Viện Y học biển cấp cứu thành công 4 bệnh nhân ngộ độc khí CO nặng, nguy kịch

20:23 11/09/2024

Khoảng 8h30 sáng ngày 9/9, Viện Y học biển đã tiếp nhận 4 trường hợp bệnh nhân ngộ độc khí CO (trong đó, 3 trường hợp được chuyển đến từ bệnh viện Bãi Cháy và 1 trường hợp từ bệnh viện tuyến thành phố ).

 Qua khai thác bệnh sử từ lời kể của người nhà và nhân viên y tế tuyến trước, cả 4 trường hợp này được chẩn đoán ngộ độc CO với cùng một nguyên nhân do sử dụng máy phát điện chạy bằng xăng. Cụ thể, đối với 3 trường hợp từ bệnh viện Bãi Cháy chuyển sang, do mất điện sau cơn bão số 3, gia đình bệnh nhân đã dùng máy phát điện bằng xăng (để ở tầng 1 ở trong nhà từ 8h tối hôm trước). Đến khoảng 8h sáng ngày 9/9/2024, tại phòng ngủ tầng 3 đóng kín, người nhà phát hiện 2 bệnh nhân (nam 12 tuổi, nữ 24 tuổi) trong tình trạng bất tỉnh, gọi hỏi không trả lời. Bệnh nhân được người nhà sơ cứu trong khoảng 10 phút rồi đưa đến cấp cứu ở bệnh viện Bãi Cháy.

Các bác sĩ ở Viện Y học biển Việt Nam tiến hành cứu chữa bệnh nhân bị ngộ độc khí CO do chạy máy phát điện bằng xăng

Cả 2 bệnh nhân được xử trí đặt ống nội khí quản cấp cứu và chuyển tuyến sang Viện Y học biển trong tình trạng: Hôn mê sâu (Glasow 8 điểm), thở qua bóp bóng nội khí quản. Xét nghiệm khí máu có nồng độ HbCo > 10%. Đồng thời, mẹ của bệnh nhi 12 tuổi (sống cùng nhà) cũng có các biểu hiện ngộ độc CO (chóng mặt, đau đầu, buồn nôn nhiều) nên cũng được chuyển đến Viện Y học biển để điều trị.

Cùng thời gian đó, Viện Y học biển tiếp nhận 1 trường hợp ngộ độc khí CO từ bệnh viện tuyến thành phố chuyển sang. Nguyên nhân cũng do gia đình sử dụng máy phát điện để trong nhà (từ 0h00 ngày 9/9/2024). Đến khoảng 3h sáng, gia đình thấy trẻ có biểu hiện lơ mơ, gọi hỏi không đáp ứng nên đã đưa trẻ đến cấp cứu tại Bệnh viện đã khoa huyện Vĩnh Bảo, sau đó được chuyển đến bệnh viện tuyến trên cấp cứu và tiếp tục được chuyển đến Viện Y học biển trong tình trạng còn lơ mơ (glassgow 10 điểm), có lúc kích thích căng cứng cơ toàn thân.

Các bác sĩ ở Viện Y học biển Việt Nam tiến hành cứu chữa bệnh nhân bị ngộ độc khí CO do chạy máy phát điện bằng xăng

Sau khi hội chẩn với GS.TS Nguyễn Trường Sơn – Chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực Y học dưới nước và oxy cao áp, các bệnh nhân được chỉ định cho điều trị bằng phương pháp hồi sức cao áp (Hồi sức kết hợp với oxy cao áp) theo phác đồ VINIMAM 4 (do Viện Y học biển Việt Nam nghiên cứu). Trong buồng cao áp, các nạn nhân vẫn tiếp tục giãy giụa rất nhiều. Bệnh nhân được tiếp tục truyền dịch, bù điện giải, nước và thuốc chống co giật kết hợp với oxy cao áp (OXCA). Sau 30 phút điều trị, các bệnh nhân đỡ co giật và tiến triển tốt dần lên. Sau ca điều trị đầu tiên, tình trạng các bệnh nhân cải thiện rõ rệt và đang phục hồi tốt.

Thời điểm sau cơn bão Yagi hoành hành gây sự cố mất điện trên diện rộng, nhiều gia đình sử dụng máy phát điện để duy trì sinh hoạt. Các bác sĩ khuyến cáo người dân sử dụng máy phát điện nên để ở phòng có luồng không khí lưu thông để khí thải thoát ra ngoài, không để trong phòng kín, hoặc máy phát điện nên để riêng biệt với khu phòng ở. Khi phát hiện người bị ngạt khí CO với các dấu hiệu như buồn nôn, nhức đầu, yếu người, khó thở, tinh thần lơ mơ, cần nhanh chóng mở hết tất cả cửa để không khí tràn vào nhà; đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

VŨ DUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông