Ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội: Cách làm sáng tạo, ưu việt

19:42 05/10/2020

Qua 5 năm (2015-2019) triển khai, hoạt động tín dụng chính sách, ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại Hải Phòng luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các mặt hoạt động…

Kỳ 2 – Chung tay xóa đói, giảm nghèo bền vững

Theo nhận định của Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh thành phố Nguyễn Ngọc Sơn: Phương thức ủy thác vốn tín dụng chính sách là cách làm sáng tạo riêng của NHCSXH. Ngoài chức năng tuyên truyền, phản biện xã hội, hoạt động ủy thác vốn vay giúp cho hoạt động phong trào của các cấp hội thêm phong phú, tạo nhiều phong trào gắn kết với hoạt động phát triển kinh tế xã hội của hội viên, thúc đẩy nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, thu hút hội viên tham gia, ngoài ra thông qua hoạt động ủy thác thì các tổ chức hội đoàn thể có thêm nguồn thu hỗ trợ hoạt động phong trào cũng như nâng cao thu nhập cho cán bộ hội.

Cán bộ NHCSXH TP và Hội Cựu chiến binh huyện AnDương tìm hiểu việc thực hiện vốn vay của một hộ dân tại huyện An Dương

5 năm qua, NHCSXH và các Hội đoàn thể nhận ủy thác tại Hải Phòng đã giải ngân cho 337.398 lượt khách hàng với số tiền 6.774,952 tỷ đồng. Dư nợ nhận ủy thác của các Hội đoàn thể tăng qua các năm.

Tại thời điểm 31/12/2014, dư nợ ủy thác tại Hải Phòng đạt 1.810,77 tỷ đồng với 9 chương trình; đến 31/12/2019 dư nợ đạt 2.918,208 tỷ đồng, tăng 1.107,438 tỷ đồng (tăng 61,2% so với cuối năm 2014) với 10 chương trình tín dụng, chiếm tỷ trọng 99,5% tổng dư nợ NHCSXH. Mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 12,2%/năm, tương ứng số tiền dư nợ tăng bình quân hàng năm là 221,488 tỷ đồng. Trong đó dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân thành phố là 842,480 tỷ đồng (chiếm 28,9%), tăng 268,551 tỷ đồng; Hội Phụ nữ thành phố 1.365,625 tỷ đồng (chiếm 46,8%), tăng 469 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh thành phố 467,711 tỷ đồng (chiếm 16%), tăng 218,397 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên 242,382 tỷ đồng (chiếm 8,3%), tưng gần 151 tỷ đồng…

Bên cạnh việc tích cực cho vay các chương trình, NHCSXH và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác đã phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác nâng cao chất lượng tín dụng. Đặc biệt, việc hướng dẫn, động viên hộ vay tích cực tham gia sản xuất, sử dụng vốn hiệu quả và quàn lý nợ, thu hồi vốn đến hạn, thu nợ quá hạn được hội đoàn thể các cấp rất coi trọng, thường xuyên theo dõi và chỉ đạo tiết kiệm và vay vốn thông báo sớm nợ đến hạn cho hộ vay nên tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn hàng năm đạt cao, trên 90%.

Đối với các món nợ quá hạn, các hội đoàn thể tích cực phối hợp với NHCSXH và chính quyền cơ sở phân loại, đôn đốc thu nên chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ nợ quá hạn giảm qua từng năm, tại thời điểm 31/12/2014, nợ quá hạn là 7,584 tỷ đồng, chiếm 0,42%/tổng dư nợ; đến thời điểm 31/12/2019, nợ quá hạn là 5,141 tỷ đồng, chiếm 0,18%/tổng dư nợ ủy thác, giảm 2,443 tỷ đồng, tỷ lệ giảm là 67,8%. Trong đó, Hội Nông dân thành phố 1,217 tỷ đồng, giảm 1,09 tỷ đồng; Hội Phụ nữ thành phố 2,032 tỷ đồng, giảm 1,569 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh thành phố 1,401 tỷ đồng, giảm 43 triệu đồng; Đoàn thanh niên 490 triệu đồng, tăng 259 triệu đồng.

Cũng trong 5 năm qua, Hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương thường xuyên tiến hành sắp xếp, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn – được coi là thành tố có vị trí quan trọng đặc biệt trong quy trình vay vốn của NHCSXH. Qua đó giúp cho chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn ngày càng được nâng lên. Đến ngày 31/12/2019, có 2.473 tổ không có nợ quá hạn, chiếm 91,2% tổng số tổ.

Đoàn công tác NHCSXH kiểm tra hiệu quả vay vốn hộ dân tại Kiến Thụy

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác được các cấp hội chú trọng. Trong đó tập trung kiểm tra việc tổ chức thực hiện các nội dung nhận ủy thác, kiểm tra hoạt động của tổ, việc sử dụng vốn của tổ viên… Thông qua công tác kiểm tra đã kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục, xử lý những trường hợp bình xét cho vay chưa đúng đối tượng; thu lệ phí sai quy định, sử dụng phí ủy thác và hoa hồng chưa đúng; chấn chỉnh công tác thống kê, theo dõi, báo cáo kết quả hoạt động ủy thác của Hội thành phố, huyện, cấp xã; công tác lập và lưu giữ hồ sơ, sổ sách tổ tiết kiệm và vay vốn; đưa hoạt động ủy thác đi vào nề nếp, hoạt động hiệu quả, đưa tín dụng chính sách đến gần dân hơn…

  Đánh giá về hơn 5 năm thực hiện Ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Hải Phòng Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng: Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định phương thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mà NHCSXH và các đoàn thể chính trị xã hội đang thực hiện là cách làm năng động, sáng tạo, một mô hình hiệu quả, rất đặc trưng và mang tính ưu việt của Việt Nam. Cách làm đó đã giúp cho kênh vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng được thụ hưởng, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn thuận lợi, an toàn, nhanh chóng, giảm thời gian giao dịch tín dụng, tiết kiệm chi phí đi lại của hộ vay.

Việc cho vay vốn qua tổ tiết kiệm và vay vốn còn làm tăng sự đoàn kết, tính nhân ái, giàu tình yêu thương đùm bọc, gắn bó tình làng, nghĩa xóm, giúp các hộ nghèo hình thành thói quen tiết kiệm và tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, thực hiện nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ trả nợ ngân hàng.

Tổng kết về hiệu quả của công tác phối hợp giữa các Hội đoàn thể và NHCSXH cho thấy, 5 năm qua, từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 10.903 lượt hộ nghèo, 28.956 lượt hộ cận nghèo, 19.487 lượt hộ mới thoát nghèo và 70.915 lượt các đối tượng chính sách khác được vay vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, giúp họ làm giàu trên chính quê hương mình. Đồng thời giúp cho 1.824 học sinh sinh viên điều kiện kinh tế khó khăn theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, góp phần quan trọng thực hiện chủ trương của Chính phủ “không để một học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về kinh tế”… Qua đó thực sự góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội và thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

  Bùi Hạnh

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông