10:48 08/06/2019 Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp hè đến mang những cơn nắng chang chang đổ xuống, cũng là lúc các loại vải quả nối nhau khoe mã. Khổ là vải càng được mùa thì người trồng vải càng lo, có lẽ chẳng có loại quả nào rơi vào tỉnh cảnh trớ trêu đến vậy, hơn nữa đây lại là một đặc sản. Nhưng năm nay, câu chuyện cũ dường như chỉ là dĩ vãng.
Nhiều vườn vải không đậu quả
Diễn biến mùa vụ mới
Cách đây vài chục năm, khi sản lượng vải chưa lớn như bây giờ, loại quả này chỉ có hai giống được nhà nông gọi theo cách dân dã: vải chua và vải ngọt. Trong đó, vải chua luôn chín sớm, chiếm diện tích rất nhỏ và chưa được coi là hàng hóa. Sau này do nhu cầu của người tiêu dùng, với tâm lý có chút “lộc vườn” đầu vụ, ai có vải để thờ và ăn càng sớm thì càng “may”, nên vải chua mới tìm được chỗ đứng vì lý do chín sớm kể trên. Thế mới có chuyện, cái giống hay bị sâu, chua gắt lưỡi thì cao giá, còn vải thiều ngọt lịm lại luôn lâm vào cảnh vừa bán vừa cho.
Để khắc phục điểm yếu mùa vụ, mấy năm gần đây người ta lai giống này thành nhiều giống mới, khiến thị trường xuất hiện thêm nhiều loại, mà không phải người tiêu dùng nào cũng đủ sành để nhận biết. Hiện vải có 4 giống chính, được người trồng đặt tên theo cảm tính khác nhau, tính theo thời gian chín lần lượt như sau: Vải chua chín sớm nhất thường vào đầu tháng 4 âm lịch, thuôn dài, mã đỏ thâm, khi chín thường bị sâu cuống. Kế tiếp là vải “trứng” lai giống Phúc Kiến (TQ), quả to tròn, mã trắng hồng nhạt, vị ngọt nhẹ. Thứ ba là vải “thiều lai”, cũng được cho là nhập từ TQ, có hình thức bên ngoài như vải thiều, nhưng gai to, không thơm và lẫn vị chát nhẹ. Cuối cùng, vải thiều truyền thống thu hoạch từ đầu tháng 5 (AL) trở đi, gai nhỏ, vỏ căng, nhưng kích thước nhỏ nhất trong 4 loại, vị ngọt đằm và thơm đặc trưng
Khoảng chục năm trở lại đây, giá vải luôn đi theo một lộ trình, như nói ở trên vào đầu vụ những loại vải sớm có chất lượng kém nhất lại đạt mức giá cao nhất. Khi rộ mùa, chính là dịp giống vải thiều chất lượng tốt đổ bộ thị trường cũng là lúc giá loại đặc sản này lao dốc, chênh lệch giá giữa đầu và chính vụ có khi lên tới vài chục nghìn đồng/kg. Nhưng diễn biến năm nay hoàn toàn khác, cách đây khoảng 1 tháng khi lứa vải sớm bắt đầu xuất hiện, mức giá bình quân là 65.000 đồng/kg, sau đó là vải “trứng” bắt đầu được thu hoạch, ngay lập tức được định giá tới 75.000 đồng/kg. Còn hiện tại, vải thiều cũng vào mùa, đáng chú ý là do công nghệ bảo quản mới đã được áp dụng với vải, nên thị trường hiện có nhiều loại vải cùng lưu thông.
Bởi vậy giá vải đang bị phân hóa theo giống, nhưng mức bình quân có thể khẳng định là cao nhất từ trước đến nay, và khoảng cách các thang giá không rộng như những năm trước. Cụ thể khảo sát cho thấy, hiện loại vải chua sớm (qua bảo quản) được bán bình quân 25.000 đồng/kg, vải thiều lai được cho là nhập giống từ TQ có giá bính quân 45.000 đồng/kg, vải thiều truyền thống 50.000 đồng/kg và vải trứng lần đầu tiên giữ giá cao nhất khi vẫn ở mức 65.000 đồng/kg.
Sản lượng vải thiều năm nay sụt giảm mạnh
Bởi chưng là vải mất mùa
Ông Vũ Văn Thu ở đất vải Bát Trang (An Lão) cho biết: “Năm nay vải thiều mất mùa, có vườn chẳng bói quả nào…”. Theo ông Thu, vì đúng thời điểm vải trổ hoa thụ phấn đầu xuân, gặp đợt mưa rào sớm nên thiệt hại nặng, quả không những đậu ít, mà có đậu mã cũng rất xấu. Ông Thu chia sẻ thêm, cũng may nhà ông có 4 cây vải trứng, giống này ra hoa sớm hơn nên ít bị ảnh hưởng, mã đẹp phù hợp với các hợp đồng xuất khẩu nên giữ được giá cao. “Nhưng cây non ít quả, không cứu vãn nổi mấy chục gốc vải thiều già mất mùa…” – ông Thu ngậm ngùi nói.
Hiện tại, nhìn bằng mắt thường thì lượng vải bán trên thị trường Hải Phòng vẫn tương đối nhiều, bởi dù mất mùa nhưng do diện tích trồng vải ở các địa phương khu vực phía Bắc rất lớn. Riêng Hải Phòng vải chỉ tập trung ở một số xã ở huyện An Lão, năm nay cơ bản không đủ cung cấp. Trong tuần qua, vải thiều “đổ bộ” chủ yếu từ các vùng Kim Thành, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Chí Linh (Hải Dương), Đông Triều, Yên Hưng (Quảng Ninh), Lục Nam, Lục Ngạn (Bắc Giang)…
Ông Nghị - một thương lái đến từ Hải Dương bộc bạch: “Năm nay những vùng vải lớn đều xây dựng thương hiệu, có hợp đồng bao tiêu, vải lại mất mùa nên thương lái tự do rất khó mua…”. Theo ông Nghị, mấy năm trước vải được mùa khó tiêu thụ nên khoảng chênh lệch giữa giá vườn và giá thị trường rất rộng. Đơn cử như mùa vụ năm ngoái, giá mua ở vườn bình quân là 12 nghìn đồng/kg, trong khi giá bán lẻ trên thị trường Hải Phòng 20.000 đồng/kg. Mùa vụ năm nay thiệt đơn thiệt kép, giá tại vườn cao ngất ngưởng mà thương lái vẫn phải tranh nhau, đã thế giá bẻ vải cũng buộc phải tăng vì quả thưa khó thu hoạch hơn, trong điều kiện ở nông thôn nhưng không phải ai cũng giỏi hoặc sẵn sàng nhận công việc này. Mới thấy, câu chuyện về vải quả thật lắm cung bậc, được mùa thì khổ về tiêu thụ, mà mất mùa càng khiến nhiều người lao đao.
Tuy nhiên cũng ở phân khúc hoa quả, sự kiện vải mất mùa đang tạo điều kiện tốt cho các loại hoa quả khác được phen làm giá. Nhắc lại những năm trước, mỗi khi vải vào vụ là giá các loại hoa quả khác lao dốc thê thảm, vì dù là giống vải nào cũng đều thuộc diện dễ ăn hơn nhiều loại quả khác. Lấy số liệu khảo sát của năm trước cho thấy, trong tháng vải “xuất trận”, các loại quả nhập từ miền Nam và nước ngoài giảm giá từ 15% đến 50%. Nhưng năm nay tình trạng này hầu như không xảy ra, tại các siêu thị những loại quả giảm giá phần nhiều đã sắp đáo hạn bảo quản sử dụng, còn lại những loại quả đặc sản đều giữ mức cao. Chẳng hạn như dưa hấu đều từ 20.000 đồng trở lên/kg, chôm chôm 65.000 đồng/kg, nhãn giống Thái 75.000 đồng/kg, mận hoa Bắc Hà cũng lập giá chưa từng thất khi có lúc được bán tới 70.000 đồng/kg.
Trở lại với vải, nhiều ý kiến cho rằng năm nay loại quả này có giá cao chưa phải điều đáng mừng cho người trồng. Vì như đã nói, giá cao do mất mùa chỉ mang yếu tố khách quan, còn nhìn về dài hạn việc tiêu thụ vải khi được mùa vẫn là bài toán nan giải. Thời gian gần đây, tại một số vùng trồng lớn việc quy hoạch, xây dựng thương hiệu và áp đặt tiêu chuẩn để bao tiêu vải đã được thực hiện, nhưng so với tổng diện tích vùng trồng thì vẫn chưa thấm vào đâu.
Chuyện về thứ đặc sản xứ Việt, càng ngon càng rẻ, càng được mùa càng khổ xem ra vẫn còn rất dài. Hy vọng rằng, với việc xây dựng Nhà máy chế biến rau của quả Haphofood tại Hải Phòng mới đây, vải thiều sẽ có thêm cơ hội khẳng định mình, nếu được chọn là một nguồn nguyên liệu chính.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết