Trung tướng Đặng Kinh - người con ưu tú của thành phố Cảng

19:23 22/12/2023

Trong lời tựa cuốn hồi ký: “Giọt nước của dòng sông” của Trung tướng Đặng Kinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chia sẻ: "Tôi đã nhiều lần tiếp xúc và làm việc với anh Đặng Kinh. Anh là một Đảng viên trung kiên, một vị tướng có đức, có tài, luôn hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và Quân đội giao phó. Anh là con người trung thực, thẳng thắn, sống trọn tình, trọn nghĩa với đồng chí, đồng đội..." Những lời nhận xét sâu sắc, chí tình đó của Đại tướng Tổng Tư lệnh càng giúp chúng ta hôm nay hiểu rõ thêm về một vị tướng tài ba với cách đánh du kích mưu trí, dũng cảm, lấy ít thắng nhiều, lấy thô sơ thắng hiện đại một cách tài tình khiến kẻ thù xâm lược phải bạt vía kinh hồn...

Trung tướng Đặng Kinh, tên thật là Đặng Văn Rợp, sinh năm 1922 tại xã Bắc Sơn, huyện An Lão (nay là phường Bắc Sơn, quận Kiến An), Hải Phòng, trong một gia đình nông dân nghèo.

Trung tướng Đặng Kinh
Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên TW Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam thừa ủy quyền trao Bằng truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT ND tới bà Đặng Thu Hà, con gái Trung tướng Đặng Kinh

Được chiến sĩ Cộng sản Tô Hiệu (lúc đó là Bí thư Thành ủy Hải Phòng) dìu dắt, định hướng, từ một công nhân mỏ, tướng Đặng Kinh đã trở thành cán bộ quân sự đầu tiên của liên tỉnh Hải Phòng - Kiến An. Cũng từ đây, ông được các cấp ủy Đảng đặc biệt tin tưởng và phân công trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh lớn...

Vào tháng 11/1944, tại xã Tân Phong, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng diễn ra cuộc họp quan trọng của Xứ ủy Bắc Kỳ dưới sự chỉ đạo của nhà cách mạng Mai Côn - cán bộ Xứ ủy. Mặt trận liên tỉnh Hải Phòng - Kiến An ngày đó đã được thành lập gồm 7 người, trong đó có tướng Đặng Kinh. Cuộc họp đồng thời đưa ra quyết định đẩy phong trào cách mạng đang phát triển tại Hải Phòng - Kiến An lên thành một cao trào.

Cho tới ngày 11/7/1945, tướng Đặng Kinh đã trực tiếp chỉ huy 36 tự vệ tập kích Đồn Bàng (Kiến Thụy), bắt gọn 20 lính đoan, thu một số súng, máy chữ và tài liệu. 2 lá cờ đỏ sao vàng sau đó được kéo lên trên nóc đồn địch. Đây là chiến công đầu của lực lượng vũ trang cách mạng Hải Phòng - Kiến An, tạo thế và lực cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Kim Sơn (Kiến Thụy) ngày 12/7/1945.

Ngày 12/7/1945, trong cuộc mít tinh lớn tổ chức tại đình làng để chào mừng Ủy ban dân tộc giải phóng Kim Sơn (chính quyền cách mạng đầu tiên của Hải Phòng - Kiến An), ông cùng với các chiến sĩ cách mạng Phạm Thuyên, Đoàn Đắc Diễm, Trần Các, Hoàng Thiết Tâm, Mai Côn… tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng làng Kim Sơn.

Sau cuộc mít tinh, tướng Đặng Kinh lại trực tiếp chỉ huy hơn 100 tự vệ và quần chúng trấn áp tổ chức thanh niên Đại Việt (một tổ chức thân Nhật) do Tri phủ Trần Tự cầm đầu, hạ cờ quẻ li, treo cờ đỏ sao vàng. Tri phủ Trần Tự và bọn tay sai phải cầu xin tha tội. Đây là cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên ở miền Duyên hải Bắc Kỳ; là tiếng trống thôi thúc Nhân dân Hải Phòng - Kiến An và cả vùng duyên hải vùng lên theo Đảng đấu tranh, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Tiếp đến ngày 4/8/1945, tướng Đặng Kinh chỉ huy Đội 1 tự vệ phối hợp cùng các lực lượng chống Nhật bảo vệ căn cứ Kim Sơn, diệt 2 tên địch, làm bị thương một số tên khác buộc quân Nhật phải rút lui. Trận đầu tiên thắng lợi đã mở ra lối đánh liên hoàn giữa các thôn xã trên địa bàn Hải Phòng - Kiến An và cũng mở đầu cho mô hình làng chiến đấu mà sau này được áp dụng rất thành công trong cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp...

Đến giữa năm 1946, ông được điều về làm Chỉ Huy trưởng Huyện đội Kiến Thụy kiêm Chỉ Huy trưởng du kích chiến đấu tỉnh Kiến An và từ năm 1949 đến năm 1954 được bổ nhiệm làm Chỉ Huy phó rồi Chỉ Huy trưởng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Kiến An.

Trên cương vị đó, tướng Đặng Kinh tiếp tục trực tiếp chỉ huy trận tập kích vào thị xã Kiến An ngày 21/4/1953, tiêu diệt gần 500 tên địch, thu và phá huỷ trên 30 vạn lít xăng dầu, phá 24 nhà kho, 60 gian nhà chứa đầy bom đạn và gần 600 phương tiện, vũ khí các loại. Trận tiến công đánh dấu bước trưởng thành về khả năng tác chiến tập trung của bộ đội địa phương Kiến An.

Ngày 18/6/1953, ông chỉ đạo tập kích tổng kho xăng dầu Thượng Lý (một trong những kho tàng lớn nhất miền Bắc của thực dân Pháp); đốt cháy 147 triệu lít xăng, dầu, trên 300 xe cơ giới các loại. Chiến thắng này đã góp phần cùng toàn quốc đẩy địch lún sâu vào thế phòng ngự, bị động, tạo ra thế và lực mới cho cuộc kháng chiến của Nhân dân ta trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954.

Đặc biệt, từ ngày 28/8 - 19/9/1953, tướng Đặng Kinh còn chỉ đạo lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ và Nhân dân huyện Tiên Lãng chống cuộc hành quân của thực dân Pháp mang tên Cờ Lốt. Sau 22 ngày đêm chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt 677 tên địch, 3 xe bọc thép, 2 ca nô, 1 máy bay trực thăng, 1 máy bay trinh sát. Thắng lợi này góp phần đập tan Kế hoạch Nava của thực dân Pháp ngay từ khi vừa mới bắt đầu hình thành.

Nổi bật nhất là đêm 31/1/1954, dưới sự chỉ huy của tướng Đặng Kinh, chỉ với một lực lượng nhỏ gồm 4 tiểu đội được Nhân dân hai xã Ngọc Xuyên và Ngọc Hải của quận Đồ Sơn che chở, ta tiêu diệt gọn đội quân bảo vệ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) thiêu hủy kho xăng dầu Hang Dơi, phá hủy 5 máy bay.

Trận đánh được coi là tiền đề để ta lập kế hoạch đánh chiếm sân bay Cát Bi vào đêm 7/3/1954. Đêm đó, dưới sự chỉ huy của ông, 32 chiến sĩ ta bất ngờ tập kích sân bay có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt được thiết bị hiện đại, bố phòng, bảo vệ cực kỳ nghiêm mật. Trận tập kích đã làm sân bay tê liệt hoàn toàn và bốc cháy suốt 17 giờ, 59 máy bay địch bị phá hủy cùng nhiều phương tiện vũ khí. Đây là chiến thắng lẫy lừng góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

Cho tới ngày 1/7/1954, tại huyện Hưng Nhân (nay là huyện Hưng Hà), tỉnh Thái Bình, Trung đoàn 50 của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Trên cương vị Trung đoàn trưởng, chỉ trong 26 ngày sau khi nhận chức, tướng Đặng Kinh đã chỉ huy Trung đoàn đánh 25 trận, diệt 3.231 tên địch, bắt sống gần 200 tên, phá hủy nhiều xe, pháo, phương tiện chiến tranh; giải thoát cho 140 đồng bào…

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, từ tháng 1/1955, ông lần lượt được giao giữ các chức vụ Phó Tham mưu trưởng, Phó Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn kiêm Sư Đoàn trưởng Sư đoàn 328. Từ năm 1960 đến năm 1965, ông là Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, Cục trưởng Cục Liên lạc Đối ngoại Bộ Quốc phòng. Tháng 4/1966, tướng Đặng Kinh vào chiến trường làm Phó Tư lệnh Quân khu Trị Thiên. Tháng 4/1968, là Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn. Tháng 3/1977, ông là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế Bộ Quốc phòng. Từ năm 1978 đến năm 1988, là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình chiến đấu và công tác, Trung tướng Đặng Kinh đã vinh dự được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng năm 1974, Trung tướng năm 1982; được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu cao quý khác…

Ngày 17/10/2023, ông được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ Kháng chiến chống thực dân Pháp.

CẨM TÚ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông