Uống rượu bia tràn lan - thói quen xấu trong xã hội

14:46 10/09/2017

Trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, rượu vốn là thức uống không thể thiếu trong các cuộc hội họp, lễ tết. Tuy nhiên những năm trở lại đây, việc lạm dụng quá nhiều rượu, bia và các thức uống có cồn khác đã khiến cho nét đẹp này dần mất đi tính văn hóa vốn có của nó.

Hậu quả khôn lường

Câu chuyện chén chú, chén anh trên bàn tiệc hiện nay vốn là chuyện thường gặp như cơm bữa hàng ngày. Nhưng trên thực tế, mời rượu trong xã hội hiện nay đã bị biến tướng, trở thành thói quen xấu trong xã hội.

Rượu bia đã trở thành “thủ phạm” gây nên hàng loạt những sự việc đáng tiếc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người mà rộng hơn nữa là ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, có đến 40% các vụ giao thông nghiêm trọng xảy ra đều xuất phát từ nguyên nhân người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng chất có cồn khi tham gia giao thông.

Rượu bia xuất hiện trong hầu hết các bữa tiệc, liên hoan...

Bên cạnh đó, rượu bia còn là nguyên nhân dẫn đến các bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng con người. Tại khoa điều trị ma túy, bệnh viện Tâm Thần Hải Phòng, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân nhập viện với triệu chứng loạn thần do rượu kèm theo các bệnh lý có liên quan do rượu gây ra như xơ gan, dạ dày, máu mỡ, viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm tụy, tăng huyết áp, đái tháo đường, gây độc cho máu...

Thế nhưng, dường như những con số, những lời cảnh báo đó chỉ giống như “nước đổ lá khoai”, bởi hiện nay tại các nhà hàng, quán ăn, các bữa liên hoan gia đình, ở bất kì thời điểm nào con người đều có thể uống rượu, bia hay các chất có cồn khác. 

Anh Nguyễn Thành Tâm (26 tuổi, Lê Chân, Hải Phòng) cho biết: “Mình thường uống rượu trong các buổi tụ tập liên hoan như họp lớp, sinh nhật…

Thường thì mình chỉ uống một vài ly xã giao thôi, nhưng đôi khi cũng bị ép uống cho đến say. Biết là uống rượu không tốt cho sức khỏe nhưng đúng là nhiều khi phải có chút men trong người thì không khí mới vui được”.

Hãy uống có văn hóa

Từ xa xưa, văn hóa mời rượu được sử dụng để thể hiện sự tôn trọng, yêu quý giữa người với người. Trong các sự kiện quan trọng của đời sống xã hội, đặc biệt như đám hỏi, tiệc tùng, rượu được xem như một thức uống quan trọng góp phần làm cho bầu không khí thêm sôi động và giúp con người xích lại gần nhau hơn. Nhưng hiện nay, văn hóa mời rượu không đơn thuần chỉ là chén rượu gặp mặt như các cụ xưa mà nó đã trở thành văn hóa “ép rượu”.

Có rất nhiều lý do để người ta “ép” nhau uống rượu như uống mừng sinh nhật, mừng thăng chức, uống để kí được hợp đồng làm ăn… hay đơn giản chỉ là uống rượu để quên đi nỗi buồn, xả stress.

Và sau những cuộc nhậu nhẹt quên ngày đêm như vậy, thay vì con người có thêm niềm vui thì đó lại là những vụ tai nạn giao thông xảy ra do lái xe sử dụng quá nhiều rượu bia; những cái chết trẻ đầy thương tâm do xơ gan có liên quan đến rượu bia; những vụ ẩu đả dẫn đến chết người do rượu bia đem lại…

Theo TS.Nguyễn Thị Hồng – Phó trưởng khoa Tuyên truyền, Phụ trách chuyên ngành Văn hóa – Phát Triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Việt Nam là một nước có thể được xét vào hàng những nước uống rượu bia nhiều nhất thế giới. Mặc dù người Việt rất thích uống rượu bia nhưng lại cẩu thả, tùy tiện trong văn hóa bia rượu, họ uống không có giờ có giấc, uống không đúng cách, uống không biết kiềm chế.

Bên cạnh đó, bia rượu đang ngày càng tác động xấu đến một lực lượng những người lao động trẻ. Các bạn trẻ hiện nay đang có xu hướng tiến hành tất cả các cuộc giao dịch, đối thoại, làm ăn thông qua tiệc rượu.

Họ lấy bia rượu là một phương thức để duy trì các cuộc đối thoại. Và đó là một cảnh báo vô cùng nguy hiểm, nó không chỉ ảnh hưởng về mặt sức khỏe mà còn dẫn đến rối loạn nhân cách con người. Ngoài ra, sinh mạng của con người còn dễ bị tước đoạt bởi thú vui của bia rượu, do một số loại bia rượu không đảm bảo chất lượng, chứa nhiều methanol”.

Cần phải xây dựng những chuẩn mực trong "văn hóa cạn ly" để nét văn hóa vốn có của nó không bị mất đi (nguồn ảnh: internet).

Cũng theo TS. Nguyễn Thị Hồng, dân số Việt Nam hiện nay đang bước vào giao đoạn dân số già, nếu chúng ta không biết cách xây dựng cho mình văn hóa rượu bia mà vẫn đắm chìm vào chúng thì sẽ không chỉ dẫn đến hao tổn đến sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng và Nhà nước trong xây dựng phát triển kinh tế.

Có thể nói, chúng ta không thể bỏ đi bia rượu, nhưng uống như thế nào mới là điều chúng ta cần lưu ý. Phải xây dựng những chuẩn mực trong "văn hóa cạn ly" để nét đẹp văn hóa này không bị biến tướng thành những tệ nạn xã hội.

Ngân Phạm

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông