17:37 05/07/2021 Theo thông tin từ Cục Thú y – Bộ NN&PTNT, hiện trên địa bàn cả nước có 412 ổ Dịch tả lợn Châu Phi tại 113 huyện của 30 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Tổng số lợn tiêu hủy là 30.438 con; trong đó có các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh…. giáp với Hải Phòng.
Tại Hải Phòng, ngày 24-6, Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại hộ ông Nguyễn Đình Sản, thôn Ao Cối, xã Phù Long, huyện Cát Hải. Đến ngày 1-7, Dịch đã xảy ra tại 5 hộ thuộc 2 xã Phù Long, Trân Châu; số lợn tiêu hủy 54 con (04 con lợn nái và 50 con lợn nuôi thịt); trọng lượng tiêu hủy 2.912 kg.
Để chủ động khống chế, ngăn chặn Dịch tả lợn Châu Phi lây lan gây tác hại trên địa bàn thành phố; Chủ tịch UBND TP vừa ban hành Công điện khẩn về việt triển khai các biện pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, quận, các Sở, ban ngành thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch động vật thành phố tiếp tục thực hiện Quyết định số 2655/QĐ-UBND ngày 7-9-2020 của UBND TP về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2020 - 2025 và khẩn trương tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp sau:
1. UBND các huyện, quận, xã, phường, thị trấn: Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong tổ chức, triển khai thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát, phòng chống dịch. Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch tại các địa phương, đơn vị; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng chống dịch; chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định trong công tác kê khai hoạt động chăn nuôi; khai báo kịp thời khi phát hiện lợn có dấu hiệu bệnh cho chính quyền địa phương, cán bộ thú y.
Thống kê đàn lợn nuôi trên địa bàn, văn bản báo cáo gửi về Sở NN&PTNT trước ngày 20-7-2021 tổng hợp báo cáo UBND TP. Đồng thời chủ động xây dựng các kịch bản về phòng chống dịch bệnh động vật đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương; sử dụng nguồn kinh phí của địa phương trong công tác phòng, chống dịch; xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực kịp thời chủ động ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.
a) Đối với các địa phương có dịch: tập trung mọi nguồn lực triển khai biện pháp chống dịch theo Quyết định số 2655/QĐ-UBND ngày 7-9-2020 của UBND TP. Tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, nơi chôn hủy lợn mắc bệnh và khu vực xung quanh theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y; thông báo cho các hộ, các thôn, xã xung quanh về tình hình dịch bệnh trên đàn lợn. Yêu cầu các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng chống dịch theo quy định; thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các đầu mối giao thông ra vào ổ dịch, bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ kiểm soát chặt chẽ, không cho vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra - vào vùng có dịch. Yêu cầu các hộ chăn nuôi tạm ngừng nuôi mới lợn, tăng cường công tác chăm sóc nuôi dưỡng đàn lợn hiện có, theo dõi, giám sát chặt sức khỏe đàn lợn và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cán bộ thú y; thống kê tổng đàn lợn nuôi trên địa bàn thôn, xã có dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm; tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm, báo ngay các trường hợp lợn ốm, chết, nghi mắc bệnh về Chi cục Chăn nuôi và Thú y, khẩn trương thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định...
b) Đối với các địa phương chưa có dịch: chỉ đạo chính quyền cơ sở, các ban ngành thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật địa phương tổ chức tăng cường giám sát dịch đến tận hộ, cơ sở chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ lợn, nơi tập kết lợn, chợ buôn bán lợn sống và sản phẩm từ lợn trên địa bàn nhằm phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh, chết nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời, tránh để dịch lây lan gây thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi; tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi và môi trường xung quanh.
Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; hướng dẫn các hộ chăn nuôi chăm sóc nuôi dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn; thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch, vệ sinh khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi; khi phát hiện lợn ốm, chết nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi phải báo ngay cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh và thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định; tiêu hủy triệt để đàn lợn dương tính với bệnh dịch theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y...
2. Sở NN&PTNT chủ trì kết hợp cùng các ngành thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch tại các địa phương; hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phát hiện và xử lý ổ dịch đúng quy trình theo quy định; xây dựng kế hoạch dự phòng vật tư, hóa chất, lấy mẫu, xét nghiệm…. phục vụ công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định. Đồng thời chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y: thực hiện kiểm dịch vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn theo đúng các quy định hiện hành; Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương tăng cường công tác tham mưu, chủ động giám sát phát hiện dịch; hướng dẫn, giám sát quá trình tiêu hủy lợn mắc bệnh đúng quy trình kỹ thuật; tổ chức kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Phối hợp UBND các huyện, quận, xã, phường, thị trấn tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch, kịp thời bao vây, dập tắt không để dịch lây lan rộng. Phối hợp UBND các cấp, các ban ngành chức năng có liên quan tăng cường thanh kiểm tra công tác phòng, chống dịch; hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ lợn, buôn bán sản phẩm từ lợn trên địa bàn thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định...
3. Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố: bố trí lực lượng thanh tra giao thông, CSGT tham gia tăng cường lực lượng liên ngành tại Trạm kiểm dịch động vật cố định Cầu Đá Bạc - Thủy Nguyên, các chốt kiểm dịch liên ngành tại các địa phương nhằm kiểm soát chặt chẽ, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn mắc bệnh, xuất phát từ vùng có dịch, không rõ nguồn gốc theo quy định…
Chủ tịch giao Sở NN&PTNT thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố, tổng hợp, báo cáo UBND TP...
KC
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024