15:18 24/12/2020 Dù có nhiều hướng phát triển, nhưng nhìn từ kinh nghiệm thực tiễn, có thể nói Hải Phòng đã định hình liên kết phát triển kinh tế ở 3 lĩnh vực cơ bản nhất: liên kết nội vùng, liên kết ngoại vùng và hội nhập quốc tế.
Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tuyến trục kết nối các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Trước hết, nói về liên kết nội vùng, Nghị quyết Đại hội 16 đã xác định: “Phát triển mạnh mẽ, đồng bộ các thành phần kinh tế. Nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào GRDP của thành phố. Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố của khu vực kinh tế tư nhân là 56%, khu vực kinh tế FDI là 35%.”.
Để đạt được mục tiêu này, quyết sách của Đại hội 16 đề ra là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, thực sự trở thành một động lực quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đặc biệt trong các ngành kinh tế chủ lực.
Trong đó quan tâm thu hút các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, giữ vai trò dẫn dắt, có sức lan tỏa và đóng góp ngân sách lớn, đầu tư sản xuất, kinh doanh, thành lập doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đồng thời cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp để trở thành nhà cung cấp, doanh nghiệp phụ trợ.
Thành phố cũng xác định tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tập thể, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển hiệu quả, bền vững. Song song với việc khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đối với doanh nghiệp do thành phố quản lý.
Phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm việc xử lý, cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin, Vinalines, đặc biệt là các công ty con đóng trên địa bàn thành phố, bảo đảm quyền lợi, tài sản của Nhà nước, đời sống, việc làm của người lao động. Bên cạnh đó là có cơ chế, chính sách xây dựng, phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Hải Phòng có tâm, có tài, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Về liên kết ngoại vùng, Hải Phòng được Bộ chính trị xác định là hạt nhân của khu vực duyên hải Bắc bộ. Cần phải thấy rằng, những năm gần đây vùng duyên hải Bắc Bộ gồm 5 tỉnh thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình, được coi là một khu vực phát triển hết sức năng động. Như những gì đã được Trung ương định hướng, thì Hải Phòng là lõi của vùng trung tâm duyên hải Bắc Bộ.
Cùng với định hướng trên, Hải Phòng cùng với Hà Nội và Quảng Ninh, tạo thành tam giác kinh tế với tầm điều chỉnh tới hơn 20 triệu dân, phân bố trên diện tích thuộc 10 tỉnh, thành phố. Trong khu vực này, vị thế của Hải Phòng là rất lớn, nhất là trên lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp.
Dù còn không ít thách thức nhưng phải khẳng định rằng, Hải Phòng đã có nhiều nỗ lực trong kết nối phát triển kinh tế. Điều này cũng đã được Bộ Chính trị đánh giá trong Nghị quyết 45-NQ/TW: “Hải Phòng có nhiều đóng góp cho phát triển tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, liên kết vùng”.
Cầu Bạch Đằng, kết nối Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh
Về phương diện kinh tế đối ngoại trong xu hướng hội nhập quốc tế, thương mại Hải Phòng xếp thứ 2 trong khu vực đồng bằng sông Hồng, thị trường xuất khẩu mở rộng đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lượng hàng hóa qua các cảng do Cảng vụ hàng hải Hải Phòng quản lý chiếm khoảng 60% tổng lượng hàng hóa qua cảng cả miền Bắc.
Đồng thời trong chiến lược “hai vành đai – một hành lang kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hải Phòng còn được xác định là đầu mối quan trọng kết nối về phía Tây Bắc tới Côn Minh (Vân Nam – TQ) và về phía Đông Bắc tới Nam Ninh (Quảng Tây – TQ).
Với vị thế đặc biệt quan trọng như vậy, Hải Phòng đã thu hút nguồn lực đầu tư lớn trên mọi hướng. Đáng kể nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ 5 dạng hình đã hình thành sự kết nối rõ nét với cả trong và ngoài nước, những công trình trọng điểm cấp quốc gia đã và đang được đưa vào khai thác như: đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nâng cấp quốc lộ 10, cảng hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống cầu – đường – cảng nước sâu Tân Vũ – Lạch Huyện…
Một điểm nhấn quan trọng nữa, đó là từ ý tưởng khởi xướng của Hải Phòng, lãnh đạo các địa phương đã ngồi lại, thống nhất đề xuất và được Chính phủ chấp thuận đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc ven biển, cùng xây dựng các công trình giao thông mới, mở ra hướng kết nối thiết thực cho cả vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Tại Đại hội 16 vừa qua, vai trò của kinh tế hội nhập đã một lần nữa được đưa ra thảo luận, định hướng rõ nét.
Theo đó, thành phố chủ trương tiếp tục chủ động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc, chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển thành phố; Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có trình độ công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, sử dụng hiệu quả tài nguyên, đóng góp lớn cho ngân sách, có nghiên cứu phát triển, cam kết chuyển giao công nghệ, có tác động lan tỏa, liên kết với các doanh nghiệp trong nước theo chuỗi giá trị.
Đồng thời, kiểm soát thẩm định chặt chẽ các dự án đầu tư nước ngoài có liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, quản lý nghiêm các hạng mục, các dự án liên doanh thành lập doanh nghiệp có góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Như vậy có thể nói, Hải Phòng đã và đang hình thành rõ hơn vị trí trung tâm trong kết nối kinh tế - xã hội, là đầu mối giao dịch giữa các địa phương khu vực phía Bắc với ngoài nước và ngược lại. Tuy nhiên nhìn vào tổng thể, sự kết nối đó vẫn bộc lộ không ít hạn chế, nhất là tính điều phối của vị trí trung tâm với các vệ tinh. Mặt khác, nhiều phân ngành kinh tế Hải Phòng dù bứt phá ngoạn mục, nhưng chưa thể hiện rõ sự kết nối như công nghiệp, thương mại, du lịch.
Đây là vấn đề cần được tập trung khắc phục trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, cũng như Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố.
Hoàng Minh (Còn nữa)
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết