11:43 13/08/2017 Thời gian gần đây trên địa bàn huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo rộ lên tình trạng các đối tượng trộm cắp các đồ vật giá trị trong đình, chùa, miếu. Vì lợi nhuận trước mắt chúng bất chấp luân thường, đạo lý và chuẩn mực xã hội gây ra hàng loạt vụ trộm cắp gây bức xúc trong dư luận.
Những vụ trộm gây bức xúc trong nhân dân
.Liên tiếp trong vòng 2 tuần, người dân trong xã Đoàn Lập phát hiện lư hương và bát hương cổ bằng đá trong 2 ngôi đền Kinh Sơn (Canh Sơn) và đền Bì bị trộm cắp. Đây là những ngôi đền cổ linh thiêng được xếp hạng di tích, đền có kiến trúc đặc biệt của huyện Tiên Lãng và thành phố, gắn liền với lễ hội cầu đảo của huyện Tiên Lãng.
Cụ thể, sáng 25-9- 2016, Ban quản lý di tích đền đá Kinh Sơn phát hiện mất một lư hương bằng đá. Tiếp đến, theo trình báo của người dân đền Long Bì (đền Bì) cách đó không xa, vào sáng sớm ngày 1-10- 2016, kẻ trộm đã lấy 1 bát hương cổ làm bằng đá xanh, hình tròn, mặt trước trạm nổi lưỡng long chầu nhật, vân quấn thủy tinh xảo.
Cùng với đó, tình trạng mất cổ vật cũng liên tiếp xảy ra trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo. Theo thống kê của Phòng VH-TT huyện Vĩnh Bảo, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện có nhiều vụ trộm cắp hiện vật, tài sản tại các di tích văn hóa lịch sử như: tượng cổ, ngai cổ, sắc phong… Đặc biệt, trong năm 2013, tại Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố chùa Kim Lâu, xã Tân Liên, xảy ra vụ mất trộm cắp 7 pho tượng phật (mỗi pho cao 90) trong đêm. Để vận chuyển số tượng trên, nhóm trộm cắp đánh cả ô tô tải đến chở. Năm 2015, tại miếu Bến, xã Thắng Thủy, sắc phong cổ cũng bị lấy mất.
Trong năm 2016, xảy ra 7 vụ trộm cắp cổ vật, hiện vật, cụ thể: Miếu Nhân Giả, xã Vinh Quang mất đại tự; đình Vĩnh Lạc, xã Tiền Phong mất 3 sắc phong; đình Cự Lai, xã Dũng Tiến mất một bộ chấp kích và hòm công đức; đình Hàm Dương xã Hòa Bình mất đại tự; chùa Áng Dương, xã Trung Lập mất 5 pho tượng; chùa Lý Nhân, xã Vĩnh Phong mất 2 pho tượng tam thế và 1 mâm. Trong năm 2017, tại đình Thượng Trung, xã Liên Am, mất một sắc phong, trong đó có 4 đạo sắc.
Tăng cường quản lý
Chủ tịch UBND xã Đoàn Lập Vũ Văn Uy cho biết: Sau khi sự việc xảy ra, UBND xã đã báo cáo vụ việc lên huyện và phối hợp với CAH Tiên Lãng truy tìm 2 hiện vật quý. Tuy nhiên, việc tìm kiếm vẫn chưa có kết quả.
Người dân thôn Hàm Dương, xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo may mắn hơn vì sau khi CAH Vĩnh Bảo và Công an tỉnh Thái Bình vào cuộc, cuốn sắc phong của đình đã được Công an tỉnh Thái Bình tìm và bàn giao lại cho địa phương quản lý.
Lý giải về tình trạng lấy cắp cổ vật, hiện vật có giá trị tại các điểm di tích, ông Phạm Ngọc Điệp - Trưởng phòng VH-TT huyện Vĩnh Bảo cho biết: Tình trạng trộm cắp đồ thờ tự trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo thời gian gần đây gia tăng theo nhận định chủ yếu do những đối tượng ở tỉnh, thành khác tới trộm cắp và bán lại cho những địa phương khác đang xây chùa hoặc mang ra nước ngoài tiêu thụ.
Việc buôn bán cổ vật đem lại lợi nhuận rất lớn, trong khi đó việc truy tìm cổ vật bị đánh cắp thường gặp rất nhiều khó khăn.
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các hiện vật, cổ vật tại các di tích văn hóa trên địa bàn, UBND 2 huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo đã có công văn về việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh tại các di tích văn hóa.
Các đối tượng dễ dàng "gây án" vào ban đêm bởi nhiều đền, chùa, nơi thờ tự ở những nơi vắng người qua lại, xa khu dân cư, người trông coi thường nghỉ ở các gian nhà cách xa khu lưu giữ cổ vật, hiện vật nên kẻ trộm dễ ra tay.
Thêm vào đó, qua khảo sát, các Ban quản lý di tích đều do lãnh đạo UBND xã kiêm nhiệm. Do vậy, việc chưa sát sao trong quản lý di tích không tránh khỏi.
Để phòng chống hiệu quả đối với loại tội phạm này, người dân và các cơ sở tín ngưỡng cần nâng cao cảnh giác và phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong công tác phòng chống, điều tra phá án. Bên cạnh đó cần gia cố, thay thế các cửa ra vào không đảm bảo an toàn; lắp đặt hệ thống camera giám sát và hệ thống cảnh báo chuyển động; cắt cử người làm nhiệm vụ bảo vệ, nhất là vào ban đêm.
Cùng với việc mất các hiện vật, cổ vật có giá trị tại những di tích văn hóa thì gần đây tình trạng trộm cắp hòm công đức cũng xảy ra gây bức xúc trong dư luận.
Cổ vậy là linh hồn của di tích. Di tích lịch sử văn hóa lại là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân ta. Chính vì vậy các ngành, các cấp và chính quyền địa phương có di tích cần làm tốt công tác bảo tồn các hiện vật, cổ vật tại các di tích lịch sử văn hóa của địa phương mình.
TK
22:06 23/07/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết