Thực phẩm tươi sống gặp khó trước tác động kép

19:18 24/05/2022

So với những năm trước, thị trường thực phẩm tươi sống, đặc biệt là gia súc và gia cầm năm nay gặp nhiều thuận lợi nhờ chưa có dịch bệnh. Tuy nhiên, thời tiết mùa hè nắng nóng, cộng hưởng với giá cước vận chuyển tăng theo giá xăng dầu và một sô nguyên nhân khác đã khiến nhóm mặt hàng cũng lâm vào tình trạng biến động.

Giá xăng dầu tiếp tục tăng cao gây áp lực lớn cho thị trường

Nhìn lại mấy năm trước, điều khiến người chăn nuôi ngại nhất chính là dịch bệnh, bởi mỗi lần xảy ra ngoài việc phải khoanh vùng phong tỏa, nguồn thực phẩm còn phải tiêu hủy, nghiêm trọng hơn là bị người tiêu dùng tẩy chay. Năm nay diễn biến có phần khác, trên địa bàn thành phố cơ bản không có dịch, cũng chưa có vụ ngộ độc thức ăn quy mô lớn nào xảy ra.

Mặc dù vậy, khảo sát trên thị trường cho thấy, trong khoảng 1 tháng trở lại đây giá thực phẩm tươi sống đang biến động khá mạnh theo chiều hướng tăng. Trong hoàn cảnh thị trường nói chung ổn định, thì giá thực phẩm tăng thời điểm này cũng là chuyện bình thường, vì nhu cầu tiêu thụ tăng cao ở các tụ điểm du lịch, hệ thống dịch vụ ăn uống cũng như do thay đổi gu sinh hoạt theo mùa vụ.

Nhưng năm nay thì khác, ngoài nguyên nhân trên thì tác động đáng kể nhất có lẽ là sự chi phối của giá xăng dầu. Liên tục trong mấy tháng qua giá xăng dầu leo thang, dù có một vài đợt điều chỉnh giảm nhưng tổng mức tăng luôn trội, hiện các loại xăng đã vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít, các loại dầu cũng tiệm cận mức trên.

Trong khi xăng dầu là yếu tố quan trọng bậc nhất cấu thành giá cước vận chuyển, nhiên liệu tăng đương nhiên giá cước tăng, phản ứng dây chuyền dẫn đến chi phí lưu thông hàng hóa tăng theo.

Liên quan đến lưu thông nhóm hàng thực phẩm tươi sống, bên cạnh chi phí cước vận chuyển, nhóm hàng này còn phải chịu thêm khá nhiều các chi phí phụ trong quá trình bảo quản, lưu trữ để giữ chất lượng, nhất là trong thời tiết mùa hè. Trong khi đó, giá xăng dầu tăng cũng khiến cơ cấu sinh hoạt của người dân thay đổi, một phàn nhu cầu tiêu thụ thực phẩm vì thế mà giảm sút.

Về điều này, bà Nguyễn Thị Hương - người nội trợ ở ngõ 38 An Đà chia sẻ: “Do dịch bệnh Covid-19 nên đa số người dân gặp khó khăn trong thu nhập, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, đương nhiên kết cấu bữa ăn cũng phải khác, ví dụ không đủ tiền mua thịt thì phải ăn đậu phụ hoặc thịt kho với đậu…”.

 Giá các loại cua, cáy thường tăng giảm giá theo thời tiết.

Trở lại với nguyên nhân thời tiết, trong thời gian gần đây xuất hiện một số đợt không khí lạnh, nhưng nhiệt độ trung bình vẫn cao, điều này đã làm khó cho mặt hàng thịt gia súc, gia cầm các loại, từ chăn nuôi, giết mổ, lưu thông đến bảo quản.

Chị Lê Hồng Yến, một tiểu thương ở đường Cát Bi cho biết: “Thịt gì cũng ế, tiêu thụ chỉ mạnh về buổi sáng sớm, ngày nào cũng phải bán vài mức giá…”. Đơn cử như thịt lợn, buổi sáng còn tươi loại nạc thăn bán được 110 nghìn đồng/kg, mông-vai cắt sấn 100 nghìn đồng/kg… Nhưng càng đến buổi trưa thịt càng nhợt nhạt, không bán hết chỉ nửa ngày đã có dấu hiệu ôi, giá vì vậy giảm dần từ 5 đến 10% chỉ trong một buổi chợ.

Liên quan đến giá thực phẩm thời điểm này, khảo sát trên thị trường thành phố cho thấy, hiện giá thịt lợn tương đối ổn định, thậm chí giảm do nguồn lợn hơi phong phú và giữ ở mức giá thấp.

Một chủ trang trại ở Tiên Lãng cho biết, hiện trên thị trường phổ biến có ba giống lợn: lợn cỏ được diễn giải là có khoảng 30% lai lợn siêu nạc, lợn “3 máu” có khoảng 70% lai lợn siêu nạc, và lợn siêu nạc 100%, thì thời gian qua cả 3 giống này đều giảm giá, xoáy quanh mức 50 nghìn đồng/kg hơi.

Như đề cập ở trên, hiện các chợ truyền thống bán lẻ thịt lợn bình quân 100 nghìn đồng/kg (cụ thể các loại ba chỉ, sườn ngon, nạc mông dao động từ 110 nghìn đến 120 nghìn đồng/kg; các loại thịt nách, sấn vai, chân giò và thịt tạp khác dưới 100 nghìn đồng/kg).

Tuy nhiên giá thịt gia cầm tăng rất cao, như thịt gà ta nuôi công nghiệp được bán lẻ 120 nghìn đồng/kg, ngan 125 nghìn đồng/kg, vịt 80 nghìn đồng/kg… tăng bình quân khoảng 25% so với tháng đầu năm 2022.

Thực phẩm tại các siêu thị có chế độ bảo ôn khá tốt.

Tương tự như thịt gia cầm, nhiều loại thủy sản cũng biến động tăng giảm thất thường, vì nhóm hàng này phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu tiêu thụ theo thời gian và thời tiết. Chị Lê Kim Oanh, tiểu thương ở chợ An Đà cho biết, thông thường thủy sản ngon bán chạy vào các ngày nghỉ, ngày lễ, còn ngày thường bán rất chậm, tình trạng này diễn ra đối với cả các nhà hàng và sinh hoạt thường nhật của người dân.

Nhưng khi thời tiết nắng nóng, thì cá mặt hàng bình dân lại tiêu thụ tốt, như cua, cáy, hến, tôm, cá… vì phù hợp với các món canh riêu giải háo. Mặc dù vậy, nhóm thủy sản tươi sống cũng phụ thuộc không nhỏ vào việc khai thác, đánh bắt, theo định kỳ các con nước, ngoại trừ thuỷ sản nuôi thả.

Tựu chung, theo lẽ thường thì thực phẩm tươi sống cũng như các loại hàng hóa khác, việc giảm hay tăng giá bán là do quy luật cung cầu. Nhưng diễn biến trên cho thấy, thực phẩm tươi sống khác với nhóm hàng tiêu dùng do tính chất sử dụng cấp thiết, phương thức lưu thông, bảo quản, thời tiết, thời điểm… nên khó tránh những biến động cục bộ.

Điều quan trọng là, dù đã có những đợt tăng giá, nhưng hiện các mức giá của thực phẩm tươi sống cũng không phải quá cao, thậm chí còn cách xa so với đỉnh giá mà nhóm hàng này đã từng thiết lập trong quá khứ.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông