Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm logistics khu vực và quốc tế: Điều kiện có đủ, cần quyết tâm và hành động (Bài 4)

15:16 05/07/2024

Bài 4: Đưa logistics Hải Phòng phát triển nhanh và đột phá Có thể khẳng định, Hải Phòng có đầy đủ các điều kiện để phát triển dịch vụ logistics. Các mục tiêu đề ra cũng rất rõ ràng, cụ thể, tương lai, dư địa phát triển vô cùng rộng mở. Vấn đề còn lại chính là sự quyết tâm, quyết liệt hành động của thành phố cùng sự hướng ứng, tham gia nhiệt tình của doanh nghiệp, chắc chắn Hải Phòng sẽ sớm trở thành trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế, khu vực trong tương lai gần.

                                                                                         Tương lai rộng mở

          Các nhà quản lý, nhà đầu tư đều đánh giá tương lai lĩnh vực logistics tại Hải Phòng rất rộng mở với nhiều tiềm năng. Theo đó, trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt, Hải Phòng đang tập trung xây dựng thành phố trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại, gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0.

 Đặc biệt, Hải Phòng đã chính thức trình Thủ tướng Chính phủ về phát triển Khu Kinh tế ven biển phía nam, trong đó có cảng nam Đồ Sơn; Khu Thương mại tự do; Sân bay quốc tế Tiên Lãng, có hàng chục KCN mới…, mở ra dư địa rộng lớn hơn cho logistics. Từ đó, đưa Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển đường hàng không; đường bộ cao tốc; đường sắt mới; trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng logistics, xúc tiến thương mại logistics, xây dựng chuối cung ứng dịch vụ logistics, tiến tới xây dựng logistics thông minh và xuất khẩu logistics ra nước ngoài.

Một góc Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải

Mục tiêu đề ra của Hải Phòng đến năm 2025 là đầu tư xây dựng từ 1-3 khu dịch vụ logistics cấp quốc gia; tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30%-35%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GDP của thành phố từ 20%-25%; tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 60%. Sản lượng hàng hóa qua cảng đến năm 2025 đạt 300 triệu tấn.

Đến năm 2030, Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt. tốc độ cao, ưu tiên quỹ đất để xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics đạt tầm cỡ quốc gia và quốc tế; cơ bản hoàn thiện mạng lưới trung tâm logistics trên địa bàn thành phố, đảm bảo tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30%- 35%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP của thành phố từ 25%-30%; tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 65%, các trung tâm logistics mới theo quy hoạch đảm nhận 60%-70% tổng lượng hàng hóa, còn lại các trung tâm và khu vực cung ứng dịch vụ logistics đang khai thác đảm nhận 30%-40%.

Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics, đảm bảo tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo ngành logistics đạt 80%. Sản lượng hàng hóa qua cảng năm 2030 đạt 600 triệu tấn.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu kiểm tra tiến độ xây dựng các bến cảng số 3, số 4 Lạch Huyện do Công ty CP Cảng Hải Phòng là chủ đầu tư

Tầm nhìn đến năm 2050, phát triển ngành dịch vụ thương mại (logistic và vận tải biển) và du lịch ngang tầm với các thành phố biển tiêu biểu ở châu Á và hướng đến là thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Về quy hoạch, Hải Phòng quy hoạch 1 Trung tâm logistics cấp Vùng, dự kiến bố trí tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ với khả năng kết nối với mạng giao thông quốc gia bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Các trung tâm logistics cấp thành phố đảm nhận chức năng phụ trợ cho Trung tâm logistics cấp Vùng trong hoạt động phân phối hàng hóa trên các hướng hành lang vận tải chính yếu.

Các trung tâm logistics cấp thành phố đặt tại Lạch Huyện, Khu công nghiệp Thủy Nguyên VSIP, Khu công nghiệp Tràng Duệ, Khu công nghiệp Nam Tràng Cát, Khu vực công nghiệp đảo Cát Tráp, thị trấn mới  Hùng Thắng huyện Tiên Lãng; các trung tâm logistics hỗ trợ tại Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn, An Lão, An Dương, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo và các khu hậu cần logistics dọc đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, các tuyến Quốc lộ, các đầu mối giao thông chính trên địa bàn thành phố…

Diện tích đất dành cho logistics khoảng 2.200 - 2.500 ha. Trong đó, có khoảng 300 - 700 ha gắn với khu vực công nghiệp; có khoảng 1.000 - 1.500 ha gắn với kho bãi cảng biển và cảng hàng không, còn lại gắn với các khu đất dịch vụ tiếp cận với tuyến đường giao thông vùng.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác đẩy mạnh liên kết vùng, trước hết là kết nối giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Cụ thể là đẩy mạnh liên kết vùng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, các địa phương ven biển Đông Bắc, hai hành lang kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, quốc tế gồm: hành lang kinh tế Bắc - Nam; hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình để tăng sức mạnh cạnh tranh cho logistics.

                                                        Sự vào cuộc của các doanh nghiệp

          Điều đáng mừng là các doanh nghiệp Hải Phòng hưởng ứng nhiệt tình chương trình phát triển logistics của thành phố. Theo ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C, cơ hội phát triển logistics tại Hải Phòng rất lớn, tương đương với những thử thách hiện nay. Tổ hợp KCN DEEP C trong chiến lược phát triển các KCN trên địa bàn Hải Phòng rất chú trọng đầu tư hạ tầng KCN hiện đại, đặc biệt là cung cấp dịch vụ trọn gói cho nhà đầu tư, bao gồm cả dịch vụ logistics. Trong đó, nhà kho, đặc biệt là hệ thống kho lạnh được công ty triệt để khai thác, xây xong nhà kho nào khách hàng thuê hết ngay tới đó, cho thấy yêu cầu dịch vụ kho lạnh tại Hải Phòng rất lớn. Hàng trăm doanh nghiệp khác cũng đang tranh thủ từng ngày để đầu tư vào logistics.

          Theo ông Phạm Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Hải Phòng, liên kết với nhau là biện pháp hữu hiệu khắc phục sự manh mún, nhỏ lẻ của các doanh nghiệp logistics hiện nay. Ông Phạm Hồng Minh cho biết, nhằm xây dựng một chuỗi logistics phối kết hợp giữa các công ty logistic trong khu vực để khai thác các dịch vụ trọn gói cho các khách hàng, công ty luôn nhất quán chủ trương biến Cảng Hải Phòng thành trung tâm Port- Logistics và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Cảng, các công ty vận tải biển container và các công ty dịch vụ vận tải logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh và thuận tiện cho việc kết nối cảng biển và các dịch vụ cảng biển với phương châm các bên cùng chiến thắng (Win-Win).

         Hiện Cảng Hải Phòng đang thực hiện chiến lược phát triển cảng theo hướng gắn kết lợi ích của các hãng tàu và các dịch vụ kho bãi (Depot) vận tải logistics, phát triển mạnh chuỗi dịch vụ sau cảng  nhằm gắn kết các lợi ích để giữ chân các khách hàng lớn tại cảng. Đây được coi là một trong những yếu tố để Cảng Hải Phòng giữ được ưu thế trong cạnh tranh và phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao trong những năm qua.

Bãi container của Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HITC)

         Các nhà quản lý, các doanh nghiệp cũng gửi gắm nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm tới thành phố để phát triển dịch vụ logistics. Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, cần phát huy mạnh mẽ vai trò Ban chỉ đạo cấp thành phố để thực hiện các mục tiêu đề ra trong phát triển logistics. Với vai trò là một trong những đầu mối quan trọng trong phát triển logistics tại Hải Phòng, Cục Hải quan Hải Phòng sẽ chủ trì thực hiện các giải pháp để rút ngắn thủ tục và thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tham mưu, đề xuất các giải pháp để phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố.

Theo ông  Bruno Jaspaert,Hải Phòng đã có định hướng, quy hoạch rất cụ thể trong phát triển logistics. Tuy nhiên, trong quy hoạch phát triển cảng biển, thành phố còn quá chú trọng tới xây dựng các cảng container  và dành sự quan tâm ít hơn tới các cảng hàng rời. Trong khi đó, đây là một trong những loại hình logistics mang lại hiệu quả khá cao. Vì thế, trong quy hoạch các bến cảng tại Cảng nước sâu Lạch Huyện, nam Đồ Sơn, nên xây dựng các cầu cảng làm cả hàng công-ten-nơ và hàng rời.

           Về nâng cao hiệu quả logistics tại Hải Phòng, ông Bruno Jaspaert cho rằng,điều cần quan tâm trước hết là nên tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ chứ không chỉ là giá cả. Trong đó, yếu tố then chốt vẫn là phát triển hệ thống giao thông kết nối, giảm dần sự phụ thuộc quá lớn vào đường bộ; nên chú trọng phát triển vận tải thủy; vận tải bằng đường sắt. Trong vận tải đường bộ, sức cạnh tranh cũng giảm đi rất nhiều nếu trên các con đường vẫn có sự trộn lẫn giữa các xe tải, xe containerlớ n với các phương tiện của người dân. Tai nạn giao thông, tắc đường, kéo dài thời gian vận chuyển, làm tăng chi phí... là những vấn đề cần sớm được giải quyết để giải bài toán chi phí logistics đang được coi là rất cao tại Hải Phòng cũng như Việt Nam.

          Còn lãnh đạo  Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết,cỡ tàu có sức chở 10.000- 24.000 TEU trong đội tàu hiện nay chiếm tỷ trọng 35%. Theo xu hướng phát triển của ngành hàng hải thế giới, các tàu công-ten-nơ đóng mới cỡ 10.000 TEU đến 24.000 TEU chiếm 79%.  Tại Việt Nam hiện nay,các cảng nước sâu có đủ điều kiện tiếp nhận cỡ tàu này chỉ có cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa Vũng Tàu)và cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).Điều đó cho thấy ưu thế đặc biệt, ít nơi nào có được của Hải Phòng, bởi càng đón được nhiều tàu lớn thì logistics càng phát triển.

 Vì vậy, yêu cầu đầu tiên để nâng cao năng lực đón tàu lớn, phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng là quy mô cảng phải đủ lớn (2km cầu trở lên, diện tích bãi lớn) để đón các tàu ngày càng lớn (tàu 12.000TEU dài 335m, 14.000TEU dài 370m, tàu 18.000 đến 23.000 TEU dài 400m...); ngoài các tàu mẹ, cảng đầu mối sẽ đón một số lượng lớn các tàu feeder, tàu nội địa, sà lan trong nước và quốc tế... Cùng với đó là luồng nước sâu cho cỡ tàu lớn (từ 14m trở lên); kết nối giao thông thuận tiện với hậu phương (bằng quốc lộ, cao tốc, đường thuỷ, đường sắt). Ngoài ra, cần phát triển theo xu thế cảng  bán tự động và hoàn toàn tự động. Các khu kinh tế trọng điểm, các khu vực sản xuất hàng hoá lớn sau cảng cũng đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết...

          Bên cạnh đó, để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, nhất là thu hút vốn doanh nghiệp, Hải Phòng cần có cơ chế chính sách ưu đãi cụ thể, nhất là về thuế; hỗ trợ chính sách đất đai; nâng cấp cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thuỷ; tích cực cải thiện môi trường kinh doanh và huy động tổng hợp các nguồn lực để ứng dụng và đổi mới CNTT áp dụng trong tất cả các khâu của chuỗi logistics...

          Như vậy, những mảng sáng, tối trong bức tranh logistics của Hải Phòng đã nhìn thấy rõ. Khắc phục được những hạn chế, yếu kém; phát huy tiềm năng, vị thế; ban hành cơ chế chính sách phù hợp; huy động các nguồn lực cùng sự chung sức, đồng lòng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chắc chắn Hải Phòng sẽ sớm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra về logistics, bảo đảm phát triển nhanh và đột phá./.

                                                                                                                                                Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông