Xử phạt hành chính trong lĩnh vực PCCC: Những bất cập cần sớm được tháo gỡ

11:09 23/06/2017

Kiểm tra công tác PCCC tại tòa nhà cục Hải quan TP

Công tác xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy (PCCC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được lãnh đạo Cảnh sát PCCC thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực, song lực lượng Cảnh sát PCCC vẫn gặp không ít khó khăn.

 Trong năm 2016, công tác kiểm tra, xử phạt VPHC nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC được cảnh sát PCCC thành phố đặc biệt chú trọng. Theo đó, đơn vị đã kiểm tra an toàn PCCC 17.818 lượt cơ sở, xử phạt vi phạm 1.186 trường hợp, thu 4.096.383.000 đồng nộp ngân sách. Đáng chú ý, đơn vị đã tạm đình chỉ hoạt động 3 cơ sở, đình chỉ hoạt động 6 cơ sở không bảo đảm các yêu cầu PCCC có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ.

Đặc biệt, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 9 chuyên đề về PCCC đối với các cơ sở tồn chứa, chiết nạp, kinh doanh, vận chuyển khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG); các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tồn chứa, vận chuyển và sử dụng hóa chất dễ cháy nổ, độc hại; các điểm tồn chứa, gia công và chế biến lâm sản; các di tích lịch sử văn hóa và lễ hội truyền thống; các quán karaoke, quán bar, vũ trường; nhà máy sửa chữa, đóng tàu; khu dân cư, tổ dân phố, nhà tập thể, nhà cao từ 7 tầng trở lên cùng các hộ có biển quảng cáo sử dụng điện. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra chấp hành quy định của pháp luật về PCCC đối với một số cơ quan, doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, trên thực tế thì các vi phạm trong lĩnh vực PCCC vẫn còn diễn ra rất phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến cháy, nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và tác động xấu đến môi trường.

Theo Thượng tá Đoàn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát PCCC thành phố), các lỗi vi phạm về PCCC rất đa dạng. Song, bị xử phạt nhiều nhất vẫn thuộc về các lĩnh vực: thiết kế, thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC; lắp đặt, sử dụng thiết bị điện; sử dụng lửa, thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt trái quy định; không thiết lập hồ sơ quản lý PCCC của cơ sở; không có nội quy, quy định về PCCC nơi sản xuất; không xây dựng, thực tập phương án chữa cháy tại chỗ...

Thượng tá Hùng cho biết thêm, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, nhưng chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật nhà nước về PCCC của doanh nghiệp và người dân chưa cao, đặc biệt là người đứng đầu cơ sở chưa quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác PCCC.

Mặt khác, do mới thành lập, lực lượng Cảnh sát PCCC trực tiếp làm công tác kiểm tra an toàn PCCC còn mỏng, một đơn vị phải phụ trách nhiều cơ sở, không quán xuyến hết được địa bàn, quản lý chưa thật sâu sát, chưa phát hiện kịp thời các lỗi vi phạm. Bên cạnh đó, Luật PCCC ra đời từ năm 2001, cho đến nay bộc lộ một số điểm bất cập, không phù hợp với tình hình thực tế. Pháp lệnh xử lý VPHC vẫn còn những quy định không thuận cho quá trình tiến hành xử lý VPHC của lực lượng Cảnh sát PCCC.

Một nguyên nhân chủ quan khác là do đặc thù công việc, lực lượng Cảnh sát PCCC là cán bộ trực tiếp quản lý, hướng dẫn, đồng thời cũng là người kiểm tra cơ sở, dẫn đến tâm lý nể nang, chưa kiên quyết trong xử phạt vi phạm về PCCC.

Để khắc phục những bất cập nói trên, đã tới lúc, lực lượng Cảnh sát PCCC cần sớm bổ sung lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ xử lý VPHC, đồng thời quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Đây là biện pháp quan trọng bởi xử phạt VPHC trong lĩnh vực PCCC cũng là cách “tuyên truyền” hiệu quả đối với doanh nghiệp và người dân, thể hiện tính pháp lý trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của lực lượng Cảnh sát PCCC. Luật Xử lý VPHC có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Cùng với Luật này, Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; Thông tư 66/2014/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 79; Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, PCCC, chống bạo lực gia đình đang được coi là công cụ pháp lý thuận lợi cho lực lượng Cảnh sát PCCC thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về PCCC.

Cùng với đó, các cơ quan, doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao ý thức đối với việc bảo đảm an toàn PCCC cho đơn vị mình; nghiêm chỉnh chấp hành các kiến nghị của Cảnh sát PCCC, hạn chế các sơ hở, thiếu sót, vi phạm trong lĩnh vực PCCC, làm tốt công tác phòng ngừa tai nạn cháy, nổ.

Lệ Trang

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông