11:23 03/04/2022 Những năm gần đây, cùng với sự năng động của nền kinh tế thị trường và sinh hoạt cộng đồng theo tác phong công nghiệp, thực phẩm chế biến đã nhanh chóng chiếm giữ một vị trí quan trọng trong xã hội, đồng nghĩa với việc nhóm hàng này mở được thị phần ngày một lớn lớn, cạnh tranh trực tiếp với thị phần thực phẩm tươi sống.Tuy nhiên nhìn vào bản đồ công nghiệp Hải Phòng, thương hiệu thực phẩm chế biến không mấy khởi sắc, thậm chí có phần mai một so với giai đoạn trước.
Thương hiệu thực phẩm chế biến công nghệ Hải Phòng khan hiếm trên các kệ hàng siêu thị
Quy luật cung – cầu
Theo một đánh giá, thị trường thực phẩm chế biến Việt Nam có tốc độ phát triển bình quân 25%/năm trong những năm gần đây, bao gồm cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Đi kèm với nó là công nghiệp chế biến với công nghệ ngày càng hiện đại, cả chất lượng, số lượng, hàm lượng và bao bì, vì thế để phân biệt với kỹ nghệ truyền thống, thực phẩm từ nguồn này được gắn cho cái tên: thực phẩm chế biến công nghệ.
Ưu thế vượt trội của loại thực phẩm này là hầu hết có thể sử dụng ngay, rất tiết kiệm thời gian trong điều kiện đời sống công nghiệp, hơn nữa lại bảo quản được lâu.
Chính vì vậy nó mau chóng được người tiêu dùng tiếp nhận. Ngoài những đồ uống như bia, nước ngọt hay thực phẩm truyền thống như bánh kẹo, mỳ ăn liền, một số loại đồ hộp vốn xuất hiện từ lâu ở Việt Nam, hiện nay người tiêu dùng vào siêu thị có thể sắm ngay một bữa ăn, với cá thịt làm sẵn, lẩu suất đóng gói, nem, chả, bánh cuốn, xoài ngâm… chế biến bằng dây chuyền công nghiệp. Có thể thấy rõ, diện tích dành để trưng bày thực phẩm chế biến chiếm một phần rất lớn tổng diện tích của các siêu thị.
Trên thực tế, rất khó phân nhóm một cách phổ thông các loại thực phẩm chế biến công nghệ, bởi nó phát triển đa dạng từ dạng nguyên liệu, đồ ăn liền, đồ uống, điểm tâm… đến gia vị. Từ nhu cầu thiết thực của người tiêu dùng, các sản phẩm mới liên tiếp được tung ra thị trường.
Đơn giản trước kia người ta chỉ dùng mắm chắt hoặc muối trắng truyền thống, thì nay đa số các loại nước chấm là chế biến sẵn, muối trắng được thay bằng bột canh, bột nêm, bột gia vị tổng hợp chuyên cho từng món ăn… được đóng hộp, đóng túi tiện dụng.
Đồ uống cũng không còn chỉ là bia, rượu, nước ngọt đơn thuần mà mỗi thứ cũng được phát triển thành hàng chục loại khác nhau, như nước trà, nước gạo, nước ép trái cây, sữa tổng hợp… theo mỗi khẩu vị khác nhau.
Tuy nhiên, sự phát triển tràn lan của thực phẩm chế biến cũng bộc lộ nhiều nhược điểm, về thành phần chất lượng dinh dưỡng, về an toàn thực phẩm, về tính trung thực giữa sản phẩm và đăng ký hàng hóa, cùng với sự nhiễu loạn về quảng cáo, cũng khiến không ít người tiêu dùng dè chừng.
Mặt khác, cũng như các nhóm hàng hóa khác, khi nền kinh tế ngày càng được thắt chặt, tiêu thụ giảm thì thực phẩm chế biến đang có dấu hiệu co hẹp thị phần. Nhất là từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, một phần do giao tiếp xã hội hạn chế, một phần do thu nhập bấp bênh, nên một bộ phận không nhỏ người dân đã quay trở về với thực phẩm thô truyền thống, bằng những phương thức chế biến tập quán.
Mặc dù vậy, thực phẩm chế biến công nghệ vẫn giữ quyền chi phối khá lớn trên thị trường cả nước, trong đó Hải Phòng cũng không ngoại lệ. Trong một số đợt biến động vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều loại thực phẩm chế biến như mỳ ăn liền, bột ngọt, nước chấm, xúc xích… đã có lúc cháy hàng.
Hoặc như thời điểm đợt dịch lần thứ 4 bùng phát năm 2021, lưu thông Bắc – Nam bị ngưng trệ, thị trường Hải Phòng lâm vào tình trạng khan hiếm thực phẩm chế biến, bởi phần lớn đều được sản xuất ở phía Nam.
Sản xuất đồ hộp tại một cơ sở truyền thống của Hải Phòng
Điểm khuyết cần bù đắp
Vài chục năm trước, trong thời kỳ kinh tế tập trung, Hải Phòng có thể coi là một trong những trung tâm lớn của cả nước, với nhiều loại thực phẩm chế biến bằng cả phương thức công nghiệp lẫn truyền thống.
Cụ thể nổi tiếng có thủy sản, rồi rượu, bia, nước ngọt, bánh kẹo, mỳ sợi… ở nhóm sản phẩm nào Hải Phòng cũng có nhà máy quy mô lớn, nổi bật có những thương hiệu tiêu biểu như đồ hộp Hạ Long, nước mắm Cát Hải, bia Hải Phòng…Nhưng cơn lốc của cơ chế chuyển đổi đã nhanh chóng làm đổ bể vị thế đó.
Hiện nay thành phố vẫn còn những doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này, nhưng cơ bản không tạo ấn tượng. Ngay như thương hiệu Hạ Long nức tiếng một thời, nay cũng chỉ còn gắn với vài loại đồ hộp, xúc xích, thực phẩm ăn sẵn… nhưng cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu khác.
Nếu tính các sản phẩm được tiêu thụ mạnh trên thị trường như bánh kẹo, đồ uống, đường, sữa, nước mắm, mỳ ăn liền, bột ngọt… thì thương hiệu Hải Phòng hoàn toàn lép vế, thậm chí không có sản phẩm thể hiện dấu ấn thị trường.
Tại các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố, chỉ có một vài mặt hàng thực phẩm chế biến “Made in Hải Phòng”, cụ thể là xúc xích Hạ Long, nước mắm Cát Hải và Quang Hải, khá khiêm tốn trong hàng trăm thương hiệu nội địa khác.
Ngay cả thực phẩm chế biến truyền thống, Hải Phòng một thời nổi tiếng với bánh đa nhúng, bún thang, giò chả… hầu như quận huyện nào cũng có làng nghề.
Đáng kể như Hải An có rượu Trung Hành; Kiến An có bún Kha Lâm, giò chả Bến Phà; Lê Chân có bánh đa Dư Hàng, giò chả Chợ Con; Kiến Thụy có bánh đa Lạng Côn, bún Tú Sơn… Thì nay thực sự cũng chỉ còn làng bánh Khinh Giao (Tân Tiến-An Dương), bánh đa Lạng Côn (Đông Phương – Kiến Thụy) và nước mắm Cát Hải thực sự giữ được tính chất làng nghề, và cũng là những làng nghề truyền thống hiếm hoi của thành phố về chế biến thực phẩm.
Trong khi đó, tất cả các sản phẩm vốn là thế mạnh của Hải Phòng vẫn được tiêu thụ tốt, điển hình là nước mắm, bánh đa cua, bánh đa nhúng, giò chả, nem cuốn… nhưng lại được chế biến tại các cơ sở ở… miền Nam.
Điều đáng nói là, Hải Phòng chưa bao giờ đánh mất tiềm năng, thậm chí ngày càng có thêm nhiều thế mạnh để phát triển phân ngành công nghiệp này. Về nguồn nguyên liệu thủy sản, Hải Phòng vẫn là một đầu mối lớn của cả nước với ngư trường Long Châu – Bạch Long Vỹ; về nông sản, không kể nguồn cung tại chỗ, Hải Phòng cận kề vùng nguyên liệu nông sản lớn gồm các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng như Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên…
Nhưng mạnh nhất có lẽ vẫn là yếu tố thị trường, khi Hải Phòng hoàn toàn có điều kiện chi phối lưu thông với 5 dạng hình giao thông, nỏi bật nhất là hạ tầng giao thông thủy và giao thông bộ được đầu tư mạnh mẽ những năm gần đây. Bên cạnh đó, với vị thế địa lý và ưu thế cửa ngõ giao thương quốc tế, Hải Phòng cũng có nhiều cơ hội khai thác tiềm năng công nghệ nhập khẩu, mà nhiều địa phương khác không thể so sánh.
Tất nhiên, không riêng gì thực phẩm chế biến của Hải Phòng bị tụt hậu, mà ngay niềm tự hào về công nghiệp hàng tiêu dùng nói chung cũng đã bị đánh mất từ lâu.
Vẫn biết là trong nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh phát triển và đào thải là xu hướng tất yếu, nhưng đối với Hải Phòng, một thành phố với hai mũi nhọn chủ lực là công nghiệp và dịch vụ, thì để khuyết phân ngành chế biến thực phẩm có lẽ là điều bất cập.
Sẽ có nhiều việc phải làm cho việc vận động mở lại hướng đi cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, nhất là cơ chế và khát vọng đầu tư. Dù truyền thống có bị mai một nhưng với tiềm năng, vị thế như đã nêu trên, hy vọng rằng Hải Phòng trong tương lai không xã sẽ trở lại với vai trò là trung tâm sản xuất thực phẩm công nghệ, ít nhất là của khu vực phía Bắc.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết