Vở chèo “Đồng tiền Vạn Lịch”: Kịch bản sáng tạo từ tích truyện cũ

17:14 22/10/2017

Mới đây, Đoàn chèo Hải Phòng đã có buổi diễn báo cáo Hội đồng nghệ thuật và khán giả vở diễn “Đồng tiền Vạn Lịch”, một vở chèo cổ được xây dựng kịch bản dựa trên tích truyện văn học dân gian. Ngay trong buổi diễn báo cáo, vở chèo “Đồng tiền Vạn Lịch” đã nhận được nhiều lời ngợi khen từ Hội đồng nghệ thuật cũng như khán giả. Hiện Đoàn chèo Hải Phòng vẫn đang tích cực hoàn thiện để nâng cao chất lượng cho vở.

Mối nhân duyên éo le

         “Đồng tiền Vạn Lịch” là bức tranh cuộc sống của người dân Bến Hạ ở bên bờ sông Cả. Đây cũng là nơi se duyên cho Vạn Lịch (diễn viên Thanh Bình) và Ngọc Mai (diễn viên Hương Huế). Cha mẹ Ngọc Mai trước đây từng là bạn buôn bán với Vạn Lịch, vì gặp nạn mà Ngọc Mai bơ vơ, phải sống trong nhà Phú ông, một kẻ hám tiền của. Và chính Vạn Lịch, vì cảm thương, yêu mến Ngọc Mai mà đã tìm đến để kết duyên cùng nàng khi Phú ông thông báo cùng lúc kén rể cho cả con gái hắn, Kim Xuân,và Ngọc Mai. “Kẻ tham tiền dùng tiền là được”, bằng tiền vàng, Vạn Lịch đã cứu được Ngọc Mai ra khỏi chốn tù túng, giả nhân giả nghĩa bấy lâu và nên duyên vợ chồng từ đó.

          Nhưng cũng vì tình yêu, vì ghen tuông mù quáng mà Vạn Lịch đã đuổi vợ ra khỏi nhà. Cơ sự là khi chàng khờ Đỗ Bở (diễn viên Văn Mởn) đi đánh giậm ở ngay gần nơi đậu thuyền của vợ chồng Vạn Lịch, không may bị cảm. Khi ấy chỉ có Ngọc Mai ở trên thuyền. Nàng đã đưa Đỗ Bở lên thuyền nghỉ ngơi và săn sóc. Vạn Lịch bắt gặp cảnh đó mà nghi ngờ lòng thủy chung của vợ, đưa cho nàng một thỏi vàng và đuổi đi. Bị chồng đoạn tuyệt, Ngọc Mai quyên sinh nhưng không thành, may mắn gặp lại Đỗ Bở cứu giúp và về ở cùng chàng khờ trong túp lều tranh lụp xụp.

Câu chuyện về sự nhân nghĩa

          Sống cùng Ngọc Mai, Đỗ Bở được nàng chỉ bảo những điều hay dở ở đời, nhất là cách chọn bạn mà chơi. Đi đánh giậm, Đỗ Bở phát hiện ra có rất nhiều vàng nhưng không hay biết. Cho đến khi về nhà, tình cờ một lần chàng ta cầm thỏi vàng năm xưa của Ngọc Mai mang ra đáp vịt thì mới được vợ chỉ cho và dặn ra chỗ bờ sông mang hết chỗ vàng đó về nhà.

Ngờ nghệch, khờ khạo, nghe lời vợ đi tìm bạn để kết thân, Đỗ Bở lên đền làm bạn với phỗng, ngày rằm, mùng một đều mang rượu đến uống với tượng phỗng. Trong lúc say rượu, Đỗ Bở đã bê nguyên cả tượng phỗng rời khỏi chỗ cũ. Bởi vì thế mà mấy ngày sau khi nhà vua đến thăm đền thì lâm bệnh. Cả làng từ ai cũng ra sức nâng tượng phỗng về chỗ cũ mà không được. Đỗ Bở được triệu đến và chỉ có Đỗ Bở mới nhẹ tay một cái là bê được cả bức tượng về chỗ cũ. Nhà vua không trách tội mà coi đó như là sự thấu hiểu giữa bậc thánh thần với kẻ lương thiện, không có mưu đồ gì xấu xa và còn ban thưởng cho vợ chồng Đỗ Bở và Ngọc Mai.

Mong ước bấy lâu một lần được gặp lại Vạn Lịch để trả lại thoi vàng năm xưa nên Ngọc Mai đã xin nhà vua cho nhận một chân tuần ty ở sông Cả, thu thuế của các thuyền buôn. Nhà vua đồng ý ngay và từ đó hai vợ chồng Đỗ Bở chuyển ra sống bên cửa sông để làm nhiệm vụ. Từ đây mà ba người Đỗ Bở - Ngọc Mai – Vạn Lịch đã tái ngộ. Lúc này mới hay, số vàng bị chìm ở bãi vũng chính là từ thuyền của Vạn Lịch bị bão nhấn chìm năm xưa. Ngọc Mai muốn trả lại cho Vạn Lịch thì nhận được lời chối từ: “Điều quý nhất tự tôi làm mất/ Vàng bạc bây giờ cũng vô nghĩa mà thôi”. Còn Đỗ Bở thì mong muốn Ngọc Mai trở về sống cùng với Vạn Lịch như thuở nào. Khẳng khái từ chối, Vạn Lịch kiên quyết rời đi và chúc phúc cho hai người. Về số vàng bạc, Ngọc Mai xin với nhà vua cho đúc thành tiền Vạn Lịch để phân phát cho người nghèo để đồng tiền nhân nghĩa còn mãi với muôn đời.

Vạn Lịch vì ghen tuông mù quáng đã đoạn tình với Ngọc Mai

Giá trị nhân văn còn mãi

Kịch bản chèo “Đồng tiền Vạn Lịch” do Trưởng đoàn Vũ Huy Thành xây dựng từ truyện cổ tích cùng tên với nhiều sự sáng tạo. Đạo diễn Lê Thanh Tùng tiếp tục thổi hồn cho vở diễn với những nét tinh tế trong nghệ thuật biểu diễn. Cùng với đó, dàn diễn viên nổi trội của Đoàn chèo Hải Phòng khi được phân vai đã hết sức tập luyện để thể hiện được ý tứ của tác phẩm. “Đồng tiền Vạn Lịch” tiếp tục là một vở chèo thể hiện dấu ấn, sức sống mới của Đoàn chèo Hải Phòng trong đời sống sân khấu chèo hiện nay.

Tác giả Vũ Huy Thành cho biết “Bộ ba diễn viên: Thanh Bình – Hương Huế – Văn Mởn của đoàn một lần nữa lại được tin tưởng giao hóa thân vào ba nhân vật chính của vở, trong một mối nhân duyên éo le. Xoay quanh mối nhân duyên giữa ba nhân vật, vở chèo lên án những kẻ chạy theo sự giàu sang phú quý mà quên đi điều nhân nghĩa”. Đây cũng là bộ ba diễn viên ăn ý ở nhiều vở diễn thành công của đoàn trong thời gian qua. Các nghệ sĩ cho biết đảm nhận vai diễn mới với những màu sắc mới nên ai cũng cố gắng để thể hiện tròn vai và điều vui mừng nhất là khi nhận được những ngợi khen ban đầu từ phía khán giả.

Qua sự sáng tạo của tác giả kịch bản, sự tích “Đồng tiền Vạn Lịch” trong vở chèo được xem là một câu chuyện nhân văn cao cả, giàu tính hướng thiện khi xây dựng tuyến nhân vật chính đều là những con người khẳng khái, nghĩa trực. Cùng với đó, tuyến các nhân vật phụ: Phú ông, Bà Vơ, Kim Xuân, Lý trưởng, Dậu… với lối diễn hài hước và những nét duyên của hề chèo đã làm nổi bật thêm chủ đề của tác phẩm. “Muôn đời trăng khuyết lại tròn/ Sinh sinh, diệt diệt ấy vòng hóa công/ Sân, si, tham, mạn làm chi/ Cuộc đời mang lại điều gì cho nhau/ Muốn ăn quả ngọt mai sau/ Trồng cây phúc đức bền lâu đời đời”. Những câu hát khép lại cánh màn nhung của vở diễn cũng là lời kết cho một câu chuyện đạo đức đầy nghĩa tình với người xem.

Huyền Trâm

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông