15:14 20/11/2017 Về trường THCS Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) hôm nay đã khang trang, với nhiều thành tích nổi bật trong dạy và học, ít ai biết cũng tại nơi này năm xưa, các cô giáo trẻ đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn của thời chiến để hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy tốt - học tốt và vinh dự được đón nhận thư khen ngợi của Bác Hồ kèm tấm hình chân dung của Người...
Tập thể giáo viên trường Vĩnh Niệm xưa
Gieo con chữ dưới mưa bom
Thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Niệm cho biết, 2 năm trước (năm 2015), nhà trường vừa kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Nhà trường đã đón các cô giáo từ ngày mới lập trường, nay cũng đã tuổi ngoại thất thập... Sau ngày Hải Phòng giải phóng (13-5-1955), ngành giáo dục Hải Phòng được thành lập. Trên địa bàn xã Vĩnh Niệm lúc này mới chỉ có trường cấp 1, học sinh cấp 2 phải sang học nhờ ở trường cấp 2 Dư Hàng Kênh. Năm 1965, những năm đầu nhân dân Hải Phòng cùng miền Bắc chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ; đồng thời bắt tay vào xây dựng CNXH, xã Vĩnh Niệm là một trong những nơi tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp, kho bãi... được sơ tán từ nội thành ra.
Một bộ phận đồng bào trong phố cũng được chuyển về đây sinh hoạt để tránh các cuộc ném bom, oanh kích của máy bay Mĩ. Chính vì thế, nhu cầu cấp thiết lúc này là phải có một trường cấp 2 tại địa phương để con em nhân dân ở đây cùng con em đồng bào sơ tán về có chỗ học tập. Trong bối cảnh đó, Ủy ban hành chính huyện An Hải ra quyết định thành lập Trường phổ thông cấp 2 Vĩnh Niệm vào tháng 9-1965.
Năm học đầu tiên 1965-1966, chính quyền và nhân dân địa phương dồn sức cùng cô trò nhà trường “biến” ngôi đình thôn Cát và 2 gian nhà lá vốn là văn phòng để sinh hoạt, hội họp trở thành 3 phòng học. Ngay cạnh các phòng học là hệ thống các giao thông hào, hầm trú ẩn được cô và trò lao động đào đắp sau các giờ lên lớp. Cả trường chỉ có 8 giáo viên, 4 lớp với tổng số hơn một trăm học sinh.
Những năm tháng gian nan, nhưng đầy tự hào ấy còn đọng lại mãi mãi trong tâm trí những người học trò nhỏ năm nào, nay ai cũng đã tuổi ngoại lục tuần. “Năm 1967 là năm ác liệt nhất. Dọc tuyến đê từ cầu Niệm đến cầu Rào bị máy bay Mỹ thả bom bi suốt ngày đêm. Song ngay dưới mưa bom, tối tối cô trò bảo nhau tập trung về lớp thắp đèn để học, khi nào báo có may bay thì lại xuống hầm tránh bom...”, bà Đặng Thị Nhán, nguyên Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Niệm, khi đó mới là học sinh lớp 6 của trường kể lại.
Kỷ niệm mà bà Nhán nhớ nhất là, có một hôm đúng vào tiết học của cô giáo Mai thì có báo động máy bay Mỹ ném bom. Như thường lệ, cô trò lại ùa xuống hầm tránh. Đến khi báo an, cô trò lục tục trở lại lớp học, bỗng cô giáo nghe thấy tiếng lục xục dưới chân mình. Thì ra, có một học trò tránh bom, nằm ngay dưới... bục giảng.
Các cô giáo “ba đảm đang”
“Năm đó, trường chỉ toàn cô giáo. Cả 8 cô đều còn rất trẻ, chỉ mới có 1 cô đã lập gia đình. Song các cô đã hết lòng với công việc dạy học...”, bà Nhán nhớ lại. Cuộc sống của cô trò trường cấp 2 Vĩnh Niệm trong ký ức của người học trò năm nào là một cuộc sống như một gia đình. Khi đó, các cô giáo trẻ dù ăn uống kham khổ, thậm chí là tự sửa sang lớp học vẫn yêu nghề.
Các cô đến tận nhà vận động các gia đình cho con đi học. Hàng ngày, các cô còn bố trí thời gian đưa đón học sinh đến lớp. Có cô còn dành phần ăn, nấu mỳ sợi cho học sinh ăn khỏi đói trong những tiết học. Khi đó, trước tình cảm sâu sắc mà các cô dành cho, các lớp học trò càng không ngừng cố gắng, quyết không bỏ dở việc học hành. Cũng vì vậy, rất nhiều học trò trong đó đã trưởng thành trong cuộc sống sau này.
Một phong trào thi đua sôi nổi "dạy tốt, học tốt, lao động chăm" lan tỏa mạnh mẽ trong nhà trường. Phong trào tự làm đồ dùng dạy học, cải tiến cách soạn, cách dạy sao cho có chất lượng cao, học sinh nắm và hiểu bài ngay trên lớp được các cô tự khởi xướng và thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả.
“Khoảng 2 năm sau, khi phong trào Ba đảm đang được phát động mạnh mẽ trong các phong trào phụ nữ trên toàn quốc và thành phố Hải Phòng, báo chí đã viết về Trường cấp 2 Vĩnh Niệm với ấn tượng là một ngôi trường có toàn giáo viên nữ, lại khắc phục khó khăn, đạt thành tích cao.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc được, Người đã gửi thư khen...”, bà Nhán nói. Năm học 1968-1969, do có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Hai tốt"; tự làm đồ dùng giảng dạy; cải tiến cách soạn - giảng lên lớp; tham gia các hoạt động xã hội, sản xuất ở địa phương... Trường cấp 2 Vĩnh Niệm vinh dự được đón nhận thư khen ngợi của Bác Hồ kèm tấm hình chân dung của Người với dòng chữ: "Bác mong các cô giáo thi đua dạy càng ngày càng tốt hơn nữa. Các cháu học trò thi đua càng ngày càng giỏi hơn nữa. Bác mong các trường khác thi đua với Trường Vĩnh Niệm".
Được sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự giúp đỡ của nhân dân, và đặc biệt là sự tận tâm, yêu nghề của các cô giáo, ngôi trường đã tồn tại và tiếp tục phát triển trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề. Những năm tiếp theo, số học sinh ngày một tăng lên gần 300 em với 10 lớp. Cơ sở vật chất nhà trường được cải thiện, có thêm 3 phòng học mới (ở thôn Niệm, thôn 5 và thôn Cát).
Nhà trường được phòng giáo dục huyện, sở giáo dục thành phố khen ngợi, đánh giá cao. Nhiều năm liền, từ 1966 đến 1974, trường đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp thành phố; tỉ lệ học sinh lên lớp đạt 100%, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cấp 2 đạt 99,5% trở lên. Đặc biệt, trường được liên tục công nhận là trường "ba đảm đang"; cô giáo hiệu trưởng Bạch Tuyết Nhung được suy tôn, nêu gương người tốt - việc tốt trong toàn ngành...
HẢI HẬU
09:15 15/01/2025
22:44 09/01/2025
08:23 09/01/2025
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh