Tìm hướng đi mới cho “lộc biển”

09:43 02/03/2020

Mùa sứa biển hay còn gọi là “lộc biển” đã vào vụ được khoảng hơn 1 tháng, song năm nay do trời lạnh sứa ít về, đầu ra chủ yếu xuất khẩu lại bị tắc khiến cho việc đánh bắt, chế biến và tiêu thụ sứa trên địa bàn quận Đồ Sơn gặp nhiều khó khăn.

 

Lao động chế biến sứa tại xưởng sản xuất thuộc Cảng cá Ngọc Hải

Hàng năm, cứ vào khoảng đầu tháng Giêng cho đến tháng 4 Âm lịch, ngư dân Đồ Sơn lại căng lưới ra khơi đánh bắt sứa biển. Trước đây, cứ đến mùa sứa biển, ngư dân Đồ Sơn lại “treo” tàu bởi chất nhớt tiết ra từ sứa trở thành mối nguy hại cho tôm cá, việc đánh bắt bị gián đoạn.

Con sứa đánh bắt về bán rẻ cũng chẳng ai mua. Cả vùng chỉ có vài chục hộ làm nghề muối sứa bằng sú, vẹt nhưng thu nhập lại không cao. Thế nhưng khoảng13 năm trở lại đây, khi sứa được đem đi xuất khẩu, mang lại thu nhập cho người dân thì sứa bỗng trở thành thứ “lộc biển” mà ông trời ban tặng. Ngư dân cũng yên tâm bám biển, phát triển kinh tế địa phương.

Ông Lưu Đình Dũng - Chủ tịch UBND phường Hải Sơn cho biết, vào thời kỳ cao điểm, phường Ngọc Hải cũ (nay sáp nhập với phường Vạn Sơn thành phường Hải Sơn), quận Đồ Sơn có tới 30 tàu công suất 50CV trở lên và hơn 40 thuyền nan làm nghề khai thác sứa. Được mùa, tàu lớn với 5-6 lao động mỗi chuyến ra khơi đánh bắt nhiều thì được khoảng 1.500 con, mà ít thì chỉ khoảng 300 – 400 con sứa.

Với giá bán 15-20 nghìn đồng/con, trừ chi phí xăng dầu, thuê nhân công, mỗi tàu thu nhập khoảng 200 triệu/tháng; trừ mọi chi phí, mỗi thuyền viên thu được 60-80 triệu/vụ. Không chỉ vậy, mỗi xưởng sản xuất còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nhân công với thu nhập từ 40-50 triệu/vụ/người. Riêng vụ sứa năm 2019, các phương tiện đánh bắt sứa của phường Ngọc Hải khai thác hơn 1,7 triệu con, tổng doanh thu hơn 18 tỷ đồng.

 

Nhiều năm trở lại đây, khai thác sứa đã mang lại giá trị kinh tế cho ngư dân Đồ Sơn

Thời kỳ hoàng kim, sứa được mùa, được giá, khu vực Cảng cá Ngọc Hải, phường Hải Sơn có đến 14 xưởng chế biến sứa. Vào chính vụ, các xưởng sản xuất ngày đêm nhộn nhịp người ra vào. Hàng trăm lao động sơ chế sứa tại các xưởng luôn tay luôn chân không hết việc. Ông Trần Văn Hợp, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân phường Ngọc Hải cho biết, sứa được coi là “lộc biển” bởi 60% sản phẩm từ sứa muối ở Ngọc Hải được tiêu thụ ra thị trường nước ngoài mà chủ yếu là Trung Quốc với giá thành ổn định. Tuy nhiên, thay vì được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch ra nước ngoài như trước, năm 2019, thủ tục xuất hàng ra nước ngoài bị siết chặt, buộc phải theo đường chính ngạch đã khiến đầu ra của sứa bị “tắc”.

Lượng xuất khẩu giảm 3-4 lần trong khi lượng tiêu thụ tại thị trường trong nước tăng lên không đáng kể. Từ 14 xưởng sản xuất sứa, năm 2020, phường Hải Sơn chỉ còn 5 xưởng hoạt động; số tàu, thuyền khai thác giảm xuống chỉ còn 9 tàu lớn và hơn 10 thuyền nan. Giá sứa cũng giảm theo, từ 15-20 nghìn đồng/con, hiện còn 10 nghìn đồng/con; một số xưởng sản xuất còn tồn hàng từ vụ mùa năm 2019 chưa tiêu thụ được.

Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm sứa Đồ Sơn, từ vụ sứa năm 2019, chính quyền phường đã đề nghị quận Đồ Sơn, thành phố, các sở ngành liên quan vào cuộc chung tay tháo gỡ những khó khăn đẩy mạnh xuất khẩu sứa sang thị trường nước ngoài; đẩy mạnh mở rộng thị trường trong nước.

Theo ông Lưu Đình Dũng – Chủ tịch UBND phường Hải Sơn, trước những khó khăn đang gặp phải, địa phương đã vận động các xưởng chế biến sứa tìm mô hình hợp tác, liên kết phù hợp thay vì mạnh xưởng nào xưởng đó thu mua, chế biến, tìm thị trường như hiện nay. Đồng thời, đề nghị quận Đồ Sơn xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, đưa sản phẩm sứa muối Đồ Sơn giới hiệu tại các hội chợ thương mại, ẩm thực, chào hàng các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ lớn… Bên cạnh đó, phường Hải Sơn phấn đấu nâng tỷ lệ sứa tiêu thụ ở thị trường nội địa lên 60%-70% thay vì con số 30%-40% sản lượng tiêu thụ trong nước như hiện nay.

Hải Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông