15:57 18/10/2023 Tháng 1-1965 trong thư gửi Hội nghị cán bộ Ngân hàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Quản lý tiền bạc là một công tác rất quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cán bộ Ngân hàng là người có trách nhiệm giữ tiền cho Nhà nước và nhân dân, phải học tập cách quản lý tiền cho tốt, đừng để lãng phí, mất mát. Một đồng vốn bỏ ra phải bảo đảm tăng thêm của cải cho xã hội, phải luân chuyển nhanh, đừng để đọng. Phải tích cực huy động tiền nhàn rỗi để bỏ vào sản xuất”. Bác cũng nói: “Cán bộ Ngân hàng phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thấu suốt hơn nữa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu học tập lý luận và nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc, để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân được nhiều và tốt hơn”. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ ngân hàng, đối với ngành Ngân hàng Việt Nam luôn được các thế hệ cán bộ ngân hàng ghi nhớ, coi đây kim chỉ nam cho mọi hoạt động.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò sức mạnh của đạo đức
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo đã đề cập nhiều đến vấn đề đạo đức và giáo dục đạo đức. Từ rất sớm, Bác đã khẳng định đạo đức là gốc của người cách mạng. Người viết: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.
Bác quan niệm rằng đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng. Người khẳng định đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển của con người. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Người quan niệm đạo đức tạo ra sức mạnh, nhân tố quyết định sự thắng lợi của mọi công việc: “Công việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”. Quan niệm lấy đức làm gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không có nghĩa là tuyệt đối hoá mặt đức, coi nhẹ mặt tài. Người cho rằng có tài mà không có đức là người vô dụng nhưng có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Cho nên, đức là gốc nhưng đức và tài phải kết hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.
Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng giúp cho con người vững vàng trong mọi thử thách. Bởi lẽ, sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp rất to lớn, khó khăn và nặng nề, con đường đi đến độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường dài, không phải là một đại lộ thẳng tắp. Nó đòi hỏi sự phấn đấu không ngừng của mỗi người, mỗi thế hệ, hơn nữa còn của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Nếu không có đạo đức cách mạng làm nền tảng, người cán bộ có thể mềm lòng, nản chí, xuôi tay.
Trong di chúc Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội không phải ở lý tưởng cao xa nào, mà trước hết, sức hấp dẫn đó nằm ở những giá trị đạo đức cao đẹp, nằm ở phẩm chất của những người cộng sản ưu tú bằng tấm gương sống và hành động của mình biến những lý tưởng của chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực.
Bác cho rằng phong trào cộng sản công nhân quốc tế trở thành lực lượng quyết định vận mệnh của loài người không chỉ do chiến lược và sách lược thiên tài của cách mạng vô sản, mà còn do những phẩm chất đạo đức cao quý làm cho chủ nghĩa cộng sản trở thành một sức mạnh vô địch.
Tấm gương đạo đức trong sáng của một nhân cách vĩ đại nhưng cũng rất đỗi đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức hấp dẫn lớn lao, mạnh mẽ không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn cả với nhân dân thế giới. Tấm gương đó chính là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần hết sức quan trọng đối với nhân dân ta là điểm sáng cho mỗi người học tập và noi theo.
Chuẩn mực đạo đức của cán bộ ngân hàng
Trong giai đoạn hiện nay, ngành Ngân hàng đang đứng trước những yêu cầu mới về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”. Do vậy, thấm nhuần những căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ ngành Ngân hàng cần tiếp tục học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Để nêu cao những phẩm chất đạo đức cần thiết, xây dựng hình ảnh đẹp đối với xã hội, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của ngành Ngân hàng, mỗi cán bộ ngân hàng cần thực hiện tốt những căn dặn của Người ở mọi lúc, mọi nơi, mọi vị trí công tác, đã được quy định thành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng gồm:
Tính tuân thủ: Mỗi cán bộ ngân hàng cần chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kỷ luật của Ngành; chấp hành nghiêm túc các quy chế, quy định và nội quy, kỷ luật của cơ quan, đơn vị.
Do tính chất của công việc và yêu cầu của nhiệm vụ, cán bộ ngân hàng phải đối mặt với những khó khăn, thử thách, vì vậy, cán bộ ngân hàng phải nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, giữ vững bản lĩnh chính trị để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Yêu cầu bắt buộc hàng đầu mà người cán bộ ngân hàng phải luôn ghi nhớ và thực hiện nghiêm túc như tuân thủ pháp luật về ngân hàng và các quy định pháp luật khác; tuân thủ quy trình nghiệp vụ chung của Ngân hàng Nhà nước nói chung và của riêng từng ngân hàng.
Sự cẩn trọng: Cùng với tính tuân thủ, cẩn trọng mọi công việc là yêu cầu không thể thiếu, nhằm tránh sai sót, gây hậu quả khó lường. Làm ngân hàng không cho phép sự liều lĩnh, mạo hiểm, cần sự chắc chắn trong từng khâu.
Sự liêm chính: Đây là yêu cầu đối với mọi ngành nghề, song, đối với đặc thù của nghề ngân hàng - gắn với tiền, càng đòi hỏi người cán bộ ngân hàng phải rèn luyện phẩm chất này, phải kiên định, bản lĩnh, tránh sự cám dỗ của đồng tiền.
Phải luôn thẳng thắn, trung thực, luôn đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa, lên án những cái xấu, cái sai trái. Đức tính này đòi hỏi cán bộ phải làm theo lẽ phải, đấu tranh chống sự giả dối, không trung thực, cơ hội, lợi dụng chức quyền làm việc bất minh; không tự cao, tự đại; luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình; luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà.
Đặc biệt, không vì lợi nhuận mà chấp nhận làm những việc không đúng quy định, mà dù trong hoàn cảnh nào, cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành và thực thi nhiệm vụ một cách đúng mực, nghiêm túc.
Sự tận tâm và chuyên cần: Cán bộ ngân hàng cần có sự tận tâm và chuyên cần để hoàn thành tốt nhiệm vụ, không ngừng nâng cao năng lực của bản thân, ngày càng tinh thông nghiệp vụ, từ đó càng đam mê, yêu nghề, gắn bó với nghề và cống hiến được nhiều nhất cho nghề. Sự chu đáo, tận tâm trong quan hệ với khách hàng sẽ tạo ra chất lượng dịch vụ và sự hài lòng, chiếm được lòng tin của khách hàng.
Tính chủ động, sáng tạo, thích ứng: Đây là yêu cầu mới đặt ra nhằm đáp ứng đòi hỏi của bối cảnh công nghệ ngân hàng đang phát triển nhanh, mô hình hoạt động của ngân hàng đang trong thời kỳ chuyển đổi từ mô hình ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số, ứng dụng công nghệ số trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.
Do vậy, cán bộ ngân hàng cần sẵn sàng tiếp thu cái mới, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo cả trong tư duy và phong cách làm việc. Cùng đó, áp lực cạnh tranh gia tăng, cán bộ ngân hàng cần nâng cao khả năng thích nghi với điều kiện, môi trường xung quanh.
Trong giai đoạn hiện nay, mỗi cán bộ ngân hàng còn phải là tích cực, chủ động, sáng tạo trong công việc được giao, mang lại hiệu quả cao trong công việc mình đảm nhiệm. Tính hiệu quả là yêu cầu không thể thiếu trong điều kiện kinh tế thị trường, nhất là đối với cán bộ ngân hàng trong giai đoạn đổi mới, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và hội nhập quốc tế.
Ý thức bảo mật thông tin: Bảo mật thông tin ngân hàng và khách hàng là trách nhiệm của cán bộ ngân hàng, vì lộ lọt thông tin có thể gây tổn hại đến tài sản, thương hiệu, uy tín của ngân hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng. Trong thời đại mà thông tin, dữ liệu là nguồn tài nguyên quý báu như hiện nay, yêu cầu về bảo mật thông tin của khách hàng, của ngân hàng và của chính từng người trở nên hệ trọng và cấp thiết.
Bên cạnh đó, cần nghiêm túc thực hiện 2 quy tắc ứng xử: ứng xử trong nội bộ (ứng xử của cán bộ cấp dưới với cấp trên, cán bộ cấp trên với cấp dưới và đồng cấp với nhau) và ứng xử với bên ngoài (ứng xử với khách hàng và đối tác bên ngoài).
Thái độ, phong cách, tác phong làm việc và giao tiếp trong quan hệ nội bộ và với bên ngoài thể hiện tính lịch sự và chuyên nghiệp của người cán bộ ngân hàng, từ đó tạo ra không khí làm việc nghiêm túc, tạo môi trường làm việc lành mạnh, giúp cho bộ máy ngân hàng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài vận hành trôi chảy, thúc đẩy ngân hàng phát triển theo tầm nhìn chiến lược của ngân hàng, đáp ứng mong đợi, kỳ vọng của nhân viên cũng như của khách hàng và xã hội.
Đạo đức đối với ngành ngân hàng luôn được quan tâm và được đặt lên hàng đầu bởi lẽ nếu không có đạo đức chắc chắn rủi ro sẽ xảy ra ở bất cứ vị trí công việc nào.
Đối với giao dịch viên, nếu không coi trọng đạo đức nghề nghiệp, rủi ro sẽ xảy đến tại nhiều giao dịch khác nhau như giao dịch viên giả mạo chữ ký của khách hàng nhằm trục lợi tiền của khách hàng, cán bộ lợi dụng việc trả thẻ cho khách hàng để đánh cắp số thẻ và thực hiện chi tiêu mua hàng hóa trên mạng bằng thẻ của khách hàng…
Đối với cán bộ khách hàng, rủi ro xảy ra khi cán bộ cố tình che giấu những thông tin tiêu cực liên quan đến khách hàng dẫn đến rủi ro gia tăng nợ xấu cho ngân hàng, khách hàng đưa tiền cho cán bộ tín dụng để trả gốc, lãi khoản vay của khách hàng nhưng cán bộ tín dụng không nộp hoặc không nộp ngay, dẫn đến khoản vay bị quá hạn, chuyển nhóm nợ…
Đối với cán bộ ngân quỹ, rủi ro đạo đức xảy ra khi cán bộ được giao quản lý thùng tiền và thực hiện lấy tiền từ quỹ do mình quản lý để yêu cầu giao dịch viên nộp tiền vào tài khoản của mình nhưng không đưa tiền vào quỹ…
Từ thực tiễn của ngành ngân hàng, việc rèn luyện đạo đức đối với cán bộ ngân hàng phải là công việc thường xuyên, liên tục, là ý thức tự rèn luyện, tu dưỡng của từng cán bộ. Các cán bộ ngân hàng cần phát huy vai trò nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; luôn gương mẫu trong đổi mới tác phong, lề lối làm việc cũng như trong công tác; rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; gương mẫu thực hiện nhiệm vụ, ý thức tổ chức kỷ luật trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt cơ quan và nơi cư trú; gương mẫu tự học tập nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ.
Các cán bộ ngân hàng cần phải là những con người phát triển toàn diện cả tài và đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lưu ý, nhắc nhở chúng ta phải coi trọng cả tài và đức nhưng phải lấy đức làm gốc. Bởi lẽ tài năng chỉ có thể phát triển lâu bền trên nền của đức và tài năng chỉ có thể hướng thiện trên gốc của đức./.
Vũ Thị Kim Vân
Tổ đảng PGD Vĩnh Bảo, Chi bộ 2, Đảng bộ Vietcombank Hải Phòng
01:13 12/12/2024
13:31 11/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết