Uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông: Những cái chết được báo trước(!)

16:20 22/12/2014

  Tai nạn xảy ra do tài xế uống rượu, bia khi tham gia giao thông.  

 

Tai nạn xảy ra do tài xế uống rượu, bia khi tham gia giao thông.
Tai nạn xảy ra do tài xế uống rượu, bia khi tham gia giao thông.

 

Ai cũng biết, người điều khiển xe cơ giới trong tình trạng xay xỉn rất nguy hiểm cho xã hội. Trên thực tế, TNGT liên quan đến rượu bia chiếm tỷ lệ khá cao so với các lỗi khác. Đã có không ít vụ tự đâm va, tự gây thương tích hoặc tử vong do uống rượu bia mà vẫn điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông.

Theo thông kê của Vụ ATGT, Bộ Giao thông vận tải, số vụ TNGT mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia gây ra trên toàn quốc trung bình mỗi năm chiếm từ 16-20%. Đáng nói, tỷ lệ này có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Hơn nữa, các vụ TNGT do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia thường rất nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại về người và tài sản.

Có thể kể đến vụ ông Đinh Văn Bút (sinh 1955, ở số 59 Vạn Ngọc, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn), là Giám đốc Công ty Điện lực Lê Chân, lái “xe điên” làm 2 người thiệt mạng xảy ra 13h30 ngày 4-3-2014 trên đường Phạm Văn Đồng (đường 353) thuộc phường Hải Thành, quận Dương Kinh. Theo Công an quận Dương Kinh, ông Bút lái xe ô tô trong tình trạng đã uống rượu. Khi gây ra TNGT nghiêm trọng, ông Bút vẫn không dừng xe mà lái xe ô tô bỏ chạy. Nhân dân địa phương phát hiện đã đuổi theo, yêu cầu dừng xe và đưa ông Bút đến trụ sở Công an quận Dương Kinh đầu thú.

Người dân thành phố chắc hẳn vẫn chưa quên vụ TNGT xảy ra vào 21h ngày 8-8-2013 trên đường Phạm Văn Đồng, cũng tại đoạn thuộc phường Hải Thành, quận Dương Kinh), xe ô tô BKS: 15A-000.09 do Nguyễn Duy Đốc (tức “Đốc điên”, sinh 1966, ở phương Anh Dũng quận Dương Kinh, Hải Phòng) điều kiển xe chạy theo hướng Đồ Sơn - Hải Phòng đã đâm liên tiếp 3 xe mô tô chạy cùng chiều khiến 2 người thiệt mạng và 2 người khác bị thương. Quá trình điều tra, cơ quan công an làm rõ, buổi tối trước khi gây tai nạn, Đốc về quê ở xã Tân Phong, huyện Kiến Thụy cúng giỗ. Đến sát giờ khởi hành thì lái xe riêng của Đốc kêu đau bụng. Đốc đành tự mình lái xe đi. Đốc một mình lái xe quay trở về thành phố và đã nhấn ga phóng bạt mạng khiến gây hậu họa.



 

Một vụ khác, vào lúc 20h ngày 29-9, trên tỉnh lộ 359, đoạn qua địa bàn xã Trung Hà (Thủy Nguyên) xe ô tô nhãn hiệu Toyota Innova BKS: 15A-058.70 do Nguyễn Văn Bằng (sinh 1974, ở xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên) điều khiển chạy theo hướng từ Phà Rừng về thị trấn Núi Đèo, đã đâm liên tiếp 5 xe máy chạy ngược chiều, khiến 1 người tử vong và 5 người khác bị thương nặng. Công an huyện Thủy Nguyên đã làm rõ: Trước khi lái xe này, Bằng đã uống nhiều rượu nên không kiểm soát được tay lái.

Theo Phòng CSGT sắt-bộ (PC67) Công an thành phố, tình trạng người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia tự đâm va, tự chết có chiều hướng gia tăng vài năm trở lại đây. Về địa bàn, thì khu vực nông thôn ngoại thành đang có nguy cơ xếp vào diện “vùng đỏ”, có tỷ lệ TNGT liên quan đến rượu, bia nhiều với sức gia tăng nhanh hơn khu vực đô thị trung tâm. Điển hình, vụ TNGT xảy ra lúc 23h30 ngày 18-1, trên đường Phạm Văn Đồng (353), đoạn thuộc phường Hoà Nghĩa, quận Dương Kinh, 2 thanh niên đi chung trên chiếc xe mô tô BKS: 16F8-2716 chạy hướng Đồ Sơn - Hải Phòng đã đâm vào gốc cây trên vỉa hè làm 2 người thiệt mạng.

Nguyên nhân TNGT được xác định, cả  2 người tham gia giao thông trong tình trạng uống nhiều rượu bia, không làm chủ tốc độ. Hay như vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào 12h30 ngày 29-9, tại đường 354, địa phận thôn Tân Lập, xã Đoàn Lập (huyện Tiên Lãng), 2 chiếc xe mô tô đều “zin 3” của 1 đám cưới đi đón dâu đã đâm vào nhau. Hậu quả, 2 người chết tại chỗ, 4 người khác bị thương nặng. Nguyên nhân được xác định nhóm thanh niên này đi ăn cỗ cưới đã sử dụng rượu bia, chở quá số người quy định; lái xe chạy nhanh không làm được chủ tay lái.



Rất nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia.
Rất nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia.

 

Tác hại của rượu, bia vô cùng lớn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Vì lẽ, rượu bia làm giảm khả năng tập trung và khả năng nhận biết đối phó với các tình huống nguy hiểm khi điều khiển phương tiện; làm giảm phản xạ của người điều khiển phương tiện. Người điều khiển phương tiện bị ảnh hưởng bởi rượu, bia thường có khuynh hướng dễ bốc đồng vi phạm quy tắc giao thông như điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ; không chấp hành hiệu lệnh của biển báo, đèn tín hiệu giao thông là những lỗi trực tiếp gây ra TNGT.

Còn xét về sinh học, khi đã sử dụng rượu bia, người điều khiển phương tiện dễ ngủ gật, làm giảm khả năng phán đoán, xử lý tình huống kém, làm tăng nguy cơ gây TNGT. Theo tài liệu của Đoàn công tác Ngân hàng thế giới khi tiến hành nghiên cứu tiền khả thi cho dự án phát triển giao thông trên địa bàn thành phố cho thấy, các vụ va quyệt TNGT xảy ra vào thời điểm từ 12h-14h và từ 21-0h đều “nhạy cảm” với rượu bia.

Thực tế quá trình kiểm soát TTATGT của cơ quan CSGT cho thấy, đối tượng vi phạm lỗi có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở khi tham gia giao thông rất phức tạp. Nhóm đối tượng làm nghề lái xe khách chuyên tuyến hoặc lái xe vận tải hàng hoá đường dài thường rất ít vi phạm. Bởi nhóm này ý thức được hậu hoạ của rượu bia, sự nghiêm khắc của pháp luật đối với vi phạm này và khía cạnh quản lý của phía chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện khi họ vi phạm.

Nhóm đối tượng đáng lo ngại nhất lại là những người lái xe ô tô không thường xuyên như xe ô tô gia đình, ô tô cá nhân, đối tượng là thanh thiếu niên đi thuê hoặc mượn phương tiện cơ giới. Đặc biệt ở các khu vực nông thôn ngoại thành, tình trạng sinh hoạt tiệc tùng đám cưới, hỏi và sử dụng phương tiện cơ giới đường bộ; tình trạng thanh thiếu niên uống rượu bia điều khiển phương tiện, không đội MBH, chở quá số người quy định đi theo xe hoa khá phổ biến. Trong hoàn cảnh này, lực lượng CSGT khó có thể kiểm tra, xử lý vì yếu tố nhạy cảm, liên quan tới phong tục, tập quán.

Vấn đề đặt ra ở chỗ, va chạm TNGT xảy ra từ rượu, bia hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của người tham gia giao thông. Biện pháp phòng ngừa sẽ hiệu quả hơn cả, đó chính là sự giáo dục nhắc nhở con em của các bậc phụ huynh, gia đình, dòng họ về ý thức chấp hành pháp luật, lối sống sinh hoạt lành mạnh trong gia đình, tạo ra “tế bào” tốt cho xã hội là quan trọng nhất.

Đoàn Lanh 


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông