Thương mại nội địa – Niềm tin từ khởi sắc đầu năm

08:25 15/02/2023

Cùng thời điểm này năm trước, thị trường vẫn chìm đắm trong vòng vây tỏa của dịch bệnh Covid-19, khi du lịch, lễ hội đầu xuân chưa được tái hoạt động. Nhưng năm nay mọi việc đã trở lại bình thường, phân ngành kinh tế thương mại nội địa cũng vì thế tràn trề niềm tin, khi không khí mua sắm tưng bừng đang giữ nhịp kết nối kéo dài từ trong tết Nguyên đán đến hội xuân.
Hy vọng thị trường nội địa sẽ tiếp tục được cải thiện sau dịp xuân Quý Mão 2023

Kể từ khi ca bệnh Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào cuối tháng 1-2020, đến nay vừa đúng 3 năm, đại dịch dù đã qua giai đoạn hoành hành những cũng chưa đến hồi kết.

Trong thời gian đó, có thể nói ngành thương mại - dịch vụ phải đối mặt với những áp lực vô cùng tệ hại, trong bối cảnh nền kinh tế nói chung cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Với vị thế là cửa ngõ giao thương quốc tế lớn nhất miền Bắc, là thị trường sôi động của khu vực duyên hải Bắc Bộ, nên ngành thương mại – dịch vụ Hải Phòng cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bậc nhất của đại dịch Covid-19.

Cụ thể là hoạt động sản xuất, kinh doanh gián đoạn; lưu thông đình trệ, chi phí tăng cao, sức mua giảm sút… đặt ra những thách thức không nhỏ trong phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội

Điều đáng nói là trong cơ chế vận hành giao thương, khu vực ngoài Hải Phòng vừa là nguồn cung ứng hàng hóa tiêu dùng nội địa, nhưng cũng vừa là thị trường của nhiều ngành sản xuất của thành phố, nên tác động mang tính liên hoàn. Lẽ đương nhiên, khi lưu thông bị ngưng trệ, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy sẽ tác động ngay đến việc triển khai thực hiện những chỉ tiêu kế hoạch được xây dựng trước đó sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Đáng mừng là, từ quý 2/2022 đến nay, ngay sau khi cơ chế kiểm soát dịch bệnh chuyển sang trạng thái mới, Hải Phòng đã chủ động thích ứng nhanh, chuẩn bị những cơ sở tốt nhất để tái khởi động những mảng thương mại bị ảnh hưởng trước đó.

Điều này đã cải thiện toàn diện, góp phần vào thành tựu kinh tế của thành phố trong năm vừa qua. Đúng như đánh giá của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng, với sự tập trung vào cuộc, phản ứng nhanh, chủ động, tăng trưởng kinh tế thành phố tiếp tục đạt ở mức cao so với bình quân chung cả nước.

Bước sang năm 2023, thị trường dịp tết Nguyên đán Quý Mão có ý nghĩa như sự tái khởi động, “mở hàng” cho mùa làm ăn mới khi mọi hoạt động cơ bản đã bình thường.

Điều đáng mừng là, tình hình thế giới dù còn nhiều phức tạp, nhất là những vấn đề liên quan đến cuộc chiến Nga – Ukraine, nhưng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu tích cực.

Trong đó nổi bật là sự ổn dịnh trở lại của giá xăng dầu, thị trường tiền tệ, cũng như lạm phát từng bước được kiểm soát, thị trường tiền tệ cũng giảm nhiệt, và thêm một cơ hội nữa là Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mang tên “Zezo Covid”.

Ngay từ đầu năm, tác động dích cực của dịp tết Nguyên đán đã giúp hoạt động mua sắm trên địa bàn thành phố diễn ra nhộn nhịp, nhu cầu về các dịch vụ phục vụ cá nhân, gia đình tăng cao.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng thành phố, năm nay có nhiều ngành hàng tăng sức mua, các doanh nghiệp, nhà cung cấp tại thị trường thành phố Hải Phòng đảm bảo đáp ứng nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng trước, trong và sau Tết.

 Trong đó, các siêu thị, trung tâm thương mại như Go Hải Phòng, MM Mega Market, Aeon Mall, Co.op Mart, Winmart… không khí mua sắm rất sôi động.

Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 1 vừa qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng, tăng 1,78% so với tháng trước, tăng 14,77% so với cùng kỳ năm trước.

Các nhóm ngành hàng đều có doanh thu tăng cao như ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 13,52%; hàng may mặc tăng 14,12%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 14%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 13,1%... góp phần quan trọng vào doanh thu bán lẻ tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2022.

Ở một góc độ khác, liên quan đến hoạt động dịch vụ, cũng tính trong tháng 1 doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 140,1 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 1.711,3 tỷ đồng… đều tăng cao só với năm trước.

Có thể thấy, những kết quả trên đây của hoạt động thương mại nội địa đã cho thấy diễn biên tích cực của thị trường, từng bước bứt khỏi sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như các yếu tố tiêu cực khác từ thị trường thế giới.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận thẳng thắn, sau dịp lễ hội đầu xuân mới, hoạt động thương mại, dịch vụ vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tâm lý người tiêu dùng, khi nhu cầu cao điểm đã qua đi.

Nhưng dẫu sao kết quả đó cũng mang ý nghĩa động lực rất lớn, tạo niềm tin cho giai đoạn kế tiếp, nhất là mùa du lịch biển năm nay.

Mặt khác, xét trên tổng thể, kết quả hoạt động thương mại - dịch vụ luôn là những phân ngành kinh tế đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của thành phố, là trụ cột đã được Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố xác định.

Nên phát triển phân ngành kinh tế này đang rất cần một cú hích mang tính cách mạng, với những bước đi linh hoạt, trong việc tái cấu trúc đổi mới mô hình hoạt động.

Điều quan trọng là việc thu hút mọi nguồn lực và đổi mới phương thức đầu tư để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo sự vận động tất yếu của quy luật kinh tế thị trường, phát huy được tư duy sáng tạo của mọi thành phần kinh tế.  

Sự suy giảm nhất thời của thương mại - dịch vụ là đáng lo ngại, nhưng nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ yếu tố khách quan, nằm chung trong thách thức mang tính toàn cầu, hy vọng sẽ được cải thiện mạnh mẽ trong năm 2023.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông