Những giọt nước mắt muộn màng

08:36 25/08/2017

25 năm trốn chui lủi, Nguyễn Văn Dĩnh, sinh 1965, ở thôn Lê Xá, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, trở về thắp nén hương nhân ngày giỗ bố. Trên gương mặt khắc khổ của Dĩnh lăn dài những giọt nước mắt ân hận muộn màng...

Những năm 80 của thế kỷ 20, ai thường xuyên phải di chuyển bằng xe buýt trên tuyến Lê Xá - Lạch Tray hẳn không xa lạ với cái tên Nguyễn Văn Dĩnh. Từng lên đường nhập ngũ nhưng sau vài tháng, không chịu được kỷ luật quân đội, Dĩnh đảo ngũ.

Để kiếm sống, hàng ngày, gã táo tợn nhảy lên xe buýt chạy qua bến Lê Xá gần nhà, tự cho mình thành “lơ xe”. Nhưng thực chất, đó chỉ là vỏ bọc che đậy giúp Dĩnh lừa đảo, cướp giật, trộm cắp tài sản của hành khách.

Sau những lần “hành nghề” đó, Dĩnh bị chính quyền địa phương xử lý. Tuy nhiên, Dĩnh vẫn chứng nào tật đấy, bỏ mặc ngoài tai cho đến khi phải nhận 12 tháng tù giam của TAND huyện Kiến Thụy về tội cướp giật tài sản.

Chân ướt chân ráo ra tù, Dĩnh nhăm nhe quay lại nghề cũ. Nhưng do lực lượng công an ra quân trấn áp mạnh với hoạt động phạm tội trên các tuyến giao thông, gã không còn “đất” làm ăn, phải tìm thủ đoạn hoạt động khác.

Theo đó, gã thường xuyên cặp kè cùng Nguyễn Liên Tiến, sinh 1959, ở Bàng La, Đồ Sơn. Cả hai suốt ngày lang thang khắp nơi, xem ai sơ hở gì thì trộm cắp tài sản. 10h ngày 9-4-1991, đến chợ Đại Hợp, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Dĩnh và Tiến thấy chị V.T.M, ở Lê Lai, quận Ngô Quyền, đi xe đạp chở một túi nilon. Nghi trong túi có kim loại đồng (thời gian này rất đắt giá), cả hai chặn xe chị M., xưng là bảo vệ xã yêu cầu cho kiểm tra hàng. Phát hiện trong túi đúng là có đồng, cả hai yêu cầu nạn nhân phải nộp phạt.

Chị M. trình bày không có tiền, Dĩnh dọa sẽ đưa cả người, phương tiện và số hàng trên về trụ sở để giải quyết. Cả tin, chị M. nài nỉ chúng cho gửi số hàng để đi vay tiền “nộp”. Khi nạn nhân đi khuất, Dĩnh, Tiến đem bán được 300.000 đồng chia nhau.

Nhận được tin báo, Công an huyện Kiến Thụy nhanh chóng tiến hành điều tra xác minh. Từ các chứng cứ thu thập được, trong 2 ngày (12 và 13-4-1991), Công an huyện đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Dĩnh và Tiến.

Tuy nhiên, lợi dụng việc cơ quan điều tra thay đổi biện pháp ngăn chặn, Dĩnh bỏ trốn khỏi địa phương. Ngày 11-9-1991, TAND huyện Kiến Thụy đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Liên Tiến 9 tháng tù, cho hưởng án treo. Riêng Nguyễn Văn Dĩnh (xử vắng mặt) vừa mới ra tù tái phạm, tham gia hành vi gây án với vai trò chủ mưu, nhận mức án 24 tháng tù, đồng thời bị Cơ quan CSĐT - Công an huyện Kiến Thụy truy nã cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khi quyết định trốn khỏi địa phương, Nguyễn Văn Dĩnh không ngờ mình gây hậu quả lớn đến vậy. Ngày bố, mẹ mất, gã không có mặt để chịu tang. Tổ ấm tan nát, vợ con bỏ đi biệt xứ. Không còn gì để ngóng, Dĩnh quyết “ở ẩn”, liên tục thay đổi danh tính, lẩn quất tại các vùng hẻo lánh phía Nam. Điều này khiến lực lượng chức năng mất rất nhiều thời gian, công sức truy tìm.

Đã rất nhiều lần, lực lượng Công an huyện Kiến Thụy vượt hàng ngàn km, vất vả băng rừng, lội suối để rồi phải về tay không nhưng vẫn kiên trì lần theo dấu vết tội phạm. Chỉ cần có thông tin là các trinh sát lại lên đường. Cuối cùng, các trinh sát cũng thành công, lần ra Dĩnh.

Sau nhiều lần thay tên đổi họ, Dĩnh chuyển hẳn sang tên Nguyễn Văn Vĩnh. Trong quá trình lẩn trốn, hắn cặp và sống như vợ chồng với Nguyễn Thị Thu An (tức Ba “cô đơn”), chủ quán cà phê ở chợ Đắk Nhau, thuộc thôn Bù Nghe, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Tổ công tác của Công an huyện lập tức xuất kích. Tuy vậy, biết có sự truy lùng gắt gao, Dĩnh lủi hẳn vào rừng sâu làm cửu vạn cho các ông chủ khai thác lâm, khoáng sản, thỉnh thoảng đôi ba tháng mới mò về với người vợ và mua sắm trang thiết bị cá nhân.

Nhiều lần vào Nam ra Bắc, trinh sát xác định muốn có tin về Dĩnh chỉ có thể từ Nguyễn Thị Thu An và được biết, xa nhà nhiều năm, Dĩnh rất muốn được về quê thắp cho bố mẹ một nén nhang. Từ chi tiết này, tổ công tác quyết định thuyết phục chị An phối hợp, vận động Dĩnh ra đầu thú.

Trước sự ân cần động viên, phân tích lý lẽ thiệt hơn của trinh sát và người vợ đã che chở, yêu thương suốt quãng thời gian khốn khó, Nguyễn Văn Dĩnh quyết định đầu thú. Đúng vào ngày giỗ bố, Dĩnh trở về. 25 năm xa mảnh đất quê hương, được thỏa tâm nguyện thắp nén hương cho bậc sinh thành, Dĩnh đã khóc, hối hận bởi những việc sai trái trước đây đã gây ra.

“Luật pháp bất vị thân”, dẫu vậy, các chiến sĩ Công an huyện không nỡ ngắt đoạn cuộc đoàn tụ trong nước mắt này. Ngay sau khi được dẫn giải về trụ sở Công an huyện, Nguyễn Văn Dĩnh đã khai nhận lại toàn bộ hành vi gây án nêu trên.

Phương Đoàn

 

Phương Đoàn

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông