Vào vụ giúp việc “ông tơ bà nguyệt”

10:10 03/09/2022

Qua tháng Ngâu, tháng 8 âm lịch được coi là khởi điểm mùa cưới hàng năm, bên cạnh những nét văn hóa, tinh thần làm đẹp cho hạnh phúc đôi lứa, thị trường hàng hóa và nhiều dịch vụ ăn theo cũng nhờ vậy mà được kích cấu. Trong đó, khi đời sống kinh tế ngày càng phát triển, dịch vụ cưới cũng thành đa dạng hình, ngày càng khẳng định là một phân ngành kinh tế không thể thiếu.
Các trung tâm dịch vụ tiệc cưới ở Hải Phòng sẵn sàng cho vụ mùa mới.

           Người Việt có tục cưới từ rất lâu, được mô tả trong truyện Hồng Bàng rằng: “Từ thủa nước Văn Lang, chưa có trầu cau, việc hôn thú giữa nam nữ lấy gói đất làm đầu, sau đó mới giết trâu dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để nhập phòng cùng ăn, rồi mới động phòng”. Với ý nghĩa gìn giữ giống nòi từ bao đời được tôn vinh thành truyền thống, lễ “cưới” hay còn gọi tục là “hôn”, được coi là trọng đại bậc nhất của một đời người. Cũng kể từ đó, dịch vụ cưới hỏi đã xuất hiện.

          Ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội văn minh, nhiều tập tục giản tiện gộp chung thành mấy lễ như “dạm ngõ”, “đính hôn” (ăn hỏi) và “thành hôn” (nhà gái gọi là vu quy). Trong đó, lễ hỏi thường là rất trang trọng, nhưng hoành tráng hay không phải phụ thuộc vào nhận thức của từng gia đình, dù không có thách cưới nhưng nhà trai vẫn tự nguyện sắm lễ vật.

          Đây cũng là khế ước mà lễ vật đóng vai trò “thế chấp” giữa hai nhà, dù quà được chia phần gửi cho bạn bè họ hàng, nhưng nếu hôn sự bất thành thì nhà gái phải trả đồ “cầm cố” cho nhà trai, cũng là trả lại tự do cho chính mình. Ở Hải Phòng hiện nay việc tổ chức lễ hỏi nhiều khi rất hoang phí, có nhà nghèo cũng cố bày vẽ để mang nợ vào thân.

          Phần thực hiện khế ước đồng thời cũng là lễ cơ bản nhất là ngày cưới. Bởi vậy dù ở thời gian, địa vị hay tầm tri thức nào thì lễ thành hôn cũng được quan tâm đặc biệt. Thường thì ngày này vượt qua khuôn khổ lễ và được nâng tầm thành hội, để hai họ gặp gỡ liên hoan. Tập lệ pháp này cũng được công nhận điều chỉnh trong chế độ nghỉ ngơi đối với công nhân, công viên chức, người lao động… của Bộ luật lao động.

          Ở nội thành, vì diện tích chật hẹp nên mấy năm nay hầu hết đám cưới được tổ chức một buổi, có khi hai họ thuê chung một điểm. Còn ở nông thôn phức tạp hơn, ngoài tiệc rượu chính thì trước đó còn có vài chục mâm cỗ gọi là “áp rạp”,  nhạc nhĩ quay cuồng dành cho họ hàng, bạn bè lân cận.

          Để lo cho chuyện cưới hỏi, điều đầu tiên phải làm là xem tuổi có hợp nhau không, có bị “kim lâu” không, ngày nào ăn hỏi, ngày nào rước dâu? Nói về điều này,  bà V. ở đường Trường Chinh (Kiến An) chuyên vận tử vi, bấm ngày tốt xấu bộc bạch: “Chọn ngày giờ tốt để trời đất chứng kiến cho âm dương giao hoà, nam nữ hợp cẩn lúc động phòng, nghĩa là trai gái đối với nhau còn trong trắng...”.

          Rồi bà cười dí dỏm: “Nhưng nhiều đám bụng to vượt mặt cũng đi xem ngày, cứ vào nhà nghỉ hay ra gốc chuối động từ bao giờ rồi thì xem còn có ý nghĩa gì..?”. Lời bà V.  kể ra cũng chí lý.

          Những việc liên quan đến ngày cưới thường được dựng như một kịch bản thực thụ, lo chọn ngày, giờ rước râu, mua sắm giường màn, nhẫn cưới, lập danh sách khách mời, in thiếp, đặt lễ, thuê xe hoa, hội trường, cỗ cưới, âm nhạc… và cả hạch toán trước cho chuyện thu chi lỗ lãi. Nhưng cũng vì lằng nhằng phức tạp mà không phải nhà nào cũng có kinh nghiệm, từ đó các dịch vụ liên quan được dịp hình thành và ngày càng có xu hướng phát triển lan rộng.

Đội ngũ phục vụ đưa đón lễ hầu hết là sinh viên luôn nhiệt tình phục vụ các đám cưới.

          Trong muôn vàn thứ nghề kiếm sống, dịch vụ cưới hỏi có thể coi là khá đặc thù, bởi người làm nghề không chỉ giỏi kinh doanh, có đam mê, mà cần cả tố chất của nghệ sỹ, vừa làm đạo diễn, vừa làm biên kịch, đôi khi kiêm luôn cả diễn viên. Theo ông T. - Giám đốc một trung tâm dịch vụ cưới hỏi, thì việc đầu tư cho toàn bộ đám cưới rất tốn vốn mà dễ bị tụt hậu, nên việc tổ chức để làm dịch vụ cũng như mô hình hợp tác xã, mỗi người lo một thứ.

          Dịch vụ cưới hiện được chia thành nhiều gói cơ bản như: lễ hỏi gồm rạp hoa, bánh trái, áo dài đón lễ, trang trí, âm thanh… lễ cưới lại phân thành âm thanh, ca nhạc, chủ hôn, quay video, chụp ảnh… rồi áo cưới, trang điểm, xe hoa, hội trường, cỗ cưới… Những thứ như giường ga gối đệm, màn the, nhẫn cưới hay thiếp mời, thường thì cô dâu chú rể thích tự lo.

          Giường ga gối đệm, màn the đa dạng, trên địa bàn Hải Phòng gần như khu vực nào cũng sẵn, nếu không trực tiếp chọn thì đã có dịch vụ online và nhân viên đến tận nhà lắp đặt theo nhu cầu.

          Nhẫn cưới bày bán la liệt trên phố Cầu Đất, vàng ngọc long lanh tầm vài trăm nghìn đồng đến tiền triệu, muốn mãn ý thì đặt trước có khi tới vài chục triệu đồng.

          Còn thiếp cưới thì phố Lê Lợi vẫn có dịch vụ phong phú nhất, loại bán sẵn cũng nhiều mẫu mã đẹp giá rẻ chỉ từ vài nghìn đồng/tấm, nhưng chỉ dành cho những người không cầu kỳ hoặc nghèo, còn phổ biến vẫn được đặt in.

          Một chủ tiệm in bật mí: “Mẫu in thực ra đã có phôi sẵn, khách chọn xong chỉ bắn thêm tên người, địa chỉ, thời gian nên cũng rẻ, xương xẩu nhất là họ tự thiết kế, vừa tốn kém lại không đẹp vì công nghệ in ở Hải Phòng còn hạn chế”.

          Chuẩn bị cho lễ hỏi nếu gia đình hôn sự không tự làm thì có thể đặt dịch vụ từ “A” đến “Z”. Chỉ cần nêu ý tưởng lập tức sẽ được đáp ứng đầy đủ số lượng trang trí hoàn tất kèm theo hướng dẫn các thủ tục nghi thức.

          Nhiều nhà neo người không chọn được đội hình “kim đồng ngọc nữ” đội và đón lễ thì thuê luôn cả người, giá áp cho sinh viên khoảng 150 nghìn đồng/người trở lên, giá người mẫu thì cao hơn nhiều.

          Nói về điều này, một sinh viên trường Đại học Hàng Hải cho biết: “Chỉ cần gọi điện em sẽ cung cấp đủ đội hình, quần áo con trai đơn giản nhưng con gái tốn hơn vì son phấn áo dài tốn khá nhiều tiền”.

          Nhưng quan trọng bậc nhất là kịch bản cưới, giá từ 1 triệu đến 3 triệu đồng, hiện nay rất nhiều người vừa đảm nhiệm việc này vừa làm chủ hôn, vừa đạo diễn và nhận phần sính lễ.

          Ông T. chia sẻ: “Thuê dựng kịch bản rẻ hơn tự làm lấy, vì nhiều nhà không biết việc nên vừa mất thời gian vừa tốn tiền”. Đơn giản những tình tiết nhỏ như trao lễ cưới, rót rượu, chào khách, bái lễ tông đường… nếu không “đạo diễn” tốt mà để lóng ngóng dễ làm ngày cưới mất vui.

          Lĩnh vực ca-nhạc-âm thanh cũng được kết thành một mối, hiện số lượng ca sỹ từ các đoàn nghệ thuật trên địa bàn Hải Phòng tham gia hát đám cưới rất đông.

          Khoản áo cưới thường được kèm theo xe hoa, chụp ảnh, trang điểm… thuê trọn gói dịch vụ rẻ nhất cũng 8 triệu đồng, còn thuê mỗi bộ áo cưới đẹp (khuyến mại trang điểm) có giá từ vài triệu đồng.

          Ở vùng dân cư thu nhập thấp, một số tiệm tiết kiệm “thanh lý” váy cũ cho thuê lại với giá rẻ hơn, giá chỉ một vài triệu đồng gồm cả trang điểm, áo dài cho phù dâu. Còn ảnh thì đã có dàn thợ có kinh nghiệm chụp đám cưới, dàn dựng chi tiết đến tận lúc… lên giường.

          Khâu tổng kết và là thủ tục hoành tráng nhất là buổi công diễn tại hội trường, dịch vụ này mấy năm nay bùng nổ khắp thành phố, gần như khách sạn nhà hàng nào cũng có, cả sự tham gia của những khách sạn sang trọng nhiều “sao”.

          Hôn chủ chỉ cần đặt cọc một khoản tiền nhỏ, còn toàn bộ vốn do bên dịch vụ lo, khi hôn lễ kết thúc bóc phong bì mừng mà gom tiền thanh toán. Các chủ hội trường còn tư vấn cho từng nhà, tuỳ theo điều kiện quan hệ mà đặt theo quy mô nào để khỏi bị… lỗ.

          Ở nông thôn điều kiện đất vườn rộng rãi và còn lệ thuộc vào tập quán dòng họ nên nhiều nơi vẫn mổ lợn tự cung, nhưng cũng không tránh được sự hấp dẫn từ các dịch vụ cho thuê bát đĩa, bàn ghế, rạp, nhạc, âm thanh, ánh sáng…        

          Nhận xét về dịch vụ cưới hỏi hiện nay, ông T. khẳng định: “Thứ gì cũng có, cứ bỏ tiền ra là được đáp ứng, kể cả… đẻ thuê”.         

          Lê Minh Thắng                                                               

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông