Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong thời dịch CoVid-19: Trước bờ vực phá sản

16:58 16/06/2021

Hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trên địa bàn thành phốđang teo tóp dần bởi nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau. Thậm chí, hoạt động xe buýt đứng trước nguy cơ “chết nhanh” bởi“tử thần” có tên gọi dịch bệnh Covid-19 nếu không có sự “hà hơi”, tiếp sức từ cơ chế chính sách…

Kỳ I - Ngắc ngoi

Từ năm 2004-2007, thành phố Hải Phòng có 5 doanh nghiệp (DN) đầu tư khai thác hoạt động VTHKCC bằng xe buýt, với tổng số 141 đầu xe, đăng ký khai thác phục vụ trên 12 tuyến. 4/5 DN hoạt động lĩnh vực này là thuộc diện ngoài quốc doanh, đăng ký hoạt động 121/141 đầu xe ô tô, phục vụ 10/12 tuyến. Các DN này tự đầu tư tài chính, lãi hưởng, lỗ chịu, chưa có sự trợ giá từ ngân sách nhà của thành phố, chưa được hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp. Vậy nên, khi đó, Hải Phòng trở thành địa phương điển hình, đi đầu cả nước về công tác xã hội hóa nguồn đầu tư cho lĩnh vực VTHKCC.

Tuy nhiên, hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố chỉ “nở rộ” được khoảng 2-3 năm sau đó, rồi nhanh chóng rơi vào thế “chết yểu”, đặc biệt là loại hình xe buýt xã hội hóa, tốc độ rơi vãi, teo tóp nhanh hơn. Theo Sở Giao thông vận tải, từ năm 2008 đến nay, số lượng xe buýt giảm từ 141 chiếc xuống còn khoảng 110 chiếc và chỉ còn 7/12 tuyến vẫn được duy trì hoạt động. Trong số 7 tuyến đang hoạt động, 4 tuyến (tuyến số 01, 02, 16, 18) được đánh giá là ổn định vì  có cơ chế hỗ tài chính là trợ giá vé hoặc đặt hàng. Tuy nhiên thời gian sau đó, tần suất tuyến thưa dần, thời gian giữa các chuyến khéo dài  38 phút - 48 phút/chuyến, không đúng với quy định về VTHKCC. Các tuyến xe buýt đã buộc phải dừng hoạt động do không duy trì được tần suất, phương tiện đã hỏng, doanh nghiệp không thể tiếp tục đầu tư mua xe mới…

Theo phân tích, hiện trạng hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố rơi vào thảm cảnh “sáng nở chiều tàn” xuất phát bởi nhiều nhóm nguyên nhân. Một là, lĩnh vực vận tải hành khách nói chung chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như tác động của suy thoái kinh tế; giá xăng dầu, các loại đầu vào khác phục vụ hoạt động vận tải (thép, phụ tùng, vật tư, thiết bị) hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường quốc tế. Trong khi đó, “đầu ra”của loại hình VTHKCC chủ yếu là công nhân, người lao động có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên… đối tượng đầu tiên chịu tác động suy thoái kinh tế, dịch bệnh. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội, các doanh nghiệp làm VTHKCC bằng xe buýt hầu như không kịp “trở tay” vì mới đầu tư, chưa thể thu hồi vốn nên không có giải pháp thích ứng.

Hai là, các doanh nghiệp làm VTHKCC chưa đủ tiềm năng tài chính, chưa có điều kiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ bản thân doanh nghiệp, thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý chuyên ngành (DN VTHKCC làm theo kinh nghiệm vận tải hành khách đường bộ nói chung).

Ba là, cơ sở hạ tầng kỹ thuật công cộng của thành phố chưa đồng bộ, thậm chí còn chắp vá, thiếu thốn, không đúng tiêu chuẩn (bến xe, biển báo, nhà chờ); đường sá kém chất lượng làm cho phương tiện chóng xuống cấp, hỏng hóc, chi phí sửa chữa tăng cao.  Bên cạnh đó là vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngành khi đó rất mờ nhạt, thiếu sự hướng dẫn, kiểm tra. Đặc biệt việc chậm có cơ chế tài chính hỗ trợ đầu tư, trợ giá vé đối với hành khách đi xe buýt nhằm kích thích đầu tư phát triển xe buýt.

Hệ quả tất yếu của các nguyên nhân này làm cho VTHKCC bằng xe buýt rơi vào cảnh ngộ ngắc ngoải, teo tóp và đứng trước nguy cơ chết yểu.Minh chứng rõ nét nhất, Công ty CP Đường bộ Hải Phòng (thuộc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng) được giao quản lý, khai thác phục vụ 2 tuyến xe buýt số 1 và số 2; tổng phương số phương tiện đang hoạt động của cả 2 tuyến này là 40 đầu xe. Năm 2015, doanh thu 2 tuyến xe buýt (số 1 và số 2) của Công ty CP Đường bộ đạt khoảng 11,5 tỷ - 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh số sụt giảm hàng năm. Cụ thể, doanh số năm 2018 sụt xuống dưới 7 tỷ đồng và đến năm 2020 chỉ đạt hơn 5,5 tỷ đồng.

Sang năm 2021, tính đến ngày 15-6-2021 doanh thu cả 2 tuyến này mới chỉ đạt gần 1,7 tỷ đồng. Nguyên nhân bị sụt doanh thu thảm hại như hiện nay là do hành khách đi xe buýt thưa thớt; từ đầu năm 2021 đến nay lại chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của 4 lần dịch Covid-19 bùng phát, thành phố thực hiện việc giãn cách xã hội phòng chống dịch. Theo tính toán, trong 6 tháng cuối năm 2021 còn lại, nếu như không phải thực hiện dừng chạy xe để phòng chống dịch Covid-19, doanh thu cả năm 2021 của 2 tuyến xe buýt thuộc Công ty CP Đường bộ quản lý cũng chỉ đạt khoảng từ 3 tỷ - 3,5 tỷ đồng; sụt giảm khoảng gần 5 tỷ so với kế hoạch năm 2021 đặt ra.

Còntheo ông Hà Duy Hưng, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Thịnh Hưng – Doanh nghiệp tiên phong của cả nước trong lĩnh vực đầu tư VTHKCC bằng xe buýt, năm 2012, thành phố đã có 20 tuyến xe buýt, từ năm 2018 đến nay, chỉ còn 6 tuyến xe. Riêng Công ty Thịnh Hưng từ năm 2005 đến trước năm 2018 quản lý vận hành 7 tuyến, năm 2018 chỉ còn 2 tuyến duy trì hoạt động. Đã có nhiều doanh nghiệp VTHKCC bằng xe buýt thua lỗ, phá sản.

(Còn nữa)

Đoàn Lanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông