13:34 10/09/2017 Trong những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin về việc một giáo viên là cô Trần Thị Thoa tại trường THCS Quốc Tuấn, huyện An Dương có biểu hiện uống thuốc ngủ vì không được quay trở lại đơn vị công tác cũ sau hơn một năm điều chuyển đến nơi dạy mới. Vậy, BGH nhà trường và chính quyền địa phương đã giải quyết ra sao? Báo An Ninh Hải Phòng xin được cung cấp thông tin để rộng đường dư luận.
Theo báo cáo của huyện An Dương: Vào khoảng 10 giờ ngày 8-9, nhận được thông tin cô giáo Trần Thị Thoa, sinh năm 1976, là giáo viên của Trường THCS Quốc Tuấn, thuộc xã Quốc Tuấn, huyện An Dương có biểu hiện uống thuốc ngủ tại nhà riêng tại thôn Cái Tắt, xã An Đồng.
Ngay lập tức, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện phối hợp với BGH Trường THCS Quốc Tuấn cử cán bộ của nhà trường đang tập huấn chuyên môn tại Trường THCS An Đồng (ngay gần nhà cô Thoa) đến nắm tình hình và cùng gia đình kịp thời đưa cô Thoa đi cấp cứu. Vào thời điểm này, cô Thoa vẫn tỉnh táo và có nguyện vọng được đưa đến Bệnh viện đa khoa quận Lê Chân.
Song, để đảm bảo cao nhất tính mạng của cô Thoa, ông Đặng Tăng Thông-Trưởng Phòng giáo dục-đào tạo huyện đã chỉ đạo đưa cô Thoa vào Bệnh viện Việt Tiệp. Sau khi được các y, bác sỹ chăm sóc, đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, tình trạng sức khoẻ của cô Trần Thị Thoa đã ổn định. Nhà trường đã bàn giao cho gia đình cô Thoa tiếp tục chăm sóc tại bệnh viện.
Có mặt tại Khoa Nội tiêu hoá-BV Việt Tiệp vào sáng 9-9, phóng viên Báo An Ninh Hải Phòng được các bác sỹ ở đây cho biết: Bệnh nhân Trần Thị Thoa xác nhận có uống thuốc ngủ, song không nói rõ loại thuốc, số lượng thuốc.
Sau khi tiến hành rửa dạ dày và truyền dịch thì đến nay tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân đã ổn định. Anh Trần Ngọc Viễn-em trai của cô Thoa cho biết: Tâm lý của cô Thoa đi xuống kể từ khi cô bị điều chuyển công tác từ Trường THCS An Đồng về Trường THCS Quốc Tuấn cùng huyện. Trường cũ cách nhà khoảng 1km, còn trường mới cách khoảng 10km, lại có 3 con nhỏ nên cô đề nghị được chuyển về trường cũ mà chưa được.
Về việc trên, ông Lê Anh Quân-Chủ tịch UBND huyện An Dương cho biết: Năm học 2015-2016, huyện An Dương có 4 trường THCS thừa 10 biên chế so với số được phân bổ, trong đó Trường THCS An Đồng thừa 5 giáo viên, 5 giáo viên của các trường THCS khác trên địa bàn huyện đã chấp hành việc điều động và sớm ổn định công tác.
Trong 3 tháng 5,6,7-2016 Kho bạc nhà nước huyện An Dương kiểm soát và dừng việc chi trả tiền lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THCS An Đồng.
Do vậy, sau khi thực hiện các quy trình lựa chọn, Trường THCS An Đồng và Phòng Nội vụ huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Quyết định điều động 5 giáo viên đến công tác tại các trường đang thiếu biên chế là Trường THCS Quốc Tuấn 3 giáo viên, Trường THCS Bắc Sơn 2 giáo viên. Quãng đường từ nhà riêng của cô Thoa tại thôn Cái Tắt, xã An Đồng đến Trường THCS Quốc Tuấn dài khoảng 7km.
Sau khi có Quyết định điều chuyển, 5 giáo viên trên đã có đơn kiến nghị. Ngày 11-8-2016 UBND huyện đã làm việc với các cơ quan chức năng và 5 giáo viên, đồng thời có Thông báo kết luận số 242, trong đó nêu rõ: Các Quyết định của Chủ tịch UBND huyện là đúng thẩm quyền theo quy định. Việc tổ chức các bước lựa chọn, lập danh sách giáo viên để điều động do thừa thiếu biên chế của BGH Trường THCS An Đồng là khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ.
Tuy nhiên, do nhà trường chưa làm tốt công tác tư tưởng, giải thích để giáo viên hiểu và tự giác chấp hành nên dẫn đến việc thắc mắc, kiến nghị vượt cấp. UBND huyện đã yêu cầu BGH Trường THCS An Đồng nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời chỉ đạo trong những năm học tới không được tiếp nhận giáo viên mới đến công tác tại trường, ưu tiên cho các giáo viên đã điều động quay trở lại công tác tại trường cũ khi có nhu cầu.
Tại các trường tiếp nhận giáo viên được điều động phải thường xuyên quan tâm, động viên, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để giáo viên đến nhận công tác sớm ổn định, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xem xét biểu dương và xé duyệt nâng lương trước thời hạn.
Kết thúc năm học 2016-2017, UBND huyện An Dương chỉ đạo rà soát việc bố trí cơ cấu bộ môn các trường THCS trên địa bàn huyện để tiếp tục việc sắp xếp. Đối với Trường THCS An Đồng vẫn còn thừa giáo viên dạy các bộ môn trùng với chuyên môn của cô Thoa (cô Thoa có bằng Cao đẳng Hoá-Sinh và bằng ĐH Toán) nên chưa thể điều động quay trở lại trường.
Qua rà soát một số trường lân cận gần trường THCS An Đồng như Đồng Thái, THCS Thị trấn An Dương, Nam Sơn, lãnh đạo huyện và các phòng chức năng đã nhiều lần gặp, động viên cô Thoa chuyển công tác để gần nhà. Đơn cử như Trường THCS Thị trấn An Dương chỉ cách nhà riêng của cô Thoa khoảng 2km, song cô Thoa không đồng ý.
Cùng đợt điều động với cô Thoa, có cô giáo Phạm Thị Thu Thuỷ cũng là giáo viên trường THCS An Đồng, sau một năm dạy tại Trường THCS Bắc Sơn, cô có nguyện vọng được về dạy tại Trường THCS Đồng Thái để gần nhà hơn và phù hợp với chuyên môn nên đã được UBND huyện giải quyết ngay.
Được biết chia sẻ bất cập về thừa thiếu biên chế tại các Trường THCS trên địa bàn huyện, không ít thầy cô tại các xã xa trung tâm huyện như Đại Bản, An Hồng đã tình nguyện về các trường thiếu giáo viên để tiếp tục giảng dạy.
Trước áp lực về tinh giản biên chế, hàng trăm giáo viên, nhân viên, trong đó có nhiều thầy cô là giáo viên giỏi, đứng lớp đến hơn chục năm, nhưng vì là giáo viên hợp đồng, nếu huyện không bố trí được thì cũng đang đứng trước nguy cơ... thất nghiệp.
Trước mắt, cô giáo Trần Thị Thoa cần sớm ổn định sức khoẻ, tư tưởng để tiếp tục truyền dạy kiến thức cho các thế hệ học sinh.
Nhóm PV KT-XH
09:15 15/01/2025
22:44 09/01/2025
08:23 09/01/2025
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh