09:42 06/06/2020 Ngoài những mặt hàng thuộc diện “vĩ mô” như gas, xăng dầu… vừa được điều chỉnh tăng giá, thị trường thời điểm này cơ bản vẫn ổn định. Nhưng khoảng một tuần trở lại đây, hoa quả là nhóm hàng ít bị “để ý” lại lâm vào tình trang lao dốc, mà nguyên nhân được cho là vải thiều đang rộ vụ.
Vải thiều chính thức rộ vụ
Đến hẹn vải… lại lên
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp hè đến mang những cơn nắng chang chang đổ xuống, cũng là lúc các loại vải quả nối nhau khoe mã. Theo thông lệ, mùa vải thiều bắt đầu từ Tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch, nhưng năm nay lịch âm có nhuận hai tháng Tư, nên dù còn gần một tháng nữa mới đến ngày “giết sâu bọ”, nhưng vải thiều đã nhuộm đỏ thị trường
Theo ông Phan Văn Hải – một nông dân ở xã Bát Trang (An Lão), so với mọi năm, thời tiết năm nay nắng nóng dài ngày, tương đối phù hợp cho các loại cây ăn quả đúng vụ tăng trưởng. Nhưng điều khác biệt là, cũng bởi sự kích thích của thời tiết nắng nóng nên vải làm cùi sớm, vào mã nhanh, khoảng cách chín rộ giữa các loại vải được rút ngắn, nên “tốc độ” đổ bộ vào thị trường về lượng cũng lớn hơn rất nhiều so với mọi năm.
Trên thực tế, gọi chung là vải Thiều vì tính chất nổi tiếng của một giống vải xuất nguồn ở Thanh Hà (Hải Dương), nhưng mấy năm gần đây, thị trường có nhiều giống vải khác. Về điều này, ông Hải chia sẻ, vải hiện có 4 giống chính gồm: vải chua truyền thống, vải trứng lai, vải thiều lai và vải thiều truyền thống.
Thời gian chín của các loại trên cũng lần lượt bám nhau và khoảng cách thu hoạch cách nhau thông thường là 10 ngày. Dù vải thiều có chất lượng tốt nhất, nhưng vì chín muộn nhất nên luôn bị bán rẻ nhất, chính vì vậy những năm gần đây để đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo thu nhập, các vùng vải không còn giữ một loại truyền thống nữa, mà trồng xen canh nhiều loại.
Cũng theo ông Hải, do năm nay nắng nhiều kích thích vải chín sớm, khoảng cách thu hoạch giữa các loại bị rút ngắn, sản lượng tăng do được mùa, nên giá vải cũng xuống nhanh. Chẳng hạn trên thị trường Hải Phòng, giá vải chua đầu mùa có lúc là 60.000 đồng/kg, trong khoảng nửa tháng các loại vải giữ mức bình quân 35.000 đồng/kg.
Còn trong một tuần trở lại đây, khi vải thiều bắt đầu rộ vụ, giá các loại vải chua giảm rất mạnh, tại thị trường Hải Phòng có chỗ chỉ bán dưới 20.000 đồng/kg, vải thiều bán lẻ từ 30.000 đồng/kg.
Do năm nay vướng dịch Covid-19, nên ở nhiều địa phương việc tiêu thụ vải được đặt ra khá sớm, bản thân Thủ tướng Chính phủ cũng trực tiếp vào cuộc khi quyết định chấp nhận một số lượng nhất định thương lái nước ngoài vào Việt Nam thu mua vải.
Tuy nhiên, do sản lượng vải trong nước hiện rất lớn, đã từ lâu Thanh Hà không còn độc quyền, mà vùng vải đã thực sự chuyển đến Bắc Giang, nên dù tăng cường xuất khẩu cũng chỉ giải quyết được phần nào việc tiêu thụ loại quả đặc sản này.
Mặt khác, cũng chính vì thế nên thị trường cũng bị phân hóa, nghĩa là từ trước đó, ở các vùng trồng lớn của Bắc Giang và Hải Dương, nhiều doanh nghiệp đã đặt hàng người trồng, kèm theo các tiêu chuẩn để phục vụ tiêu thụ ở những thị trường khó tính và xuất khẩu. Điển hình trong số đó là tiêu chuẩn VietGAP được áp dụng phổ biến.
Khi thu hoạch vải được phân loại, vải đủ tiêu chuẩn, có nguồn gốc nhãn mác, được bảo quản tốt vẫn có giá trên 30.000 đồng/kg. Còn vải buộc chùm phi tiêu chuẩn, do các hộ dân tự thu hoạch và tiêu thụ đang được bán tại vườn bình quân 20.000 đồng/kg.
Giá hoa quả khác lao dốc
Điều đáng nói là, vải thiều là một trong những đặc sản ngon nhất, dễ sử dụng nhất, nên năm nào cũng vậy, khi vải thiều rộ vụ là các loại hoa quả khác bị ảnh hưởng mạnh cả về giá lẫn lượng tiêu thụ.
Mặt khác, giá hoa quả phụ thuộc nhiều vào mùa vụ của từng loại, mùa vải cũng đồng thời là chính vụ của nhiều loại quả khác được trồng đại trà ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam, chưa kể nguồn không nhỏ từ nhập khẩu.
Chỉ trong vòng một tuần qua, chưa có tính toán chính xác nhưng hầu hết giá các loại quả trên thị trường đều lao dốc. Đơn cử như dưa hấu, thời điểm được tháng 4 có giá bình quân 12.000 đồng/kg, thì nay chỉ còn 8.000 đồng/kg.
Một số loại đáng kể khác như mận hoa giảm từ 30.000 đồng xuống còn 20.000 đồng/kg, xoài cát giảm từ 24.000 đồng xuống còn 15.000 đồng/kg, măng cụt từ 45.000 đồng giảm còn 30.000 đồng/kg… Còn nếu so với mức giá thời điểm đầu năm thì một số loại quả giảm tới hai lần.
Đối với các loại quả nhập khẩu cũng vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc không còn chiếm vị trí độc tôn trên thị trường. Nhưng nhiều loại từ nước láng giềng vẫn khiến trong nước không có nguồn thay thế. Cụ thể như táo hiện đang được bán từ 25.000 đồng đến 40.000 đồng/kg tùy theo loại, mận lai đào 15.000 đồng/kg…
Trong khi đó các loại quả có nguồn gốc từ Mỹ, Úc, Niu-di-nân… mà đa phần là táo và nho cũng giảm giá từ 15 đến dưới 50% bằng hình thức khuyến mại ở siêu thị. Nhưng hầu hết các loại quả này được bán quanh năm, vì có chế độ bảo quản tương đối tốt.
Mùa vải cũng là chính vụ của nhiều loại hoa quả khác
Theo kinh nghiệm của các thương lái, tình trạng hoa quả rớt giá sẽ còn tiếp tục, bởi lẽ sau vải sẽ là sự đổ bộ của nhãn. Tương tự như vải, nhãn năm nay cũng hứa hẹn bội thu, sản lượng được trồng ở miền Bắc cũng tăng gấp nhiều lần những năm trước.
Cụ thể, thị trường nhãn quả thường có 5 loại chính, trong đó ngoài loại nhập khẩu từ Thái Lan còn có nhãn xuồng miền Nam, nhãn lồng Hưng Yên, nhãn Bắc giống Thái và nhãn vườn truyền thống. Chưa kể cùng thời điểm thu hoạch với nhãn, còn có nhiều loại quả khác mang thương hiệu Việt không kém cạnh tranh như chôm chôm, xoài, mít, ổi, bưởi Năm Roi, bưởi hồng da xanh, sầu riêng…
Trở lại với quả vải, như đã nói, dù được quan tâm tăng cường xuất khẩu, nhưng việc tiêu thụ vải vẫn là bài toán cần lời giải dài hạn. Trước kia khi Trung Quốc nhập khẩu nhiều thì vải khô là giải pháp hữu hiệu, nhưng nay ngay một số tỉnh giáp Việt Nam cũng đang khổ vì vải, do giống này dễ trồng, thích nghi với nhiều địa hình và thời tiết.
Mấy năm gần đây, có nhiều thương lái gom vải dùng thuốc bảo quản như đối với các loại quả khác, nhưng chất lượng giảm quá rõ, mã bị phá màu, cùi đanh cứng và mất hẳn vị đặc trưng, thành thử cũng không lọt được qua lưỡi của người tiêu dùng.
Nhưng đáng tiếc là, trong khi thị trường hoa quả cả nước đang sôi động, thì các vùng trồng tại Hải Phòng khá yên ắng, ngoài một khu vực nhỏ trồng vải thuộc huyện An Lão. Mặc dù vậy, người tiêu dùng Hải Phòng cũng được hưởng lợi vì có khá nhiều lựa chọn trong việc tiêu thụ những loại quả vừa ngon, vừa rẻ, vốn dĩ nhiều người thu nhập thấp không phải cứ thích là có thường ngày.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết