19:14 16/11/2023 Sau một thời gian thử nghiệm hệ thống quản lý lưu trú (ASM) tại 115 Bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố, cuối tháng 10 vừa qua, CATP vừa chính thức cho ra mắt mô hình điểm “Thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố”. Đây là 1 trong 43 mô hình được triển khai theo Kế hoặch phối hợp số 62 ngày 28/6/2023 của Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP Trung ương với Ban chỉ đạo Đề án 06/CP thành phố về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 06/CP tại Hải Phòng. Vậy hệ thống quản lý lưu trú này có gì đặc biệt; điều kiện, quy trình, cách sử dụng phần mềm này ra sao và phần mềm này mang lại những tiện ích gì cho cho các cơ sở khám, chữa bệnh?!
Lợi ích mang lại
Theo chia sẻ của Thượng tá Trịnh Tuấn Anh – Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH – CATP: Hệ thống quản lý lưu trú qua phần mềm ASM do Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng dựa trên nền tảng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC). Hệ thống được kết nối, thông suốt dữ liệu với CSDLQG về DC giúp cho dữ liệu quản lý cơ sở khám, chữa bệnh được thống nhất, xuyên suốt tới từng cá nhân bệnh nhân lưu trú và từng cơ sở khám chữa bệnh.
Được tích hợp với các dòng máy đọc Qrcode của thẻ CCCD gắn chíp, Qrcode CCCD trên ứng dụng VNeID (mã Qrcode trong ứng dụng VNeID là mã Qrcode động, luôn lấy thông tin mới nhất của công dân trong CSDLQG về DC), các dòng máy đọc MRZ của hộ chiếu nên phần mềm ASM, giúp các cơ sở khám, chữa bệnh rút ngắn thời gian nhập dữ liệu và tự động cập nhật các thông tin đăng ký của bệnh nhân lưu trú, đảm bảo các thông tin được xác thực đồng bộ với hệ thống CSDLQG về DC.
Đây cũng chính là phần mềm cung cấp các tiện ích giúp cơ sở khám, chữa bệnh quản lý thông tin bệnh nhân lưu trú và thông báo trực tuyến thông tin bệnh nhân lưu trú đến cơ quan Công an một cách nhanh chóng, chính xác, đúng quy định. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và tổ chức thực hiện thủ tục thông báo lưu trú theo quy định của Luật Cư trú.
Đồng thời, hỗ trợ nhanh chóng, chính xác cho công tác quản lý lưu trú nói chung, quản lý bệnh nhân lưu trú nói riêng tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố của lực lượng Công an.
Ngoài ra, phần mềm ASM được liên thông dữ liệu với Cổng dịch vụ công quản lý cư trú của Bộ Công an nên đảm bảo các yêu cầu về an ninh, an toàn theo quy định của Bộ Công an; giúp tối ưu quá trình quản lý bệnh nhân tại các khoa, khu, tòa nhà và quản lý phòng/giường bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh một cách thuận tiện, dễ dàng.
Ba điều kiện sử dụng
Không chỉ mang lại những tiện ích ưu việt trong công tác quản lý lưu trú, theo đánh giá của cơ quan chức năng thì với hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại có sẵn như hiện nay, việc kết nối và sử dụng phần mềm ASM đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Hải Phòng là rất đơn giản.
Các cơ sở chỉ cần đáp ứng đầy đủ ba điều kiện gồm: có máy tính/thiết bị di động có kết nối mạng Internet; thuộc Danh mục Cơ sở khám chữa bệnh phải được Cảnh sát khu vực trên địa bàn phê duyệt, được Trung ương cấp quyền truy cập phần mềm ASM; người sử dụng phần mềm có tài khoản định danh điện tử VNeID ít nhất là mức 1, là có thể vận hành, khai thác được một cách tối ưu những tiện ích mà phần mềm ASM mang lại.
Quy trình sử dụng
Để sử dụng phần mềm ASM, các cơ sở khám, chữa bệnh cần tiến hành theo trình tự các bước như sau: Người dùng sẽ Đăng nhập vào phần mềm theo đường dẫn: https://benhvien.dancuquocgia.gov.vn/. Sau đó thiết lập các thông tin về phòng, sơ đồ, dịch vụ, nhân viên. Khi bệnh nhân vào viện, cơ sở khám, chữa bệnh sẽ thực hiện nhập thông tin vào chức năng “Đăng ký điều trị nội trú”.
Khi bệnh nhân sử dụng các dịch vụ tại cơ sở khám, chữa bệnh, nhân viên cơ sở sẽ tiến hành ghi nhận các dịch vụ đã sử dụng tại chức năng “Quản lý điều trị nội trú” với mục “Dịch vụ”. Khi bệnh nhân ra viện, toàn bộ các thông tin sẽ được thao tác tại chức năng “Dịch vụ & Trả phòng & Thanh toán” (trong mục Đăng ký điều trị nội trú), giúp tổng hợp các loại chi phí như tiền phòng, dịch vụ …, để tiến hành thanh toán.
Trong khi đó, việc thông báo lưu trú được hệ thống ASM gửi tự động đến Cơ quan Công an cấp xã trên địa bàn của cơ sở khám, chữa bệnh. Hệ thống ASM cho phép cơ sở khám, chữa bệnh lựa chọn 1 trong 2 phương thức thông báo lưu trú là thủ công hay tự động.
Tựu chung lại là khi sử dụng, phần mềm ASM sẽ giúp cơ sở khám, chữa bệnh vừa quản lý bệnh nhân lưu trú vừa thiết lập cơ sở, thông báo lưu trú và quản trị ứng dụng. Trong chức năng quản lý bệnh nhân lưu trú, người sử dụng có thể tra cứu, xem, sửa thông tin bệnh nhân; đăng ký điều trị nội trú và quản lý điều trị nội trú.
Với chức năng thiết lập cơ sở, phần mềm này giúp người sử dụng có thể thiết lập sơ đồ lưu trú, thiết lập loại giường và quản lý nhóm dịch vụ, dịch vụ, tiện ích, quản lý Qrcode.
Đáng chú ý, hệ thống quản lý lưu trú ASM cho cơ sở khám, chữa bệnh tích hợp chức năng thông báo lưu trú hoàn toàn tự động. Người sử dụng có thể theo dõi các thông báo lưu trú đã được tạo và gửi đi tại chức năng “Danh sách thông báo lưu trú”. Và với chức năng quản trị ứng dụng, người sử dụng có thể quản lý tài khoản người dùng, quản lý việc phân quyền đối với mỗi tài khoản người dùng.
Hi vọng rằng với những đặc điểm, tính năng ưu việt kể trên, mô hình Thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố sẽ nhanh chóng phát huy hiệu quả thiết thực, được nhân rộng ra khắp các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Hải Phòng. Qua đó, có đóng góp quan trọng, tạo ra sự bứt phá mới về chất trong công tác quản lý lưu trú nói chung, quản lý bệnh nhân lưu trú nói riêng tại các cơ sở khám, chữa bệnh của lực lượng Công an…
Khánh Chi