19:50 23/03/2014
Hơn 20 năm về trước, đúng ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1993), 62 đoàn viên ưu tú, tuổi đời mới chỉ mười tám, đôi mươi, đại diện cho tuổi trẻ thành phố Cảng đã tình nguyện xuống tàu đi xây dựng, kiến thiết huyện đảo Bạch Long Vĩ trước sự cảm phục của nhân dân thành phố. Để rồi sau hơn 2 thập kỷ hiến dâng hết thảy sức lực, trí tuệ, tuổi xuân vì biển đảo quê hương, tên tuổi của họ đã trở thành một phần máu thịt, tượng trưng cho sự hình thành, sức trỗi dậy mạnh mẽ của huyện đảo tiền tiêu - “Đảo Thanh niên”. Theo bước chân tình nguyện Vừa đặt chân lên âu cảng của huyện đảo cũng là lúc trời đã bắt đầu chuyển tối. Sau gần 7h đồng hồ vật lộn với những cơn sóng cấp 4, 5, đoàn quyết định thả bộ về nhà khách Liên đội TNXP huyện đảo. Đi trong làn mưa phùn lất phất bay, những cơn gió mùa cứ rít từng hồi rét thấu xương khiến mỗi thành viên trong đoàn đều thấm thía thế nào là sự dữ dội, khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đầu sóng, ngọn gió, với “cái rét quắt tai, cái nắng cháy lưng” mà cha ông ta thường kể?! Nhưng trên con đường dài rộng, kiên cố của âu cảng, dần dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Hình ảnh một góc phố rực rỡ ánh sáng của đèn điện với những ngôi nhà vang tiếng cười đùa của con trẻ, những khu công viên, trụ sở cao tầng, khang trang, hiện đại hiện ra, lung linh toả sáng... Thế mới biết sức người, sức trẻ, sức của những chàng trai, cô gái Liên đội TNXP Bạch Long Vĩ (Đơn vị thứ 2 sau Trung đoàn 952, vùng 1 Hải quân có mặt làm nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng huyện đảo) kỳ diệu biết nhường nào! Là một trong số 62 TNXP có mặt đầu tiên tại huyện đảo, đã trải qua hơn 20 năm sinh sống, gắn bó với con người, thiên nhiên mảnh đất nơi đây, anh Nguyễn Văn Hậu - Chỉ huy trưởng Liên đội TNXP Bạch Long Vĩ vẫn không khỏi bùi ngùi khi nhắc lại những năm tháng gian khó đã qua. Anh chia sẻ: Liên đội TNXP Bạch Long Vĩ được thành lập từ tháng 2-1993, theo QĐ 51 của Thành đoàn Hải Phòng. 62 cán bộ, đoàn viên đơn vị với 62 lá đơn tình nguyện xin đi TNXP tại huyện đảo tiền tiêu được TW Đoàn và Thành đoàn Hải Phòng giao phó trọng trách hết sức thiêng liêng. Đơn vị các anh vừa phải xây dựng “con người”, cơ sở vật chất hạ tầng, vận động nhân dân đất liền ra đảo sinh sống, lại vừa phải lao động, sản xuất để đảm bảo cuộc sống an sinh, tạo tiền đề xây dựng, phát triển huyện đảo, phối hợp với các lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Vừa thành lập được hơn 1 tháng, ngày 26-3, liên đội đã quyết định rời đất liền lên tàu ra huyện đảo nhận nhiệm vụ... “Những ngày đầu đặt chân lên huyện đảo, không có điện thắp sáng, nước ngọt khan hiếm, cuộc sống sinh hoạt của liên đoàn phụ thuộc hoàn toàn vào đất liền. Đã vậy, phương tiện liên lạc, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Chuyến tàu từ đất liền ra đảo và ngược lại phải mất 24h đồng hồ và phải 3 tháng mới có một chuyến. Suốt năm trời ngóng trông tin nhà, chúng tôi cũng chỉ nhận được 2,3 lá thư. Nhiều cán bộ, đoàn viên gia đình có việc gấp hiếu, hỉ cũng không về được...”, anh Hậu chia sẻ. Đời sống vật chất, tinh thần nghèo nàn, khó khăn, thiếu thốn. Đã có không ít lần các anh cảm thấy “yếu” lòng, muốn bỏ lại tất cả để được về lại với đất liền, về với mái ấm gia đình thân thương mà các anh ngày đêm thương nhớ. Nhưng với ý chí, quyết tâm bám trụ biển khơi, bầu nhiệt huyết sục sôi của tuổi trẻ “Đâu cần thanh niên có/ Đâu khó có thanh niên”, khát khao được tôi luyện, xông pha dạn dày nơi “đầu sóng, ngọn gió”, mà cội nguồn sức mạnh là tình yêu biển đảo thiêng liêng của tổ quốc đã tạo ra động lực mạnh mẽ giúp cán bộ, đoàn viên Liên đội TNXP không ngừng nỗ lực, đồng tâm, quyết chí, sẵn sàng đương đầu với mọi gian nan, thử thách, sát cánh cùng chính quyền, quân dân huyện đảo bảo vệ, xây dựng huyện đảo Bạch Long Vĩ ngày một đẹp giàu. Cho nên sau 21 năm, dưới bàn tay dựng xây của lớp lớp thế hệ TNXP, người khuân sỏi, cát, vác đá, đóng gạch, kẻ đắp đê, trồng rừng ngăn mặn, quây vùng thả cá..., từ một huyện đảo hoang sơ, sỏi cát, vắng bóng người, Bạch Long Vĩ đã “vươn mình” thay da đổi thịt, khoác lên mình màu xanh bạt ngàn của cây lá. Màu của rừng cây, sự sống sinh sôi, nảy nở với những thửa rau, vườn gà, đầm cá, chuồng bò... Hàng loạt các công trình, cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, nhà ở, trạm xá, trường học, trụ sở, trạm hải đăng, toà án, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá thương mại, nhà khách... lần lượt được mọc lên khang trang, kiên cố, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu của quân dân trên đảo. Chỉ trong 21 năm, liên đội đã trồng được 78ha rừng phòng hộ phủ xanh đất trống đồi trọt, 10.000 cây ăn quả, nhận chăm sóc, bảo vệ 128ha rừng trên toàn đảo, xây dựng hệ thống công viên cây cảnh TNXP với tổng diện tích 7.000m2..., góp phần mang lại cho huyện đảo một cảnh quan mới, căng tràn sức trẻ. Phong trào tăng gia lao động, sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống phát triển rầm rộ. Nhiều năm nay, liên đội đã có thể tự cung ứng rau xanh, một số loại thịt gia súc, gia cầm như: bò, chó, gà... Làng TNXP phát triển khá đông, không có hộ đói nghèo. Tổng thu nhập bình quân đạt 35 triệu/hộ/năm. Đảo cho tôi tất cả... Vui nhất là số dân sinh sống định cư trên huyện đảo đã không ngừng gia tăng. Đặc biệt, trên mảnh đất đầy gió, cát này lại vô cùng “bén duyên” nam nữ. Trong số 62 TNXP đầu tiên ra đảo, đã có 45 cán bộ, chiến sĩ xây dựng gia đình và lập nghiệp tại huyện đảo. Anh Hậu cũng là một trong số đó. Ra huyện đảo được gần 1 năm, trải qua những tháng ngày khó khăn, gian khổ nhất của cuộc đời, được cùng sống, lao động, rèn luyện với anh em đồng đội, anh Hậu đã nên nghĩa vợ chồng với một nữ TNXP cùng quê. Hiện vợ chồng anh đã có 2 cháu trai. Được nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện giúp đỡ nên cả 2 cậu con trai của anh chị đều đang được theo học trong nội thành: 1 học lớp 12 Trường THPT Thái Phiên, 1 học lớp 6 THCS Cát Bi...
Là cựu TNXP, hết thời gian công tác đã hơn 10 năm nay nhưng gia đình ông Vũ Tiến Xê, 55 tuổi, gốc người xã Tiên Minh, Tiên Lãng, vẫn ngày ngày gắn bó với huyện đảo. Ông Xê chia sẻ: Ông là con thứ 6 trong một gia đình thuần nông, có 7 anh, chị em. Năm 1993, được tin nhà nước có chính sách ưu tiên, kêu gọi thanh niên đi xây dựng huyện đảo mới, thế là ông Xê viết đơn tình nguyện đi TNXP. Lúc đó ông Xê đã 33 tuổi. Ban đầu ông chỉ dự định thử sức mình ở một môi trường mới, cố gắng chăm chỉ làm ăn, hoàn thành nhiệm vụ, tiết kiệm lấy ít vốn để về quê. Nhưng cũng như bao anh, chị em khác, trải qua những năm, tháng “bất khuất” giữa đảo xa, tình người, sự gắn bó giữa các thành viên trong liên đội cứ thế ngày một lớn dần lên trong ông. Rồi tình yêu lứa đôi cũng từ gian khó, đói khổ, sự mặn mòi của đảo xa đã nảy nở, đơm hoa kết trái. Sau 4 năm sát cánh cùng đồng đội, năm 37 tuổi, ông Xê quyết định kết hôn với 1 nữ TNXP - chị Đồng Thị Lan, người Kiến Thuỵ. Sau khi kết hôn, sẵn có sức khoẻ trong tay, lại ham học hỏi, cộng với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của đơn vị và các cấp chính quyền, vợ chồng ông Xê tranh thủ tận dụng thời gian, làm kinh tế hộ. Từ chỗ rau xanh không đủ ăn, nước ngọt không đủ uống, đến nay vợ chồng ông Xê đã thành lập được một công ty xây dựng tư nhân riêng, nhận san lấp, xây dựng tất cả các công trình công cộng, dân sinh. Không chỉ có thế, vợ chồng ông còn tham gia vào việc thu mua, buôn bán thuỷ, hải sản từ đảo về đất liền. Và chỉ tính riêng dãy nhà tắm nóng lạnh cho thuê, trung bình một ngày có 200 đến 300 lượt khách đến tắm, 20 nghìn đồng/lượt cũng mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khá lớn. “Cuộc sống của gia đình tôi giờ đây đã đủ đầy, không kém gì so với đất liền. 2 con tôi đều khoẻ mạnh, chăm ngoan, đang theo học phổ thông trong nội thành... Huyện đảo đã cho chúng tôi tất cả. Bạch Long Vĩ mãi mãi nhà của gia đình tôi...”, ông Xê nói. “Sóng sau tiếp sóng trước”, giờ đây khi đến với Bạch Long Vĩ gặp và trò chuyện với bất cứ người dân nào, nhất là những TNXP tuổi đời vẫn còn rất trẻ, tuổi quân mới được tính bằng tháng, như em Thuỳ (21 tuổi) - Vĩnh Bảo, Lâm (21 tuổi) - Thuỷ Nguyên, đến em Như (20 tuổi) - Hà Tĩnh..., chúng tôi cũng đều được nghe những suy nghĩ, cảm nhận giống nhau: “Huyện đảo thực sự là ngôi nhà thứ 2... Sống quen rồi yêu, cứ xa là nhớ! Chỉ cần về nghỉ phép đến ngày thứ 3, 4 thôi là dạ đã cồn cào nỗi nhớ, chỉ muốn được ra đảo ngay thôi. Ở đây, mọi người sống đầm ấm, chan hoà, gắn bó, ai nấy đều yêu thương, đùm bọc nhau như anh, chị em ruột thịt. Khắp đảo đâu đâu cũng có bạn...”. Vị thế của huyện đảo Bạch Long Vĩ đang ngày một nâng cao. Đảo tiền tiêu xa xôi của tổ quốc đã, đang và sẽ mang lại cho những ai biết yêu, quý, kiên trì bám trụ với đảo như những người lính TNXP nơi đây không đơn thuần chỉ là cuộc sống đủ đầy mà là nghị lực, niềm tin, tình yêu và hạnh phúc... Khánh Chi - Minh Hương |
16:33 22/12/2024
14:01 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết