Vì sao tỷ lệ cây sống sau trồng thấp

16:52 11/12/2014

 

Lãnh đạo thành phố và huyện Vĩnh Bảo trồng cây tại Khu di tích trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Lãnh đạo thành phố và huyện Vĩnh Bảo trồng cây tại Khu di tích trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Thành phố đã bỏ ra gần 7 tỷ đồng mua 170.082 cây xanh các loại trồng tại 15 quận (huyện) để thực hiện Đề án trồng cây lâm nghiệp phân tán năm 2013 và tết trồng cây Giáp Ngọ 2014 (gọi tắt là đề án trồng cây phân tán). Tuy nhiên, qua 2 năm triển khai, tỷ lệ cây trồng sống đạt thấp, đặc biệt là giống dừa xiêm lùn. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng nêu trên?

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tổng số lượng cây phân tán đã trồng theo đề án trồng cây phân tán toàn thành phố là 170.082 cây (năm 2013 là 106.461 cây, còn lại là năm 2014). Trong đó, trồng cây bóng mát các loại là 94.883 cây, cây dừa xiêm lùn 51.260 cây, cây ăn quả khác là 23.903 cây với tổng kinh phí ngân sách thành phố gần 7 tỷ đồng.

Các cây được trồng chính gồm: phượng vỹ, lát hoa, xà cừ, keo, bằng lăng, hoa sữa, muồng hoa vàng, phi lao, nhãn, xoài, vú sữa, khế, sấu, dừa xiêm lùn… với chiều cao trung bình từ 1 đến 2,5m, riêng giống dừa được nhập từ tỉnh Bến Tre ra. Địa điểm trồng tại các khu vực đất công ven đường giao thông liên huyện, liên xã, liên thôn, bờ mương; khuôn viên các công trình văn hóa, tín ngưỡng, khu di tích lịch sử, trụ sở UBND, trường học, trạm y tế và trong doanh trại các đơn vị lực lượng vũ trang; bờ đầm nuôi trồng thủy sản, ven đê…

Việc triển khai trồng cây thực hiện theo đúng quy định từ khâu triển khai lập kế hoạch thống kê, kiểm ra tỷ lệ sống của cây. Tuy nhiên, qua khảo sát tại các địa phương thì tỷ lệ sống cây trồng phân tán thấp, trong đó tỷ lệ giống dừa chiếm 26,6%- 36,6%. 

Theo kết quả kiểm tra liên ngành do Sở NN&PTNT chủ trì tại 6 huyện trọng điểm trồng cây phân tán gồm: An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên và An Dương cho thấy, đối với những cây trồng trong khuôn viên công sở, vụ xuân - thu thì tỷ lệ cây sống cao (trung bình 75%) còn lại tỷ lệ sống rất thấp. Điển hình, trong 2 năm 2013-2014, huyện Kiến Thụy được thành phố phân bổ trồng 15.379 cây, ngoài điểm trồng cây ở khuôn viên công sở đạt tỷ lệ sống cao thì các địa điểm khác cây sống rất thấp, đạt 20% trồng tại đường giao thông và đặc biệt tỷ lệ sống của dừa chỉ được 10%.

Ngoài số lượng phân bổ cây của thành phố, huyện Tiên Lãng cũng trồng hàng nghìn cây dừa tại 2 bên tuyến đường 212 và các đường liên huyện, xã. Với mục đích bảo vệ cây, huyện đã giao cho xã quản lý, hộ ven đường chăm sóc, bảo vệ cây nhưng tỷ lệ cây sống vẫn thấp. Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Thấm - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Lãng cho rằng, ngoài nguyên nhân do người dân nhổ cây về nhà trồng hoặc phá bỏ do cây trồng làm ảnh hưởng đến canh tác lúa và đi lại thì số cây bị gia súc phá hoại cũng lớn. Cụ thể, hàng chục cây dừa được trồng tại tuyến đường cầu Nêu (xã Quang Phục) bị đàn Dê phá hoại. Tình trạng đốt rơm sau khi thu hoạch tại bên lề các trục đường cũng làm cây trồng chết.

 Theo phản ánh của các địa phương, được biết do nguồn cây giống dừa vận chuyển xa (từ tỉnh Bến Tre về Hải Phòng) với số lượng lớn nên khó kiểm soát về tiêu chuẩn chất lượng cây giống, cây không có bầu nên ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cây trồng, làm giảm tỷ lệ cây sống sau trồng. Ngoài giống dừa, hiện Trung tâm giống và phát triển nông lâm nghiệp công nghệ cao cung ứng giống cây bóng mát với chủng loại, chất lượng cây theo đề án.

Thế nhưng, qua kiểm tra cho thấy tiêu chuẩn giống chưa phù hợp (cây còn nhỏ) nên tỷ lệ sống của cây không cao do chịu tác động của con người, vật nuôi, bão gió. Bên cạnh đó, do trồng cây vào thời điểm vụ Thu (đặc biệt những tháng thời tiết hanh khô) nên cây trồng sinh trưởng phát triển kém, tỷ lệ cây chết nhiều. Vấn đề then chốt là tại một số địa phương không tổ chức giao thầu và ký hợp đồng giao khoán cụ thể công tác trồng, chăm sóc bảo vệ và quy chế hưởng lợi cho các tổ chức, cá nhân trồng cây bóng mát trên diện tích đất công như: đường giao thông, đường trục nội đồng, kênh mương…, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”…

Thiết nghĩ, từ những nguyên nhân trên, các địa phương, đơn vị khi thực hiện kế hoạch trồng cây phân tán cần sớm nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn.

Trung Kiên 


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông