Vở kịch nói "Phong tỏa": Hình tượng đẹp về phẩm cách người Hải Phòng

00:02 05/08/2020

Sau một thời gian dài gián đoạn do đại dịch Covid-19, Đoàn kịch nói Hải Phòng vừa cho ra mắt người yêu nghệ thuật sân khấu vở kịch nói "Phong tỏa". Đây là tác phẩm thuộc Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng số thứ 9, được ghi hình và phát sóng trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng.

 Một cảnh trong vở kịch “Phong tỏa”

“Phong tỏa” do các tác giả Hà Đình Cần và Lê Thu Hạnh biên kịch, NSND Lê Hùng làm đạo diễn, NSƯT Phùng Lệ Thu - Trưởng Đoàn Kịch nói Hải Phòng chỉ đạo nghệ thuật. Với vở kịch này, Đoàn kịch nói Hải Phòng lần thứ 3 tham gia biểu diễn trong Đề án trên với sự góp mặt của gần 50 nghệ sĩ, diễn viên đến từ Đoàn và các đoàn: Múa rối và Cải lương thành phố.

Hải Phòng năm 1972, giai đoạn chống chiến tranh phá hoại ác liệt của giặc Mỹ, có biết bao người thợ đã trở thành những chiến sỹ cảm tử phá bom mìn, thủy lôi, mở những con đường máu thông luồng ra biển, chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần thống nhất đất nước… Trong bối cảnh đó, “Phong tỏa” được xây dựng theo nguyên mẫu về người Anh hùng lao động Phạm Trọng Hiệp - Giám đốc Nhà máy sản xuất cơ khí chế tạo Hải Phòng thời kỳ sau chiến tranh, bước vào khôi phục sản xuất. Những câu chuyện đầy kịch tính, hấp dẫn xoay quanh ông và những người đồng đội đã tái hiện lại thời kỳ máu lửa với những hy sinh, thử thách song đầy vinh quang. Hòa bình lập lại, ông cùng đồng đội tiếp tục “xông pha” trên mặt trận phát triển kinh tế, phải đối mặt nhiều rào cản bởi cơ chế cũ, doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản. Chính nhờ ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, những người lính dũng cảm, mưu trí năm xưa nay lại vững vàng chèo lái, vực dậy phục hồi sản xuất. Và họ, lần thứ 2 trở thành những người anh hùng trên mặt trận kinh tế.

Tác giả kịch bản Lê Thu Hạnh chia sẻ, “Phong tỏa” là thành quả từ một trại viết. Chị và một số tác giả nữa đã về với Hải Phòng và may mắn gặp được nguyên mẫu nhân vật chính mà chị đã nhớ anh đến tận bây giờ. Trong suy nghĩ của chị, Anh hùng lao động Phạm Trọng Hiệp tài năng vô cùng khi đã sáng tạo ra cái trục cho tàu thủy và sau đó còn tiến xa hơn nữa là khi anh chế tạo thành công cái zoăng cho nhà máy thủy điện. Đó không chỉ là sự cống hiến hết mình dành riêng cho Hải Phòng mà còn cho cả đất nước.

Đến bây giờ, dựng lại tác phẩm "Phong tỏa"  thì Anh hùng lao động Phạm Trọng Hiệp đã mất, nhưng tinh thần, sự sáng tạo của anh, của người Hải Phòng vẫn còn mãi. Tác giả Lê Thu Hạnh hy vọng tác phẩm được dàn dựng và công diễn thành công sẽ giúp lớp trẻ Hải Phòng bây giờ hiểu rõ được thành phố đã chiến thắng phong tỏa như thế nào và người Hải Phòng tài năng biết bao trong thời kỳ đổi mới.

Còn với NSND Lê Hùng, với tư cách là đạo diễn của vở kịch, ông rất tự hào và xúc động khi được dẫn dắt một vở diễn ca ngợi người Hải Phòng trong thời kỳ chiến tranh thống nhất đất nước, chống giặc Mỹ phong tỏa thành phố vì ông vốn là người “trong cuộc”. Đạo diễn trải lòng, ngay từ tấm bé, ông đã sống ở Hải Phòng cho nên trong suy nghĩ, trái tim ông, Hải Phòng luôn là quê hương của mình. Và bằng tình cảm ấy, NSND Lê Hùng muốn làm một vở diễn để nhân dân cả nước biết rằng người Hải Phòng thật anh hùng, giỏi giang trong chiến đấu và lao động sản xuất. Trong thời kì đổi mới và đến nay người Hải Phòng vẫn luôn thế.

Diễn viên Quang Thiện chia sẻ, anh về với Đoàn kịch nói Hải Phòng khi đang còn là học sinh. Và vở kịch "Phong tỏa" đã để lại ấn tượng rất lớn trong lòng khán giả cả nước khi tham gia hội diễn thời kỳ đó và đoạt giải thưởng Tác phẩm sân khấu năm 1999. Đến bây giờ, được đảm nhiệm vai diễn mà các bác, các cô chú đã đóng trước đây và truyền lại cho anh em nghệ sĩ lớp sau, anh coi đó là niềm hạnh phúc, là động lực để hoàn thành vai diễn của mình.

Với thông điệp ngợi ca đất và người Hải Phòng, thành phố của những người thợ với những tấm gương điển hình đi đầu trong chiến đấu và lao động, vở kịch "Phong tỏa" được Hội đồng Nghệ thuật thành phố cũng như những nhà chuyên môn đánh giá cao về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện. Thành công của vở kịch đã góp phần đa dạng hóa công tác tuyên truyền quảng bá về lịch sử, đất và người Hải Phòng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng yêu nghệ thuật, đồng thời tạo động lực tinh thần, sự đổi mới trong tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ.

Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông