Xoá đường dây xuất, nhập cảnh trái phép Việt Nam - Campuchia: Kỳ I - Những mắt xích

10:39 22/12/2023

Cuối năm 2022, Cục Quản lý xuất - nhập cảnh Bộ Công an phát hiện một đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để rồi vượt biên trốn sang Campuchia. Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an đã xác lập chuyên án đấu tranh và Hải Phòng được chọn làm điểm đột phá bắt giữ, xử lý. Theo đó, lực lượng ANĐT – CATP Hải Phòng đã nhanh chóng nhập cuộc lập công xuất sắc, triệt xoá đường dây đưa người “tạm nhập tái xuất” cực kỳ nguy hiểm này với những hệ luỵ tiềm ẩn không thể lường hết đến ANQG và TTATXH.

Vụ việc khởi đầu từ Nguyễn Xuân Tiến, sinh năm 1983, trú tại ấp 54, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Từng có 3 tiền án với hàng chục năm ăn cơm tù, được ra trại tháng 6/2020, gã không tu tỉnh làm ăn.

Cho tới tháng 5/2022, trong khi đang chơi đá gà ở khu vực gần biên giới Campuchia thì gã được một người phụ nữ tên Bi (không rõ nhân thân, lai lịch) lân la đến làm quen. Từ đó, hai bên liên lạc với nhau qua các nền tảng mạng xã hội như Wechat, Telegram…

Qua trò chuyện, biết Tiến mới đi tù về có gan “làm ăn” nên Bi đã thuê gã tổ chức cho một số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trốn sang Campuchia. Để thực hiện việc này, Tiến được Bi giới thiệu với một đối tượng tên Cưa (người Trung Quốc) và cả hai chỉ liên lạc qua mạng Wechat.

Tài liệu Cơ quan điều tra xác định: Từ 27/8/2022 đến cuối tháng 2/2023, Nguyễn Xuân Tiến được Bi và Cưa thuê tổ chức 65 lần cho 170 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua các đường mòn lối mở thuộc khu vực biên giới TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, sau đó di chuyển đến tỉnh Bình Phước rồi qua Campuchia với giá 6.000 USD/người.

Để có trợ thủ giúp sức cho mình, Tiến tìm tới Nguyễn Văn Tường, sinh năm 1986, trú tại xóm Mỹ Thiện, xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (trước đó, Tiến và Tường quen nhau do đều có thời gian sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh) và giới thiệu tên này với Bi.

Các đối tượng Đoàn, Tường, Tiến

Mèo mả, gà đồng chập với nhau, từ 14/10/2022 đến cuối tháng 2/2023, Tường được Bi thuê tổ chức đón dẫn, vận chuyển từ TP.Hà Nội, tỉnh Bắc Giang vào TP.Hồ Chí Minh 25 lần cho 65 người Trung Quốc khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để trốn sang Campuchia với tiền công là 30 triệu đồng/ 1 người, 45 triệu đồng/ 2 hoặc 3 người và 55 triệu đồng/ 4 người.

Tiếp đó, từ tháng 3/2023 đến 22/4/2023, Tiến và Tường còn 49 lần đưa 124 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép Việt Nam qua biên giới TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, sau đó về tỉnh Bình Phước và sang Campuchia. Trong đó, chúng “thu phí” 118 trường hợp với giá 6.000 USD (USDT)/người, 6 người còn lại là khách “vip” giá 7.500 USD (USDT)/người. (USDT là một loại tiền kỹ thuật số được Bi và Cưa tính giá trị tương đương đồng USD). Sau khi trừ tất cả chi phí, tên Tiến được hưởng tỷ lệ 60% và tên Tường được 40% số tiền còn lại.

Ở tại khu vực biên giới với TP.Móng Cái, Bi giúp Tiến thuê một trợ thủ nữa cho gã là một người đàn ông tên H. (chỉ liên lạc qua ứng dụng Telegram). Từ 27/8/2022 đến hết tháng 3/2023, qua Bi,  Tiến đã trả công H. 90 triệu đồng/người để nhập cảnh trái phép vào lãnh thổ Việt Nam; từ ngày 1/4/2023 là 80 triệu đồng/người. Riêng 5 khách ngày 22/4/2023, Tiến tự trả công H. là 400 triệu đồng.

Đó là “đầu vào” còn “đầu ra”, để đón dẫn, vận chuyển người Trung Quốc xuất cảnh trái phép và đến các địa điểm trong lãnh thổ Campuchia (theo sự điều hành của Bi và Cưa), Tiến thuê tiếp một người tên N. và nhờ Bi trả công 1.360USD/người (gần bằng nửa tiền công đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép Việt Nam). N. cũng là người Tiến quen do có thời gian cùng làm rẫy thuê ở Campuchia và bọn chúng đã trở thành các mắt xích quan trọng trong đường dây đưa người Trung Quốc “tạm nhập, tái xuất” hết sức tinh vi này.

 Đáng nói, việc đón dẫn, vận chuyển người Trung Quốc nhập cảnh trái phép trong nội địa là công đoạn phức tạp nhất và Tiến, Tường không trực tiếp thực hiện mà thuê Nguyễn Văn Đoàn, sinh năm 1983, ở thôn Xuân Làng, xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng trực tiếp thực hiện công đoạn này. Bọn Tiến trả công cho Đoàn với giá từ 25 triệu đồng đến 50 triệu đồng/lần qua hình thức chuyển khoản.

(Còn nữa)

Xuân Ngọc

Từ khóa:hosovuan
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông