Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ 24: Mỹ thuật Hải Phòng chất lượng và nổi bật

09:33 31/08/2019

Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ 24 diễn ra từ ngày 21 đến hết 30-8 tại Bắc Ninh đã tạo được tiếng vang lớn trong giới mỹ thuật trên cả nước cũng như thu hút sự quan tâm, yêu mến của đông đảo người thưởng thức. Chất lượng, nổi bật đó là sự ghi nhận, đánh giá của các nhà chuyên môn dành cho những tác phẩm hội họa của các tác giả Hải Phòng khi tham dự Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng năm nay.

“Buổi sáng trên bãi” tranh sơn dầu của họa sĩ Đặng Tiến

Trước khi diễn ra triển lãm, Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận được 384 ảnh tác phẩm của 270 tác giả. Hội đồng nghệ thuật của Hội chọn trưng bày 213 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc và mỹ thuật ứng dụng của 195 tác giả trong khu vực, là những sáng tác mới nhất từ tháng 7-2018 đến tháng 6-2019.

 “Lung linh Tam Bạc” tranh sơn dầu của họa sĩ Trần Vinh đoạt giải Khuyến khích

Trong đó xét 9 giải thưởng tặng các tác giả có tác phẩm xuất sắc, gồm: 1 giải A, 1 giải B, 1 giải C và 6 giải khuyến khích; xét hỗ trợ sáng tác cho 8 tác phẩm, giới thiệu 36 tác phẩm dự Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Tác phẩm “Mùa vàng đổi mới” (tổng hợp) của họa sĩ Thu Hường

Trong đó, Hội Mỹ thuật Hải Phòng có 3 tác phẩm của có 3 tác giả đoạt giải, gồm: “Vọng ngàn”- tác phẩm sắp đặt đồ đồng của nhà điêu khắc Phạm Ngọc Lâm; “Con đường huyền thoại” - tranh khắc gỗ của họa sĩ Đặng Hướng và “Lung linh Tam Bạc”- tranh sơn dầu của họa sĩ Trần Vinh.

Bên cạnh đó còn có 4 tác giả có tác phẩm được giới thiệu tham dự giải thưởng của UBTQ Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam đó là: “Sông Tiền Giang” (màu nước)-Nguyễn Đức Quang, “Mùa vàng đổi mới” (tổng hợp) - Thu Hường, “Bình yên” (sơn dầu) - Lê Văn Lương, “Đợi” (lụa) - Phạm Xuân Diệu.

Mỗi tác phẩm tham dự Triển lãm lần này là một thông điệp cuộc sống từ chính tâm hồn, tình cảm và trách nhiệm của người nghệ sĩ, chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, nhằm không ngừng xây dựng và phát triển nền mỹ thuật Việt Nam đương đại.

Từ đó, góp phần tích cực vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: đây là Triển lãm lần thứ 8 được khai mạc trong chuỗi 9 triển lãm khu vực, đồng thời cũng là Triển lãm trưng bày khang trang, đẹp nhất, ngang tầm như Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc.

Với nhiều tác phẩm chất lượng tốt, Triển lãm mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ 24  đã phản ánh sâu sắc vùng đất, con người đồng bằng sông Hồng với chiều sâu văn hóa truyền thống của vùng đồng bằng Bắc bộ, vùng biên giới phía Đông bắc của Tổ quốc, từ xây dựng đến bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt sự xuất hiện một số nghệ sĩ trẻ có tác phẩm trưng bày chất lượng cho thấy một thế hệ mới đang kế tục và phát triển. Trong đó nổi bật là tác phẩm của các tác giả đến từ Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng lưu ý các tác giả cần chọn thêm về đề tài nông thôn mới, người chiến sĩ hôm nay, các tứ mới trong những đề tài, tìm tòi cái riêng trong phong cách, bút pháp, màu sắc, bố cục tác phẩm cần hiện đại hơn…

Tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ 24, Hải Phòng có 24 tác giả, tác phẩm tham gia trưng bày. Ở mỗi tác phẩm, người xem dường như đều cảm nhận được những tâm tư, tình cảm riêng dành cho cuộc sống, dành cho quê hương Hải Phòng.

Nhưng ở đó tình yêu với một cuộc sống bình dị, một hạnh phúc giản đơn thường ngày, một Hải Phòng mang vẻ đẹp “bàng bạc” của nét xưa cũ, lại “lung linh” trong sự hiện hữu đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là hình ảnh trung tâm được khắc họa đậm nét nhất trong bộ tranh của các tác giả Hải Phòng trong triển lãm lần này.

Phải kể đến những tác phẩm như: “Thuyền và biển” (sơn dầu)-Duy Lộc, “Buổi sáng trên bãi” (sơn dầu)-Đặng Tiến;”Ngày thường” và “Soi bóng” (sơn dầu)- Phạm Anh Tuấn;  “Lung linh Tam Bạc” (sơn dầu) -Trần Vinh; “Quê tôi” (sơn dầu)-Phạm Hoàng Hà, “Tam Bạc ngày mới” (khắc gỗ)-Phạm Văn Thuận; “Tam Bạc- cuộc sống ven sông” (sơn dầu)-Bùi Duy Hiếu…

Có những tác giả lại chọn mảng đề tài riêng về nông thôn mới như họa sĩ Thu Hường với tác phẩm “Mùa vàng đổi mới”. Chị chia sẻ: Bức tranh thể hiện một mùa vàng bội thu của ngoại thành Hải Phòng đang đổi mới với cánh đống mẫu lớn lúa chín vàng thẳng cánh cò bày làm chủ đạo. Màu sắc  chính của tranh là màu vàng ấm của lúa chín. Trung tâm tranh là những chiếc máy gặt, đập liên hoàn đang mải mê xén lúa, người dân làm chủ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa dần được thay thế…

Bức tranh phản ánh kết quả của sự đổi mới của Đảng, nhà nước và sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố trong thực hiện Nghị quyết Đại hội 15 của Đảng bộ thành phố đề ra về xây dựng nông thôn mới. Đó là một trong những tiêu chí để Hải Phòng phát triển mạnh mẽ.

Có thể thấy, với những phát hiện mới, những họa sĩ, nghệ sĩ Hải Phòng đang “dám nghĩ”, “dám làm”, “dám dấn thân” trên con đường nghệ thuật, không chỉ đang ngày càng khẳng định vị thế của mỹ thuật Hải Phòng trong khu vực và trên toàn quốc mà còn cống hiến cho người thưởng thức những “đặc sản” tinh thần rất đáng nhớ.

Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông