên cơ sở đó tiến tới triển khai trên toàn quốc.

 Bên cạnh đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện là tập trung cải cách TTHC đảm bảo thực hiện 3 giảm: giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí, UBND TP đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện, hàng năm UBND TP đều ban hành Kế hoạch CCHC, trong đó xác định rõ, cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện; xây dựng các danh mục các nhiệm vụ, công việc cụ thể, xác định cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.

Đặc biệt, CCHC được xác định là một trong những tiêu chí đánh giá trách nhiệm người đứng đầu và thi đua khen thưởng cuối năm đối với các tập thể, cá nhân.

Theo ông Phạm Hồng Hà - Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ thành phố, thực hiện Nghị quyết Đại hội 15, công tác CCHC ngày càng được thành phố, các sở, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, đạt hiệu quả cao. Thành phố đã quyết liệt  thực hiện việc rà soát, cập nhật và ban hành 18/18 Bộ TTHC ở các lĩnh vực, với tổng số 1.662 thủ tục; tiếp tục đổi mới và thực hiện có hiệu quả mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”, thí điểm xây dựng mô hình chính quyền điện tử. Hiện 100% các dịch vụ hành chính công được cung cấp ở mức độ 2; 783 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 66 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; áp dụng thực hiện quy trình ISO với giải quyết TTHC tại 100% sở, ngành, UBND quận, huyện và 223 phường, xã, thị trấn… Từ 1-2017, Cục Thuế thành phố Hải Phòng là một trong 2 đơn vị đầu tiên của cả nước được lựa chọn thực hiện triển khai thí điểm hoàn thuế điện tử, số doanh nghiệp thuộc diện khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử thực hiện đạt 100%.

Một điểm nhấn đáng chú ý nữa trong CCHC là việc phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, được thành lập trong năm 2016.

Sự ra đời của Trung tâm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn là phải đẩy mạnh cải cách TTHC, đáp ứng nhu cầu giải quyết nhanh chóng các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào thành phố.

Trung tâm này còn là đầu mối duy nhất tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính về đầu tư, thực hiện sự kết nối giữa các thủ tục từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện dự án - những thủ tục trước đây được giải quyết tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Trung tâm được coi là mô hình “một cửa về đầu tư cấp thành phố”, có ý nghĩa lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư tại Hải Phòng, được các nhà đầu tư đánh giá cao.

Ngoài ra, thành phố đã và đang thực hiện tốt việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, với việc chủ động xây dựng, ban hành Đề án sắp xếp Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trung tâm Dạy nghề tại 13 quận, huyện, đưa Hải Phòng là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện mô hình này.

Đề án này đã góp phần giảm bớt về tổ chức bộ máy (giảm 13 đơn vị sự nghiệp), giảm biên chế và cơ sở vật chất; nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục thường xuyên và dạy nghề tại địa phương. Song song với đề án trên, Hải Phòng còn kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập như việc thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cấp; sắp xếp điều chuyển các Đội Thanh tra Xây dựng thuộc UBND các quận, huyện về trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng…

Đến nay, tổng số người thực hiện chính sách tinh giản biên chế của thành phố theo Nghị định số 108 của Chính phủ là 693 người; chuyển 2.674 người làm việc theo cơ chế tự chủ. Hải Phòng cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đã tổ chức kỳ tuyển công chức trên máy vi tính theo nguyên tắc cạnh tranh.

Để CCHC của thành phố đi vào thực chất, đạt hiệu quả cao, công tác thanh tra, kiểm tra thời gian qua cũng được đặc biệt quan tâm. Hàng năm, các Đoàn kiểm tra do các Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng đoàn, kiểm tra kết quả thực hiện công tác CCHC nhà nước gắn với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị.        

Đặc biệt, thành phố đã tổ chức việc chấm điểm, xác định vị trí xếp hạng Chỉ số CCHC đối với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Việc chấm điểm chỉ số CCHC là cơ sở để đánh giá công tác CCHC đồng thời giúp các cơ quan, đơn vị nhận thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu của trong từng lĩnh vực để đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đẩy mạnh CCHC của địa phương, đơn vị.

(còn nữa)

 Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông