Tổng chỉ huy chiến trường Nam bộ đầu tiên - Tướng Nguyễn Bình: Những dấu ấn ở Hải Phòng

15:46 21/08/2017

Nguyễn Bình một trong những vị tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam. Tài năng và công lao của ông được sử sách và người đời ca ngợi với những dấu ấn không thể phai mờ trong thời kỳ tiền khởi nghĩa ở vùng Đông Bắc và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ.

Tên thật của Trung tướng Nguyễn Bình là Nguyễn Phương Thảo. Ông sinh năm 1906 tại ở làng An Phú, xã Tinh Tiến, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, một trong những làng quê nổi tiếng về truyền thống yêu nước, cách mạng.

Tuổi trẻ ông xuống Hải Phòng làm thủy thủ trên tàu viễn dương chạy tuyến Việt Nam - Pháp. Tận mắt chứng kiến sự áp bức bóc lột của thực dân xâm lược, năm 1929, Nguyễn Phương Thảo trở thành đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo.

Ông bị thực dân Pháp bắt đi đày Côn Đảo. Trong tù, Nguyễn Phương Thảo đã được các Đảng viên Cộng sản tuyên truyền, giác ngộ và tích cực tham gia đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc. Năm 1936, được thả tự do, ông về Hải Phòng liên lạc với tổ chức cách mạng và hoạt động với cái tên mãi mãi đi vào lịch sử của quân đội ta trong Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng 8 và kháng chiến chống Pháp.

Năm 1943, Nguyễn Bình từ Bần Hưng Nhân, tỉnh Hưng Yên mở rộng cơ sở sang vùng Kiến An, Hải Phòng. Ông đã về làng Mỹ Lang, xã Mỹ Đức, An Lão gặp lực lượng cách mạng ở đây do đồng chí Trần Đình Qúy lãnh đạo, tuyên truyền về việc thành lập chiến khu, bí mật mua vũ khí để trang bị cho du kích quân.

Các đường dây do ông phụ trách tỏa rộng nhanh chóng ở trong nội thành Hải Phòng; ở các huyện An Lão, Thủy Nguyên và tỉnh lị Kiến An, thị xã Đồ Sơn. Sau Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, tháng 4 năm 1945, Nguyễn Bình được Xứ ủy giao nhiệm vụ về vùng Duyên hải Bắc bộ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.

Từ trái qua là các đồng chí: Huỳnh Văn Nghệ, Lê Duẩn, Trung tướng Nguyễn Bình và Dương Quốc Chính ở Chiến khu Đ.

Qua các nhà tư sản, anh em binh lính, thủy thủ, ông sắm được khá nhiều vũ khí và tích cực chuẩn bị cho việc thành lập Chiến khu Đông Triều (chiến khu Trần Hưng Đạo). Chưa kể, Nguyễn Bình còn xây dựng được nhiều nhân mối trong hàng ngũ binh sĩ địch. Số anh em này đã có những đóng góp tích cực cho chiến khu.

Ngày 8 tháng 6 năm Ất Dậu (1945), Nguyễn Bình chỉ huy đội quân du kích nổ súng đánh chiếm các đồn địch ở Bốt Chợ. Đó cũng là ngày Chiến khu Đông Triều chính thức được thành lập do Nguyễn Bình làm Tư lệnh. Lực lượng của chiến khu ngày càng lớn mạnh và mở rộng hoạt động trong khắp vùng Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Yên, Hòn Gai, Kiến An, Hải Phòng. Dưới tài thao lược của ông, nhân dân ở các địa phương trên đã đóng góp sức người, sức của cho chiến khu.

Đặc biệt, trong những ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 năm 1945, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Nguyễn Bình, du kích quân Chiến khu Đông Triều liên tiếp đánh tỉnh lị Quảng Yên và cướp vũ khí địch ở một số huyện. Rồi ngày 23 tháng 8 năm 1945, lực lượng vũ trang chiến khu Đông Triều theo lệnh của Nguyễn Bình chia làm hai đường thủy, bộ tiến vào Hải Phòng. Một mũi tiến công vũ trang trọng yếu thẳng tiến tới trung tâm thành phố Hải Phòng do chính Nguyễn Bình dẫn đầu đã xuất phát từ đền Mẫu tại bến đò làng Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên.

Tại nội thành Hải Phòng hôm đó, sau khi lực lượng của Tư lệnh Nguyễn Bình tiến vào, nội đô đã diễn ra một cuộc mít - tinh rất lớn của quần chúng nhân dân xóa bỏ chính quyền tay sai của Nhật, thành lập chính quyền cách mạng. Tiếp theo những ngày sau, lực lượng vũ trang của Chiến khu Đông Triều đã tham gia giành chính quyền ở huyện Hải An, thị xã Đồ Sơn, huyện đảo Cát Bà, Cát Hải...

Sử sách ghi lại, trong những ngày đầu Cách mạng Tháng 8, đứng trước sự phá hoại, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ của thù trong, giặc ngoài trước vận nước "ngàn cân treo sợi tóc", Tư lệnh Nguyễn Bình cùng bộ đội Chiến khu giữ trọng trách lớn bảo vệ chính quyền và nhân dân thành phố, trấn áp bọn phản cách mạng. Cho tới khi thực dân Pháp mở rộng đánh chiếm toàn Nam bộ, Nguyễn Bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiệm vụ trọng trách cho ông với câu nói: "Giao miền Nam cho chú".

Với phẩm chất cách mạng và tài năng quân sự tuyệt vời, tướng Nguyễn Bình đã rất mau lẹ thống nhất các lực lượng vũ trang Nam bộ và tổ chức thành các đơn vị có tổ chức, kỷ luật cao, sáng tạo, luồn sâu đánh hiểm vào trong lòng địch. Ngày 20 tháng 11 năm 1948, ông được phong quân hàm Trung tướng và làm Tổng chỉ huy chiến trường Nam bộ.

Dũng cảm, gan dạ, táo bạo, thông minh và quyết đoán là đặc trưng tiêu biểu trong nhân cách, phẩm chất của tướng Nguyễn Bình. Những chiến công buổi đầu kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam bộ gắn liền với tên ông. Ông được nhân dân kính trọng, kẻ thù khiếp sợ.

Một tổn thất lớn quân đội ta, ngày 29-9-1951, ông đã hy sinh tại một khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia khi đang trên đường ra Bắc để báo cáo về tình hình Nam Bộ theo triệu tập của trung ương. Năm 2000, đội công tác của Bộ Quốc phòng, được sự giúp đỡ của tỉnh Ráp-ta-na-ki-si, Campuchia đã đưa hài cốt của Trung tướng về Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Đặc biệt, ở Hải Phòng tại hai di tích xếp hạng của thành phố Hải Phòng gồm di tích lịch sử đền Mẫu, xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên và di tích lịch sử nhà truyền thống Mỹ Lang, xã Mỹ Đức, huyện An Lão, nhân dân địa phương đã lập nơi để tôn vinh, phụng thờ ông như một bậc Phúc thần.

Châu Lương

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông