14:32 06/10/2024 Từ ngày 5-7/10, tại Bến K15 thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn diễn ra trưng bày xin ý kiến Nhân dân về mẫu phác thảo phù điêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lực lượng hải quân, Tàu không số và các chiến sỹ thuộc Dự án đầu tư xây dựng tu bổ, tôn tạo quần thể Di tích Bến K15, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.
Bến K15 thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Bến nằm dưới chân núi Vạn Hoa thuộc khu vực Nam bán đảo Đồ Sơn thành phố Hải Phòng, đây là một vịnh nhỏ, được bao bọc bởi ba dãy núi rất kín đáo, khuất gió biển, là Bến cho những con “Tàu Không số” hay còn gọi là Bến K15 - điểm xuất phát đường Hồ Chí Minh trên biển, là tuyến hậu cần chiến lược trên Biển Đông, đảm bảo nhiệm vụ vận tải quân sự đặc biệt, do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông. Tuyến đường được chính thức thành lập ngày 23 tháng 10 năm 1961 để vận chuyển, tăng cường nguồn nhân lực và vũ khí từ miền Bắc Việt Nam chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam.
Trong suốt 15 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961-1975), Với gần 1.900 lượt tàu thuyền, vận chuyển hơn 152.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam. Những con “ Tàu không số” - không phải vì không có số mà thậm chí có nhiều số để dễ dàng thay đổi trên hành trình - đã vượt hàng ngàn hải lý, khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi, chống chọi với hơn 20 cơn bão, chiến đấu hơn 30 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 chiếc và bắn cháy nhiều tàu xuồng của địch. Trong suốt 15 năm, những chuyến tàu lặng lẽ vượt sóng gió, vượt hiểm nguy và tai mắt kẻ thù, chở nặng vũ khí, hàng hóa cùng nghĩa tình miền Bắc đến với chiến trường miền Nam.
Người chiến sĩ hải quân trên những “Tàu Không số” ngày ấy tìm cách tránh địch để bảo vệ hàng hóa, phải giữ bí mật, tuyệt đối về tuyến vận tải đặc biệt. Trước mỗi chuyến đi các thủy thủ đoàn đều được đơn vị tổ chức “Lễ truy điệu sống” trước khi khởi hành phòng khi bị địch phát hiện, các chiến sĩ trên tàu sẽ tự kích nổ tàu để giữ bí mật. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với sóng gió, với mọi khó khăn thử thách, sẵn sàng hy sinh tính mạng, sẵn sàng điểm hỏa khối thuốc nổ được bố trí sẵn để huy tàu, hủy hàng, bảo vệ bí mật con đường, con tàu và bến bãi... Trong các trận chiến ấy, nhiều người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh vĩnh viễn ở lại với con đường biển, nằm lại dưới biển sâu, hóa thân thành sóng nước.
Trong suốt 14 năm (1961-1975), các cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã lập nên những kỳ tích anh hùng trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, ác liệt. Các đơn vị vận tải quân sự trên tuyến đường biển mang tên Hồ Chí Minh đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hi sinh, vượt qua sự kiểm soát gắt gao, phong tỏa, đánh phá ác liệt của địch, vận chuyển vũ khí, đạn dược, trang bị kỹ thuật, khí tài quân sự, hàng hóa, thuốc chữa bệnh… đưa hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương lớn vào tiền tuyến, đáp ứng kịp thời sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh.
Trải qua những năm tháng chiến tranh, Bến tàu K15 chỉ còn lại chứng tích của một thời oai hùng. Để giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc và phát huy hơn nữa giá trị của di sản trong phát triển kinh tế, Hội đồng nhân dân thành phố đã quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng tu bổ, tôn tạo quần thể di tích Bến K15, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng tại Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 19/7/2019.
Trong phạm vi dự án, một số hạng mục bao gồm: Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ, Cầu tàu kết hợp thả hoa đăng, Tàu mô phỏng kết hợp tượng các chiến sỹ Đoàn tầu Không số và Phù điêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lực lượng Hải quân là các hạng mục chính mang ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử tâm linh.
Trong đó, dự kiến hạng mục công trình Tàu không số và các chiến sỹ: Tàu bằng đá, có kích thước dự kiến 19,8m x 5,92m, trên boong tàu bố trí vườn tượng bằng chất liệu đồng, tái hiện nghi thức buổi lễ tiễn các chiến sỹ trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Phù điêu tái hiện hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lực lượng Hải quân bằng chất liệu đồng, kích thước phù điêu dự kiến 11,71m x 6,68m được gắn vào hệ khung thép không gỉ, được đỡ bởi hệ thống kết cấu bê tông chịu lực.
Để có những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật tốt, truyền tải được nội dung tư tưởng chủ đề, lột tả được thần thái, cốt cách của các nhân vật đối với 02 hạng mục trên, Ban Tổ chức Thi tuyển đã đã lựa chọn, mời các tác giả, nhóm tác giả có nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực mỹ thuật, điêu khắc tham gia thi tuyển. Tại vòng Sơ khảo, Hội đồng nghệ thuật và Tổ cố vấn lịch sử đã lựa chọn ra 06 tác phẩm dự thi gồm 03 phù điêu và 03 tàu mô phỏng đảm bảo các tiêu chí theo quy định, có tính mỹ thuật cao để bước tiếp vào vòng Chung khảo.
Căn cứ ý kiến của Hội đồng nghệ thuật và Tổ cố vấn, các tác giả đã bổ sung, chỉnh sửa, gửi tác phẩm về Ban Tổ chức để thực hiện trưng bày xin ý kiến Nhân dân thành phố trước khi Hội đồng Nghệ thuật và Tổ cố vấn lịch sử chấm chọn vòng Chung khảo tại 02 địa điểm: Di tích Bến K15, quận Đồ Sơn từ ngày 05/10/2024 đến hết ngày 07/10/2024; và Nhà Trưng bày Triển lãm và Mỹ thuật thành phố Hải Phòng từ ngày 09/10/2024 đến hết ngày 12/10/2024. Hình thức lấy ý kiến bằng phiếu, phiếu được đặt tại các địa điểm nêu trên.
VŨ DUYÊN
10:05 13/11/2024
16:16 10/11/2024
16:16 10/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cấp thành phố năm 2024 diễn ra thành công tốt đẹp
Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930 - 14/10/2024)
Trong 2 ngày, các tổ công tác CATP giúp di chuyển tài sản 133/288 hộ dân tại Nhà A7, A8 Vạn Mỹ