Xã Cao Minh (Vĩnh Bảo) Kỷ niệm 315 năm ngày mất Đại danh y Đào Công Chính

16:58 25/04/2024

Sáng 25-4, tại khuôn viên Nhà lưu niệm Đại danh y Đào Công Chính ở thôn 9, Hội Am, UBND xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo trang trọng tổ chức kỷ niệm 315 năm ngày mất Đại danh y Đào Công Chính. Tới dự có đồng chí Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị trung ương, thành phố, lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo cùng đông đảo nhân dân địa phương, con cháu dòng họ.
Lễ rước tại lễ kỷ niệm 315 năm ngày mất của Đại danh y Đào Công Chính

Theo ban tổ chức, lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ ngày 25-4 đến ngày 27-4, bên cạnh các nghi thức truyền thống như lễ rước, dâng hương, lễ dâng thuốc còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao như: thi đấu cờ tướng, giao lưu các câu lạc bộ dưỡng sinh, các trò chơi dân gian, giải bóng  chuyền hơi; giới thiệu, trưng bày các sản phẩm dược liệu y học cổ truyền và sản phẩm OCOP. 

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 

Tại lễ kỷ niệm, chúc văn nêu rõ công lao đóng góp to lớn của Đào Công Chính đối với đất nước, quê hương. Danh y Đào Công Chính (sinh 1639) người làng Cõi, tổng Đông Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng), trong một gia đình nho học, có nhiều người đậu trung khoa, có người vào học ở Quốc Tử Giám.

Năm nay, lễ kỷ niệm Danh y Đào Công Chính được UBND xã Cao Minh tổ chức trang trọng 

Năm 1673, ông được triều đình cử làm Phó sứ đoàn do Chánh sứ Hồ Sỹ Dương phụ trách sang Trung Quốc. Năm 1675 về nước, do hoàn thành tốt nhiệm vụ, ông được phong chức Lại bộ Hữu thị lang, Hình bộ Hữu thị lang, Nhập thị kinh diện giảng quan (Người giảng sách cho vua) rồi Tăng tả thị lang, Quang tiến Thận lộc đại phu, Bồi tụng…Ông còn là tác gia quan trọng của thế kỷ 17.

Khi còn là Thị thư Hàn lâm viện, ông là đồng tác giả tham gia biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư… Ngoài là ngoại giao xuất sắc, nhà sử học uyên thâm, nhà thơ; nhà y  học dưỡng sinh nổi tiếng, tạo thế kiềng ba chân vững chắc cho nền y học dân tộc (dược học có Tuệ Tĩnh, y học có Hải Thượng Lãng Ông Lê Hữu Trác, dưỡng sinh học có Đào Công Chính)…

Người dân địa phương tham quan, mua sắm tại gian trưng bày sản phẩm thuốc đông y, sản phẩm OCOP

Với kiến thức uyên thâm tài năng đức độ của mình, Đào Công Chính có nhiều đóng góp to lớn cho quá trình xây dựng và phát triển dân tộc, đóng góp lớn cho nền y học nước nhà, chữa bệnh giúp dân, giúp nước…

TRUNG KIÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông