Vẫn loay hoay với vàng

08:33 21/05/2024

Sau rất nhiều giải pháp, thị trường vàng trong nước vẫn có diễn biến bất thường, phức tạp, giá vàng liên tục nhảy múa, tăng cao khiến nhà quản lý đau đầu, người dân lo lắng, băn khoăn. Nhiều ý kiến cho rằng, công tác quản lý, cung ứng vẫn đang loay hoay và chưa mang lại được những kết quả thật sự hữu hiệu.

Chưa liên thông được với thị trường thế giới

          Trước yêu cầu ổn định giá vàng, Ngân hàng Nhà nước đưa ra giải pháp là tăng cường đấu thầu vàng để tăng nguồn cung. 6 phiên đấu thầu được công bố nhưng chỉ có 3 phiên được tổ chức thành công. Trong đó, có 2 phiên đấu thầu thành công với số lượng 3400 lượng vàng mỗi phiên trên tổng số 16.800 lượng vàng được đưa ra đấu thầu. Tức là, khối lượng trúng thầu chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng vàng đưa ra. Phiên đấu thầu vàng ngày 14-5 đạt kết quả cao hơn với  8 thành viên trúng thầu 8.100  lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 87,73 triệu đồng/lượng và giá trúng thầu thấp nhất là 87,72 triệu đồng/lượng.

Vàng vẫn được người dân ưa chuộng cất giữ

Giá  trúng thầu cũng không có nhiều cách biệt với giá thị trường nên nhiều chuyên gia và doanh nghiệp nhận xét, việc đấu thầu vàng chưa hấp dẫn và không có đủ lực để kéo giảm giá vàng trên thị trường. Đó là chưa kể tới 3 phiên đấu thầu vàng bị hủy do không đủ các yếu tố và điều kiện cần thiết về số lượng thành viên tham gia. Và mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã tiếp thu, hạ số lượng tối thiểu một lô đấu thầu vàng từ 1400 lượng xuống 700 lượng rồi 500 lượng nhưng cũng chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Bởi thế, gần 15.000 lượng vàng được đấu thầu thành công chưa đủ sức để hạ nhiệt thị trường vàng…

          Điều mà dư luận đặt câu hỏi là tại sao sau rất nhiều giải pháp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, sau các phiên đấu thầu vàng, giá vàng giảm thì ít mà tăng thì nhiều. Đỉnh điểm giá vàng đã tăng tới 92 triệu đồng/lượng và không ít người dự báo, giá vàng sẽ tiếp tục tăng phi mã trong thời gian tới. Đáng lo ngại hơn khi giá vàng trong nước có lúc chênh lệch với giá vàng thế giới lên tới khoảng 20 triệu đồng/lượng. Như vậy, những cố gắng nhằm liên thông giá vàng trong nước với giá vàng thế giới chưa đạt được hiệu quả mong muốn.

          Trước diễn biến đáng lo ngại về giá vàng, người dân băn khoăn. Nhất là thời gian gần đây, khi giá hàng hóa, vật tư, nguyên liệu đã tăng cao. Nếu không kiềm chế được giá vàng, nhiều người lo lắng sẽ lại thiết lập một mặt bằng giá mới và tốc độ tăng tiền lương, thu nhập sẽ không theo kịp với tốc độ tăng giá vàng nói riêng, giá hàng hóa nói chung, làm ảnh hưởng tới ý nghĩa của việc tăng lượng, tăng thu nhập.

          Sốt ruột với thị trường vàng

          Sự biến động của thị trường vàng được dự báo là sẽ làm nóng diễn đàn Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 sắp tới. Ngày 13-5, trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội,  ngân sách Nhà nước tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý thị trường vàng thời gian gần đây.

Đồng chí  Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch Thường trực điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lo ngại tình trạng giá vàng tăng đột biến sẽ làm tăng chi phí hàng hoá, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp. Đồng chí Trần Thanh Mẫn  cho rằng Chính phủ cần có phương án điều hành, quản lý thị trường vàng và khắc phục tình trạng vàng miếng chênh cao so với thế giới.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ý kiến, giá vàng nhảy múa như vậy  thì công tác quản lý thế nào, không thể để thị trường vàng như thế được. Chưa bao giờ thấy thị trường giá vàng tăng - giảm rất đột biến như thế.

Thị trường vàng miếng nhiều biến động

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng bày tỏ băn khoăn khi chưa bao giờ giá vàng cao như hiện nay và chênh lệch với giá vàng thế giới quá cao. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bày tỏ sốt ruột khi Thủ tướng Chính phủ có những chỉ đạo rất kiên quyết, cụ thể; Ngân hàng Nhà nước vào cuộc mà giá vàng ngày càng tăng. Vì vậy, cần quản lý chặt chẽ thị trường và phải có bàn tay của Nhà nước để can thiệp vào thị trường vàng.

          Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị đánh giá kỹ hơn tại sao thị trường vàng lại “nhảy múa” và có thời điểm giá vàng lên tới hơn 92 triệu đồng/lượng?

          Báo cáo thẩm tra liên quan đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp. Chính phủ cần quan tâm, đánh giá kỹ hơn việc quản lý thị trường vàng.

          Theo Ủy ban Kinh tế, thị trường vàng có nhiều biến động, chỉ số giá vàng trong nước bình quân 4 tháng đầu năm tăng 20,8% so với cùng kỳ, khi giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục. Có ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, đã hình thành thị trường “ngầm” về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát. Thị trường “ngầm” giao dịch này không có sự kiểm soát, thống kê của Nhà nước.

          Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, về nguyên nhân chênh lệch giá trong nước cao so với quốc tế là do giá thế giới tăng; nguồn cung vàng trong nước hạn chế.Do đó, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đấu thầu vàng với khối lượng phù hợp để tăng cung cho thị trường. Đồng thời, tăng cường các biện pháp hỗ trợ quản lý thị trường vàng; thanh tra doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh, mua bán vàng miếng; chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh chấp hành nghiêm quy định về hoá đơn thanh toán, kiểm soát giao dịch mua bán vàng; phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Công Thương… kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, đẩy giá vàng lên cao.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, vàng là hàng hóa đặc biệt, liên thông với thị trường ngoại tệ, liên quan rất lớn tới điều hành kinh tế vĩ mô. Vừa qua, thị trường vàng biến động lớn, giá tăng cao hơn so với giá thế giới, chênh lệch giá mua - giá bán, thời điểm cao nhất lên tới 18-19 triệu đồng, thậm chí 20 triệu đồng/lượng, đòi hỏi phải quản lý và nếu không kiểm soát bằng các giải pháp đồng bộ thì rất khó; cần phải đánh giá kỹ, bình tĩnh, tìm được giải pháp "tìm đúng bệnh mới bốc thuốc được". Phó thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục họp với Ngân hàng Nhà nước để làm rõ và đề ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn.

Giá vàng vẫn lên xuống thất thường, khó kiểm soát    

          Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tăng các phiên đấu thầu vàng chỉ là một trong các giải pháp quản lý thị trường vàng trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề mấu chốt vẫn phải là sửa đổi nghị định 24 ngày 3-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, xóa bỏ độc quyền, tăng nguồn cung cho thị trường. Cũng có ý kiến lo ngại, nếu để thị trường bung ra, cho doanh nghiệp nhập vàng dễ dẫn tới mất cân đối và khó quản lý cả thị trường ngoại tệ (do nhập vàng phải sử dụng ngoại tệ và cho dù doanh nghiệp có sử dụng ngoại tệ của họ thì cũng vẫn ảnh hưởng tới khả năng cung ứng và điều hành tỷ giá chung).

Điều đó cho thấy quản lý thị trường vàng, bảo đảm kéo gần khoảng cách với thị trường thế giới, không để giá vàng nhảy múa một cách thiếu kiểm soát và tăng cung cho thị trường, mở rộng diện được nhập khẩu vàng là bài toán liên quan tới quản lý kinh tế  vĩ mô, rất khó khăn và phức tạp. Cho dù vậy thì cũng không thể vì khó mà chậm trễ. Người dân đang mong chờ các giải pháp thật sự quyết liệt, hiệu quả nhìn thấy được để thị trường vàng đi đúng quỹ đạo,  đáp ứng các yêu cầu đề ra./.

                                                                                                                                         Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông