Từ câu chuyện buồn hàng Việt gắn mác “Made in China”

14:54 06/11/2017

Bộ trưởng Bộ Công thương vừa ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan tới vụ Khaisilk bán hàng Việt gắn mác “Made in China”.

Com-lê Trung Quốc gắn mác Việt bàn tràn lan thị trường?

 “Thịt chị Na, da anh Khải”

Thời gian qua, dư luận cả nước dậy sóng trước sự kiện một trong những thương hiệu lụa nổi tiếng bậc nhất Việt Nam bị phanh phui là hàng “Made in China”, mà các cơ quan truyền thông gọi là “khủng hoảng Khaisilk”. Cuộc khủng hoảng này bắt đầu vào giữa tháng 10, khi trên trang Facebook của một khách hàng,  phản ánh sự việc mua phải khăn lụa Khaisilk có gắn mác “Made in China”. Theo khách hàng này, Cty của gia đình ông đặt mua 60 chiếc khăn lụa với giá 644.000 đồng/chiếc tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hà Nội). Tuy nhiên, sau khi nhận hàng và kiểm tra, trên một số sản phẩm gắn hai dạng tem nhãn “KHAISILK - Made in Vietnam” và “Made in China”, số còn lại có dấu hiệu cắt mác.

Sự việc nhanh chóng lan tỏa trên mọi phương tiên thông tin cả chính thống và mạng xã hội, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng, đa số bày tỏ sự bất bình. Điều quan trọng, vụ lùm xùm liên quan đến một doanh nhân thuộc hàng ngũ những người thành công nhất tại Việt Nam là ông Hoàng Khải. Thậm chí mới cách đây chưa lâu, ngay trước thời điểm xảy ra vụ việc, ông Hoàng Khải còn được mời xuất hiện trên một số chương trình quảng cáo, như một biểu tượng của “quá trình nỗ lực phấn đấu”. Liên quan đến vụ việc khăn lụa mà có người gọi là “thịt chị Na (China), da anh Khải”, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk Hoàng Khải đã thừa và bày tỏ xin lỗi người tiêu dùng.

Để làm rõ hơn hình ảnh ông chủ Khaisilk, có thể tham khảo phần tóm lược đăng trên Wikipedia bản tiếng Việt: “Năm 25 tuổi, ông quyết định bỏ học Nhạc viện và thành lập cửa hàng Khải Silk đầu tiên trên phố Hàng Gai. Định hình sản phẩm theo phân khúc cao cấp, những sản phẩm của Khải Silk được cho là đều do chính ông Khải thiết kế và thuê gia công từ làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội)…   Ngoài việc phát triển chuỗi cửa hàng độc lập, Khải Silk còn mở thêm các cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm tại các khách sạn 5 sao. Hiện Khaisilk có 7 cửa hàng lớn nằm tại khách sạn Mariott, Interconrinental, Legend, Sài Gòn và Hà Nội.

Khi thành công trên thị trường tơ lụa, ông Khải đầu tư vào bất động sản và nhà hàng cao cấp tại Tp. Hồ Chí Minh, như Au Menoir de Khai, Ming Dynasty, Nam Phan chuyên ẩm thực Việt Nam; Cham Charm, Trois Pommes chuyên ẩm thực Pháp; London Steak House, Khai’s Brothers và That’s Café. Tập đoàn Khải Silk còn khai thác TajmaSago, một biệt thự trị giá 15 triệu USD tại khu Phú Mỹ Hưng sở hữu một trung tâm thương mại cao cấp có tên Saigon Paragon, trị giá 35 triệu USD. Trong tương lai gần sẽ xây dựng 2 khách sạn tại Bãi dài (Cam Ranh) 15 triệu USD và tòa cao ốc THE KHAI trị giá 30 triệu USD…”.

Hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam bị cơ quan chức năng bắt giữ và tiêu hủy

Không chỉ là hội chứng

Rất có thể, câu chuyện không trở thành đình đám nếu ông chủ của Khaisilk không phải là người nổi tiếng như ông Hoàng Khải, nhưng cũng xứng đáng gióng một hồi chuông báo động về hiện tượng hàng “da Việt, thịt ngoại”. Bởi lâu nay, chuyện này vốn chẳng có gì lạ, thậm chí là rất phổ biến ngay tại Hải Phòng.

Từ cách đây mấy chục năm, đã có hiện tượng doanh nghiệp trong nước  nhập khẩu nhập khẩu 100% linh kiện máy tính và điện thoại để bàn từ Trung Quốc, sau đó đăng ký thương hiệu Việt độc quyền trong nước, nhưng kể cả bao bì, tem nhãn in thương hiệu Việt cũng được đặt từ… Trung Quốc. Còn “công nghệ lắp ráp” thì chỉ đơn giản cắm các zắc điện vào nhau, bóc tem đề-can dán vào thân máy, chịu thêm trách nhiệm bảo hành, thế là thành hàng Việt? Rồi vẫn chiêu đó, “công nghệ” này còn áp dụng cho cả  xe máy, xe điện… rồi đến cả thiếp cưới cũng nhập cả cuộn to in sẵn chữ Việt, về chỉ cần “bắn” thêm tên hai họ, địa điểm thời gian tổ chức hôn lễ… là thành thiếp cưới Việt Nam?

Hàng gia dụng Trung Quốc được bày bán dưới thương hiệu Việt

Ngay cả sản phẩm may mặc, mặt hàng đưa Việt Nam đứng đầu danh sách xuất khẩu của thế giới cũng không ngoại lệ. Cách đây mấy năm cơ quan chức năng Hải Phòng đã làm rõ sự việc ở Cơ sở T.Đ, với chiêu trò sắm vài thiết bị may làm “phông” và đăng ký ngành nghề, doanh nghiệp này nhập khẩu “bán thành phẩm” từ Trung Quốc và đem tiêu thụ tại thị trường nội địa bằng thương hiệu của mình. Gọi là bán thành phẩm, thực tế là những bộ trang phục gần hoàn thiện, chỉ để hở vài đường chỉ, và việc hoàn thiện cùng với gắn nhãn mác quá đơn giản với các thợ may Việt Nam. Nên trên thị trường thành phố hiện bày nhan nhản các loại com-lê gắn tem nhãn Việt giá chỉ từ 500.000 đồng/bộ, mà theo những người sành sỏi thì 100% sản phẩm là hàng Trung Quốc gắn mác Việt.

Nhìn rộng ra cả nước, biết bao câu chuyện tương tự đã được phanh phui. Mà thực tế không cần mất thời gian, chỉ cần dạo qua các cửa hàng điện thoại di động, những thương hiệu Việt rất nhiều, nhưng bật nắp ra thì biết do đâu sản xuất…? Nghiêm trọng hơn, chiêu trò này còn diễn ra đối với cả ngành giáo dục,  như việc một số sách tham khảo cho học sinh cũng được đặt từ Trung Quốc, được phát hiện cách đây mấy năm? Rồi việc một trung tâm đem giống lúa Trung Quốc được trồng để “tráng nguồn gốc” ở đồng bằng sông Cửu Long là một ví dụ. Rồi đến gà, cá tầm, tôm thẻ, ếch, hoa quả… tưởng như là niềm tự hào của người Việt, cũng đang đổ vào từ Trung Quốc khiến cho chuyện “hàng Việt” càng thêm buồn.

Rõ ràng, để xảy ra tình trạng trên không chỉ phản ánh lương tâm “có vấn đề” của một bộ phận các nhà sản xuất, phân phối, mà còn có cả trách nhiệm của những nhà quản lý. Hơn thế, bản thân người tiêu dùng cũng có lỗi khi mua sắm không dựa trên cơ sở hiểu biết về hàng tiêu dùng, mà chủ yếu dựa vào thước đo của giá tiền, ngộ nhận về “hàng hiệu”, nên càng tỏ vẻ sành điệu càng dễ “ngậm quả đắng”. Nhìn rộng hơn, theo ý kiến của nhiều người, việc để tồn tại tình trạng “da Việt thịt ngoại” nếu đi vào các báo cáo thông kê, sẽ dẫn gây hậu quả không nhỏ trong hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô.

Trở lại vụ việc Khaisilk và thực trạng nêu trên, để hướng tới mục tiêu của cuộc vận động“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vụ Khaisilk có lẽ chính là cơ hội để các nhà sản xuất, nhà quản lý, nhà nghiên cứu và người tiêu dùng Việt, cùng chung tay góp sức làm minh bạch thị trường.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông