10:47 28/07/2018 Đầu tháng 6-1998, một cơn “lốc” đã quét qua chợ Cầu Đầm, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, làm bao nhiêu gia đình lâm vào cảnh lục đục. Ngọn nguồn của mọi việc đều do đường dây hụi của Trần Thị Thu, sinh 1958, ở thôn Tân Lập, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng “vỡ”. Bất lực, hơn hai chục người đã gửi đơn đến Công an huyện Tiên Lãng giải quyết.
Ngay sau khi nhận được đơn trình báo của các nạn nhân, Công an huyện Tiên Lãng đã khẩn trương nhập cuộc. Lần theo những đầu mối do nạn nhân cung cấp, Công an huyện Tiên Lãng đã đưa ra ánh sáng cả một hệ thống các dây hụi chằng chịt, nhiều nhánh khác nhau do Trần Thị Thu tạo dựng từ năm 1996 tới tháng 6.
Tháng 6-1996, thấy nhu cầu được vay vốn làm ăn, mua sắm của các hộ gia đình trong huyện Tiên Lãng khá lớn, Trần Thị Thu đã đến một số gia đình có kinh tế ở chợ Cầu Đầm, xã Đoàn Lập cũng như các xã lân cận: Kiến Thiết, Cấp Tiến, Thị trấn Tiên Lãng... để “vận động” tham gia chơi hụi.
Ảnh minh họa
Để nắm cơ hội thành công, trước khi đến “mời” ai đó, Thu đều bỏ công sức tìm hiểu khả năng kinh tế, nhu cầu của từng đối tượng. Và nhằm tạo lòng tin, Thu tạo cho mình hình ảnh rất “long lanh”. Lúc nào Thu cũng đeo vàng đầy người. Sau câu chuyện, phân tích với nhiều lý lẽ hợp lòng người, chốt lại, Trần Thị Thu hứa chắc nịch: bất kể khi nào cần, cũng sẵn sàng “chồng” đủ tiền.
Với những chiêu đánh vào lòng người như vậy, đã có rất nhiều "con mồi" của Thu gục ngã đăng ký tham gia. Từ tháng 6-1996, dây hụi tiên với 15 người (còn gọi là “chân hụi”) tham gia, dưới sự điều hành của Trần Thị Thu đã được thành lập. Để đường dây này hoạt động thuận lợi, Thu đưa ra quy định mỗi “chân hụi” phải nộp 510.000 đồng ( tương đương 1 chỉ vàng thời điểm đó). Các “chân hụi” đều chấp nhận mức đó.
Mặt khác, mỗi năm, dây có 3 kỳ hụi vào tháng 5, tháng 10 và tháng chạp âm lịch, tương ứng với 3 kỳ “mở hụi”. Tức là 1 trong số 15 “chân hụi” được lấy tiền từ các “chân hụi” khác góp lại. Nếu tính như vậy, kết thúc hoạt động của dây hụi này phải hết năm 2000.
Người nào lấy tiền ở các kỳ “mở hụi” trước thì tất cả các kỳ góp hụi sau, ngoài số tiền gốc là 510.000 đồng còn phải đóng thêm số tiền lãi là 255.000 đồng, tổng cộng bằng 765.000 đồng/kỳ. Nếu tính như vậy, người lấy hụi ở kỳ cuối cùng vào tháng chạp năm 2000 thì sẽ được nhận tổng số tiền là 11.475.000 đồng trong đó tiền gốc là 7.650.000 đồng và tiền lãi là 3.825.000 đồng.
Và tất nhiên, để thu lại số tiền đó, các “chân hụi” phải trả công điều hành cho “chủ hụi” là Thu. Số tiền đó là 255.000 đồng, được gọi là tiền “trách nhiệm”, mỗi “chân hụi” phải góp ngay ở kỳ đầu tiên, ngoài tiền gốc (510.000 đồng). Tính ra, số tiền Thu được hưởng là 3.825.000 đồng.
Nhằm tạo niềm tin cũng như thu hút thêm nhiều người tham gia dây hụi, Thu đã chỉ định cho một chủ một xưởng gỗ ở thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết được “hốt hụi” với số tổng số tiền là 7.140.000 đồng trong kỳ đầu tiên.
Thấy người này bỗng có số tiền lớn trong tay khá dễ dang, nhiều người đã tìm đến Thu. Với số lượng người đăng ký tham gia tăng vọt, Trần Thị Thu vận động một số người nữa lập thêm 2 dây hụi vàng khác, với mức 510.000 đồng cùng các quy định như trên.
Sang năm 1997, Thu bắt đầu mở rộng “công việc”, huy động lập thêm 3 dây hụi với mỗi “chân hụi” là 300.000 đồng. 3 dây hụi này chơi theo tháng. Mỗi “chân hụi” nhập cuộc đều phải nộp “tiền trách nhiệm” cho Thu ngay kỳ đầu tiên là 100.000 đồng.
Chưa đầy 2 năm, Trần Thị Thu đã nắm trong tay 6 dây hụi, trong đó có 49 “chân hụi vàng” (510.000 đồng/chân) và 52 chân hụi tiền (300.000 đồng/chân). Như vậy, chỉ tính riêng số tiền “trách nhiệm”, Thu được hưởng là 17.695.000 đồng.
Để điều hành 6 dây hụi, Trần Thị Thu đã nghĩ ra nhiều chiêu rất tinh vi. Nhằm đảm bảo bí mật, chỉ một mình Thu mới được phép biết tên tất cả “chủ chân hụi” của 6 dây. Cho nên, dẫn tới tình trạng, cùng một người lại là chủ của 2 hoặc 3 “chân hụi” ở cùng 1 dây hụi.
Đặc biệt, tránh việc bất trắc xảy ra, chưa bao giờ Thu cho tất cả chủ các “chân hụi” gặp gỡ nhau. Vì thế, dây hụi nọ kéo nhằng sang dây hụi kia nên không ai có thể kiểm soát được việc thu và hốt hụi. Mọi người chỉ biết một việc là đến kỳ là phải nộp tiền cho Thu. Ai “hốt” hụi hoàn toàn do Thu chỉ định.
Ảnh minh họa
Tạo lòng tin cho những người tham gia, Thu chỉ thực hiện đúng quy định ở một vài kỳ “hốt hụi” đầu tiên ở mỗi dây hụi. Hạn chế sự phiền hà, Thu cho một vài người có “nguy cơ” được nhận tiền về. Còn sau đó, ai xin “hốt hụi”, nếu không phải thật thân quen, Thu đều đưa ra lý do: dành cho người có hoàn cảnh đặc biệt hơn lấy trước.
Nếu ai tự tìm hiểu, Thu cũng cho một cái tên. Tìm đến hỏi chuyện, người được giới thiệu được “hốt hụi” đều xác nhận mình có lấy tiền thật. Thế là họ yên tâm ra về, tiếp tục nộp tiền với hy vọng có một khoản lãi. Nhưng tất cả đều không biết được một sự thật: người đó không hề ở trong dây của mình. Họ thuộc danh sách 1 trong 5 dây còn lại.
Mãi đến đầu tháng 6-1998, một số người phong thanh nghe tin, Trần Thị Thu đang có ý định bán nhà, để ra Quảng Ninh sinh sống. Tất cả đều thấy lạ vô cùng, bởi đang làm ăn tốt thế, tại sao Thu phải bán nhà. Ai nấy đều chột dạ, lo lắng, kiểm tra lại các thông tin trước đây. Lúc này, mọi người mới tá hỏa, phát hiện mình bị lừa, liền tức tốc đến nhà đòi Thu thanh toán.
Sự việc vỡ lở, dù có ăn trực nằm chờ tại nhà Thu nhưng không ai có thể đòi được đồng nào ngoài tờ giấy nhận nợ cho từng người do Thu viết. Theo kết quả điều tra của Công an huyện Tiên Lãng, số tiền mà Thu đã lừa mọi người ở các dây hụi lên tới hơn 122 triệu đồng, ở thời điểm đó số tiền này rất lớn.
TRỌNG CÁT
10:14 27/09/2024
10:14 27/09/2024
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024