Thương mại, dịch vụ - Kỳ vọng vào mùa du lịch

15:13 15/04/2021

Hơn một năm kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, có thể nói thương mại, dịch vụ là những phân ngành kinh tế bị tổn thất nặng nề nhất, trong dó Hải Phòng cũng không phải ngoại lệ. Đến thời điểm này, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, cũng là lúc thành phố đang khởi động những công việc cần thiết cho mùa duc lịch 2021, đây là cơ hội lớn để các phân ngành thương mại, dịch vụ hồi phục và tăng tốc trở lại.

Thương mại nội địa kỳ vọng hồi phục và tăng tốc

Những tháng đầu năm, tình hình thế giới tiếp tục nhiều bất ổn, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động kinh tế. Riêng đối với Việt Nam, bao gồm cả Hải Phòng, đợt dịch bùng phát tại các tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương ngay trong tháng đầu năm đã tác động tiêu cực rất lớn.

Trong đó, các nhóm ngành dịch vụ, thương mại phải đối mặt với những thách thức mang tính toàn diện, giữa bối cảnh nhịp độ sinh hoạt của xã hội bị cản trở vì dịch bệnh.

Theo số liệu thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố tháng 3 vừa qua đạt 11.848,6 tỷ đồng, giảm 0,12% so với tháng trước. Cộng dồn quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt khoảng 37.128 tỷ đồng, tăng 11,39% so với cùng kỳ năm trước.

Nhưng chỉ số gia tăng này chưa nói lên được điều gì, bởi quý I-2020 cũng chính là thời điểm dịch Covid-19 hoành hành mạnh mẽ, nên kết quả hoạt động thương mại, dịch vụ cùng kỳ năm trước không phải là sự so sánh tăng trưởng hoàn hảo. Mặt khác, quý I cũng chính là điểm rơi của thị trường tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tương ứng với đỉnh điểm của nhu cầu mua sắm hàng hóa.

Cần phải thấy rằng, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, những việc đầu tiên pahir triển khai trong công tác phòng, chống đại dịch chính là: hạn chế hoặc tạm dừng các lễ hội; tạm dừng đón khách du lịch, người từ các vùng có dịch đến Hải Phòng và tạm dừng tổ chức các đoàn khách du lịch đến các vùng đang có dịch; hạn chế hoạt động đối với các rạp chiếu phim, quán karaoke, vũ trường, quán bar, các điểm du lịch, vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng… nhìn chung là hạn chế tiếp xúc, tụ tập đông người. Đây chính là điểm nghẽn khiến hoạt động thương mại, dịch vụ lâm vào tình trạng bi đát.

Du lịch biển khởi động tốt sẽ là cơ hội lớn cho ngành dịch vụ

Hơn thế, sau một năm giữ vững trận tuyến, Hải Phòng đã trở thành điểm dịch trong đợt dịch bùng phát đầu năm 2021, nhiều thời điểm nguy cơ ở mức cao. Thực trạng đó đã buộc thành phố phải ban hành những giải pháp phòng, chống dịch rất ngặt nghèo, với mục tiêu cao nhất là khống chế và kiểm soát dịch bệnh. Đồng nghĩa với điều này là áp lực gia tăng lên thương mại, dịch vụ, nhất là những hoạt động liên quan đến du lịch.

Đơn cử, chỉ nhìn vào một lĩnh vực lưu trú và lữ hành, đã thấy rất rõ điều đó. Cũng theo số liệu thống kê, tổng lượt khách tháng 3-2021 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ đạt khoảng 349,4 nghìn lượt, giảm 1,35% so với tháng trước và giảm 21,68% so với cùng tháng năm 2020. Tính chung cả quý I, tổng lượt khách lưu trú và lữ hành thành phố đạt khoảng 1.215,7 nghìn lượt, giảm 18,57%, trong đó khách quốc tế giảm 84,35% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể nói, dịch bệnh đã tạo ra phản ứng mang tính dây chuyền, chi phối mọi góc độ của hoạt động thương mại, dịch vụ. Từ việc các tụ điểm sinh hoạt đông người, du lịch bị hạn chế, đến tâm lý người dân ngại sử dụng các dịch vụ và cũng ngại luôn cả việc mua sắm, cho đến sự phân hóa nhu cầu đối với từng nhóm sản phẩm hàng hóa.

Điều đáng nói là, xét trên tổng thể, kết quả hoạt động thương mại, dịch vụ luôn là những phân ngành kinh tế đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của thành phố. Nên những con số kể trên cũng đã thể hiện nỗ lực nội ngành trong bối cảnh khó khăn chung, dù không thể ngộ nhận về mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng đề ra.

Nhìn lại những năm gần đây, sau một thời gian bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, các ngành thương mại, dịch vụ đã có những bước đi linh hoạt, trong việc tái cấu trúc đổi mới mô hình hoạt động.

Đặc biệt, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tiếp tục khẳng định vị thế trong việc chiếm lĩnh và kiểm soát thị trường nội địa. Nhất là trong thời gian gần đây, nhiều mô hình trung tâm thương mại hiện đại được xây dựng, đưa vào khai thác hiệu quả, bên cạnh sự trụ vững của các trung tâm được hình thành trước đó.

Nhưng điều quan trọng nhất, việc thu hút mọi nguồn lực và đổi mới phương thức đầu tư đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, trả lại sự vận động tất yếu của quy luật kinh tế thị trường, phát huy được tư duy sáng tạo của yếu tố tư nhân trong phát triển kinh tế.

Từ đó góp phần hiệu quả vào việc tái cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, nâng tỷ trọng yếu tố tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của chính sách kinh tế, chứng tỏ hướng đi đúng trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của thành phố.

Sự suy giảm hiện hữu của thương mại, dịch vụ là đáng lo ngại, nhưng nguyên nhân xuất phát từ yếu tố khách quan, nằm chung trong thách thức mang tính toàn cầu.

Hiện dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát tốt, thành phố đang khởi động những hoạt động lớn hướng tới dịp kỷ niệm 66 năm giải phòng Hải Phòng, điểm nhấn là Lễ hội Hoa Phượng Đỏ.

Cùng với đó, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục ổn điịnh, thì mua du lịch cũng chính thức khai trương với hai trung tâm du lịch biển nổi tiếng là Cát Bà và Đồ Sơn.

Đây sẽ là cơ hội tốt cho ngành thương mại, dịch vụ hồi phục, xốc lại cơ sở hạ tầng cũng như tinh thần để bứt tốc.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông