Xe ô tô bốc cháy khi lưu thông và cách phòng tránh

10:08 15/02/2023

6 tháng qua, cho dù lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thường xuyên tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa nhưng toàn quốc vẫn liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ xe ô tô bốc cháy khi đang lưu thông. Các sự cố trên không chỉ gây thiệt hạ nghiêm trọng về tài sản mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến TTATXH và TTATGT.
Xe container cháy dữ dội tại đường Võ Nguyên Giáp (Hải Phòng)
Hiện trường vụ cháy xe khách trên cầu Bính (Hải Phòng) 

Liên tiếp các vụ ô tô bị “bà Hỏa” ghé thăm

Ngày 29-12-2022, tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (hướng Hà Nội - Ninh Bình, thuộc địa phận huyện Phú Xuyên, Hà Nội), một xe ô tô 4 chỗ đang lưu thông bỗng bốc cháy dữ dội, lửa bao trùm cả xe. Tài xế ngay đó vội tấp vào làn dừng khẩn cấp trên cao tốc rồi cùng các hành khách chạy thoát ra ngoài. Mặc dù lực lượng PCCC kịp thời có mặt tại hiện trường nhưng chiếc xe đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Trước đó, vào ngày 26-11-2022, một chiếc xe khách đang di chuyển trên cao tốc này cũng bất ngờ biến thành bó đuốc khổng lồ. Theo cơ quan chức năng, thời điểm cháy trên xe có 10 người. Rất may vụ hỏa hoạn không cướp đi sinh mạng của ai. Cách đó 5 ngày, 1 xe giường nằm chở 30 khách cũng đã bốc lửa đùng đùng khi đang di chuyển trên đại lộ Thăng Long. Tất cả hành khách kịp tháo chạy. Một số người đi đường đã hỗ trợ dập lửa nhưng không hiệu quả. Trong khoảng 10 phút, lửa lan ra toàn bộ ôtô, xe bị thiêu trơ khung. Được biết, cũng tại khu vực này, một xe khách 50 chỗ chạy tuyến Hải Phòng - Phú Thọ cũng đã bị thiêu rụi trong chưa đầy 10 phút…

Đó là chuyện của… năm trước. Còn những ngày gần đây, nhất là dịp ngay sau Tết Nguyên đán, trên toàn quốc cũng liên tiếp xảy ra các vụ “bà Hỏa” ghé thă, xe ô tô, trong đó có xe đang chở khách đi du Xuân hoặc chở công nhân đến nơi làm việc. Đơn cử, hồi 3 giờ sáng ngày 10-2-2023, xe khách giường nằm chở 21 khách chạy trên quốc lộ 51 từ TP Vũng Tàu tới TP HCM bị cháy. Tài xế tấp xe vào lề, cùng phụ xe hô hào khách thoát được ra ngoài. Sau vài phút, ngọn lửa trùm toàn bộ ôtô rồi bắt sang cả hàng dây điện ven đường và nguy cơ cháy lan các nhà dân lân cận. Lực lượng Cảnh sát PCCC Đồng Nai đã phải điều động nhiều xe chuyên dụng đến dập lửa. Đám cháy không gây thiệt hại về người, song ôtô và nhiều tài sản của hành khách đã bị hủy, không thể cứu chữa. Gần đây nhất, ngày 31-1-2023, tại Km 496+200, đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình, xe ô tô khách 36B-009.23 do tài xế Lê Văn Thống điều khiển hướng Thanh Hóa - Hà Nội đến địa điểm trên cũng đã cháy dữ dội, 44 hành khách cùng lái xe an toàn nhưng xe bị hư hỏng nghiêm trọng.

Những vụ hỏa hoạn trên cho thấy, tất tật các loại ô tô khi tham gia giao thông đều có nguy cơ xảy ra sự cố cháy, từ xe khách, xe tải đến xe con, xe khách và xe tải. Đều chạy đường dài nhưng trong đó, xe khách có nguy cơ cháy cao hơn. Lý do là xe khách có vận chuyển thêm hành lý, có khi chở cả xe máy dưới hầm xe. Đáng nói, các vụ cháy ô tô diễn biến rất nhanh. Thường chỉ sau khoảng 10 phút, xe đã bị thiêu rụi, trơ khung. Điều đó cho thấy, việc phòng ngừa các sự cố cháy xe là hết sức cần thiết.

Nguyên nhân các vụ cháy xe

Các chuyên gia cho rằng, hệ thống điện là nguyên nhân hàng đầu gây ra cháy nổ phương tiện. Trên thực tế, gần như 100% xe khách, xe du lịch đều lắp thêm các thiết bị điện, chích nối nhiều dây dẫn một cách tuỳ tiện tới các đồ được chế thêm như tivi, tủ lạnh…. Các mối nối do không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đã gây chạm chập, rồi bắt lửa vào khu vực rò rỉ nhiên liệu hoặc vật liệu dễ cháy trong quá trình vận hành xe.

Ngoài ra, những xe cũ, sử dụng lâu năm và những xe hoạt động với cường độ lớn thường phát sinh nhiệt, hệ thống nhiên liệu rò rỉ, hệ thống ống xả không kín cũng thường gây ra hiện tượng cháy. Nhiều trường hợp xe ô tô bốc lửa còn do rơm rạ hay vật dễ cháy mắc vào phần cổ ống xả.  Một số xe khách còn chất nhiều đồ đạc, thậm chí còn cho cả xe máy vào cốp hay “chất” lên nóc phương tiện để chở. Trong khi đó, nhiên liệu trong xe máy không được hút cạn kiệt, khi để nằm nghiêng, xăng rò rỉ chảy vào các thiết bị máy móc, điện… gây cháy.

Cùng với nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan của lái xe. Xe đỗ trong ga ra, bãi xe nghỉ Tết bị ẩm ướt do không hoạt động nhiều ngày, khi qua Tết chở khách đi du Xuân, nhiều lái xe chủ quan không kiểm tra trước khi khởi hành. Phương tiện chạy được thời gian dài lại bị hoạt động tức thì khí ẩm ngưng tụ sẽ dẫn đến chập cháy hệ thống điện, điều hòa… Chưa kể, khi máy làm việc quá tải, lượng nước làm mát trong máy bị cạn kiệt mà lái xe không kiểm tra kỹ trước khi lưu thông cũng sẽ tạo nhiệt dẫn tới hỏa hoạn.

Để phòng ngừa cháy ô tô

Để phòng ngừa cháy ô tô, quan trọng nhất vẫn là chủ xe và lái xe. Chủ phương tiện, lái xe cần quan tâm chăm sóc, bảo dưỡng toàn bộ xe định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo chiếc xe luôn vận hành trơn tru, an toàn; thường xuyên tự kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện định kỳ, phòng tránh hiện tượng chập điện. Đặc biệt, cần tránh đấu nối dây điện không đúng kỹ thuật, hạn chế việc đấu nối thêm phụ tải điện trên xe vì có thể gây quá tải cho hệ thống điện của xe. Bên cạnh đó, phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, chăm sóc để tầm soát hiện tượng rò rỉ nhiên liệu xăng, dầu… bởi đây là nguồn dễ bắt lửa gây cháy. Khi trời nắng, lái xe cần chú ý khi đỗ xe phải tìm nơi râm mát; cần che phủ bạt khi đậu ngoài trời nắng nóng. Nếu di chuyển liên tục đường dài nên có thời gian cho máy nghỉ theo khuyến cáo của từng hãng xe. Trong quá trình di chuyển, chủ xe, tài xế cần lưu ý, tránh rơm, rạ quấn vào xe, tạo ma sát cao gây cháy. Lưu ý không để các vật liệu, hàng hóa dễ cháy, nổ như hóa chất dưới gầm xe, đồ cá nhân của khách hàng với xe khách và các vật dụng cá nhân gây nguy cơ cháy đối với xe con.

Để đảm bảo an toàn cho hành khách, việc đầu tiên mỗi xe khách phải trang bị bình cứu hỏa và chuẩn bị đầy đủ các thiết bị phá cửa kính được đặt ở nơi dễ nhìn thấy, dễ lấy và đặc biệt nhà xe phải có trách nhiệm hướng dẫn hành khách sử dụng thiết bị thoát nạn mỗi khi lên xe. Khi xe xảy hỏa hoạn, phải bình tĩnh hướng dẫn, hỗ trợ hành khách thoát nạn. Đối với phương tiện, trước khi vận hành cần kiểm tra kỹ lưỡng các thiết bị, đề phòng xe đỗ nhiều ngày trong bãi xe bị chuột cắn dây điện có thể gây đánh lửa chập cháy.

Đối với xe chạy đường dài, lái xe phải cho xe dừng nghỉ một thời gian nhất định, để cho các thiết bị như phanh, dầu phanh và các thiết bị phụ trợ an toàn phương tiện đàn hồi và nguội trở lại. Điều quan trọng nhất để cho hành trình an toàn nhưng không phải lái xe khách nào cũng thực hiện mỗi khi đổ đèo, lên đèo đó là dừng xe kiểm tra phanh, máy móc. Với những cung đèo cao, vực thẳm, lái xe phải tuyệt đối tuân thủ việc lên đèo số nào thì xuống đèo phải giữ nguyên số đó để bảo toàn cho hệ thống phanh, lốp… Đặc biệt, việc tuân thủ đối với xe ô tô là biện pháp hiệu quả hạn chế tối đa việc xảy ra tai nạn giao thông và xảy cháy xe khi đang vận hành. Tốc độ cao quá mức cũng có thể gây cháy xe bởi sự ma sát các thiết bị, hoặc xe đổ đèo dài mà rà phanh liên tục cũng có thể gây cháy xe.

                                                                                  Lê Trung Dũng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông