Vận chuyển hàng hóa đường bộ quá tải trọng: Tái diễn vi phạm

10:01 26/05/2017

Xe chở hàng quá tải trọng tránh trạm cân đi vào đường hạn chế tải trọng (đường Máng An Đồng, An Dương) bị Thanh tra giao thông phát hiện xử lý

Xe chở hàng quá tải trọng tránh trạm cân đi vào đường hạn chế tải trọng (đường Máng An Đồng, An Dương) bị Thanh tra giao thông phát hiện xử lý

Gần đây, việc kiểm soát tải trọng xe vận tải hàng hóa trên địa bàn thành phố đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do thiếu trạm cân, không còn sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng (CSGT, Thanh tra giao thông, Công an địa phương) nên vi phạm ngày càng gia tăng. Nghiêm trọng hơn, đã xảy ra nhiều vụ xe chở quá tải, vi phạm kích thước thành thùng nhưng chây ì, chống đối lực lượng chức năng làm nhiệm vụ TTKS, xử lý vi phạm…

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các tổ, đội, trạm thuộc Phòng PC67 - CATP đã kiểm tra, xử lý 263 trường hợp vi phạm; ra quyết định phạt tiền theo lỗi (bao gồm phạt lái xe và đơn vị vận tải, chủ phương tiện) 3,46 tỷ đồng; tước giấy phép có thời hạn 263 trường hợp. Cùng thời điểm, tại 1 trạm kiểm tra tải trọng (KTTT) trên QL5, lực lượng Thanh tra giao thông đã tiến hành kiểm tra 4.101 trường hợp, xử lý 170 vụ vi phạm; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo lỗi tổng số 1,405 tỷ đồng (bao gồm phạt lái xe và đơn vị vận tải, chủ phương tiện).

So với 5 tháng đầu năm 2016 (kiểm tra 13.385 trường hợp, phát hiện 112 trường hợp vi phạm, phạt tiền 1,1 tỷ đồng),  thì số lượng phương tiện được kiểm tra 5 tháng đầu năm 2017 chiếm 30,6% (bằng 1/3 so với cùng kỳ), nhưng số vi phạm bị phát hiện chiếm 151% ( tăng gấp 1,5 lần) và số tiền phạt chiếm 127% (tăng gấp 1,27 lần).

Theo Phòng PC67, trước đây, trên các tuyến QL5, QL10 đều bố trí các trạm cân thay đổi vị trí liên tục. Ví dụ, trạm cân trên QL10 hoạt động luân phiên tại các vị trí là khu vực cổng Bến xe phía Bắc huyện (Thủy Nguyên) và khu vực trạm thu phí cũ thuộc huyện Tiên Lãng. Theo kế hoạch phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an, Phòng CSGT có nhiệm vụ dừng phương tiện trên đường, yêu cầu lái xe thực hiện việc KTTT.

Lực lượng Thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải) có nhiệm vụ hướng dẫn lái xe đưa xe vào khu vực cân tải trọng và chịu trách nhiệm vận hành thiết bị cân. Ngoài ra còn có lực lượng Kiểm soát quân sự phối hợp thực hiện. Cùng với đó, lực lượng Công an địa phương làm nhiệm vụ giữ gìn ANTT khu vực, phối hợp giải quyết những trường hợp lái xe cố tình không chấp hành KTTT theo yêu cầu.

Do vậy, công tác KTTT những năm trước đem lại hiệu quả cao, tình trạng xe chở quá tải gần như không còn. Ví dụ, trong năm 2015, lực lượng liên ngành thành phố (Phòng PC67,Thanh tra giao thông, Kiểm soát quân sự thành phố) đã xây dựng, triển khai 21 kế hoạch xử lý xe quá tải, phối hợp kiểm tra, xử lý xe chở hàng quá trọng tải tại 2 trạm KTTT xe lưu động.

Kết quả, các trạm đã kiểm tra cân tải trọng tổng số 38.576 lượt phương tiện, lập biên bản vi phạm 1.195 trường hợp; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 11,196 tỷ đồng. Trong đó xử phạt lái xe vi phạm (1.195 trường hợp) với số tiền 2,31 tỷ đồng; phạt chủ phương tiện vi phạm (1.108 trường hợp) với số tiền 8,884 tỷ đồng và  tạm giữ 92 xe ô tô và tước GPLX 1.195 trường hợp. 

Tuy nhiên, kể từ tháng 10-2016, công tác phối hợp giữa 2 lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông thực hiện nhiệm vụ tại các trạm KTTT kết thúc, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tải trọng độc lập theo chức năng nhiệm vụ và năng lực (nhân lực, phương tiện, thiết bị) thực tế của mình. Các trạm KTTT lưu động được giao cho Thanh tra giao thông quản lý, vận hành.

Rồi nữa, cũng từ cuối năm 2016, hoạt động KTTT tại các trạm lưu động nói trên bị “co” lại chỉ còn 1 trạm trên QL5 hoạt động và đặt tại 1 vị trí nhất định chứ  không song song hoạt động cả 2 trạm và liên tục thay đổi vị trí như trước đây nữa. Trạm KTTT trên tuyến QL10 vì thế bị bỏ. Nguyên nhân bao gồm cả khách quan và chủ quan.

Đó là, đoạn QL10 này đang tiến hành sửa chữa nâng cấp và lực lượng Thanh tra giao thông mỏng, không đủ người để duy trì cùng lúc 2 trạm KTTT lưu động, trong khi do chưa có quy định bắt buộc các cảng, kho bãi phải có cân tải trọng. Đây là những nguyên nhân khiến vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép gia tăng trở lại.

Đáng lo ngại hơn, thời gian gần đây, hoạt động chở hàng hóa quá tải trọng quy định có thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn.

Đối tượng vi phạm sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng. Điển hình là vụ 2 chiếc xe ô tô mang BKS quân sự (biển đỏ) KC-71-90 kéo rơ móc BM-141 và QS-334K kéo rơ mooc QS-111R (đều thuộc Cty Duyên Hải, Quân khu 3) chở hàng gấp từ 3-4 lần tải trọng cho phép, đã bị Đội CSGT số 1, Phòng CSGT kiểm tra lúc 0h30 ngày 22-3-2017, trên đường Đà Nẵng.

Mới đây nhất vào 10h ngày 15-5, tại đường Hùng Vương (phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng), Đội TTGT số 5 (Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng) phát hiện xe tải BKS 89C-055.62 chở hàng quá khổ và có dấu hiệu quá tải. Khi lực lượng chức năng ra hiệu dừng xe để kiểm tra, lái xe đã bất ngờ tăng tốc bỏ chạy. Được 2km, tài xế bất ngờ lao xe vào khu vực cảng Tiến Mạnh bất chấp hiệu lệnh dừng xe của bảo vệ cảng rồi khóa cửa cabin và bỏ đi. Qua kiểm tra, quy định của chiều cao xếp hàng thùng xe là 4,35m, nhưng thực tế xe xếp hàng cao 5,0m.

Do lái xe bỏ trốn nên lực lượng Thanh tra giao thông phải bố trí người canh gác và liên hệ với công ty chủ quản đến làm việc. Trong quá trình chờ lái xe tới cân tải trọng, chiều cùng ngày, một số đối tượng đã ngang nhiên mang một xe tải khác đến bốc hàng nhằm phi tang lỗi chở hàng quá tải. Lực lượng TTGT đã tiến hành ghi hình lại toàn bộ quá trình chống đối, lập hồ sơ để xử lý.

Trở lại vấn đề vi phạm chở hàng quá tải gia tăng, ông Trần Văn Thanh, Phó Chánh Thanh tra giao thông cho rằng: Số lượng xử lý xe ô tô chở hàng hóa quá tải trọng cho phép gia tăng là do quy định từ ngày 1-1-2017 áp dụng xử phạt quá tải đầu trục. Với quy định này, xe chở hàng đúng tải (không quá tải) nhưng do cách xếp hàng không đúng với thiết kế của các cụm trục vẫn bị xử lý vi phạm chở quá tải trọng cho phép.

 Cũng theo ông Trần Văn Thanh, việc kiểm tra tải trọng trên QL10 đang bị bỏ ngỏ, không còn trạm KTTT lưu động như trước. Bởi vậy, việc kiểm soát tải trọng sẽ rất khó khăn đối với xe chở hàng lưu thông nội bộ thành phố Hải Phòng hoặc phụ thuộc các trạm KTTT tỉnh, thành lân cận (Thái Bình, Quảng Ninh) đối với những xe ô tô chở hàng hóa liên tỉnh.

Vấn đề đặt ra là công tác kiểm soát tải trọng luôn phải được thực hiện nghiêm, từ cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra Chỉ thị số 32/CT-TTg (ngày 25-11-2016) về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. UBND thành phố cũng đã có văn bản số 2967/UBND-GT (ngày 1-12-2016) nhằm quán triệt, tiếp tục triển khai công tác KSTT, thực hiện nghiêm Chỉ thị 32/CT-TTg.

Theo đó, UBND TP giao cho Sở GTVT, Công an thành phố và UBND quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện công tác KSTT. Tuy nhiên, một số địa phương vào cuộc chưa mạnh mẽ, một số trạm KTTT lưu động chỉ hoạt động cầm chừng dẫn đến tình trạng xe chở hàng quá tải đường dài có dấu hiệu vi phạm và ngày càng phức tạp, nhất là trên các tuyến QL5, QL10, QL37 và nhiều tuyến tỉnh lộ, huyện lộ khác.

Đoàn Lanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông