13:41 16/01/2025 Thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp, xuất hiện ngày càng nhiều các thủ đoạn mới, tinh vi, táo bạo, bất chấp pháp luật.
Ngoài các thủ đoạn truyền thống như: Lừa đảo qua gửi quà từ nước ngoài về Việt Nam, qua thông báo trúng thưởng giá trị cao; giả mạo cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Toà án để lừa đảo; kêu gọi đầu tư vào các sàn chứng khoán, tiền ảo để chiếm đoạt tài sản; lừa đảo thông qua giới thiệu việc làm oline, việc nhẹ lương cao; lừa đảo qua mua bán trực tuyến…
Lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của KHCN, tiến trình chuyển đổi số, các đối tượng đã sử dụng nhiều chiêu thức, thủ đoạn lừa đảo mới như:
Mạo danh cán bộ Cảnh sát khu vực; Công an phường, xã, thị trấn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua kích hoạt VNeID; giả mạo website Dịch vụ công trực tuyến, các website, tài khoản mạng xã hội của các cơ quan Nhà nước; giả mạo nhân viên ngân hàng yêu cầu xác thực sinh trắc học, thông tin cá nhân trên điện thoại di động để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Hay giả mạo shipper giao hàng; giả mạo QR code thanh toán tại cửa hàng bán lẻ, siêu thị, bệnh viện, nhà hàng; giả mạo đăng ký bảo hiểm xã hội, gửi link chứa mã độc giả mạo xác thực định danh điện tử, xác thực tài khoản ngân hàng…để chiếm đoạt tài sản.
Trước thực trạng trên, Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần tuân thủ và thực hiện nghiêm Quy tắc “6 KHÔNG” để tránh trở thành nạn nhân của các loại tội phạm lừa đảo nói chung, tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng.
Một là. KHÔNG cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho đối tượng không quen biết; thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.
Hai là. KHÔNG kết bạn và nói chuyện với người lạ, đặc biệt là những tài khoản có hình ảnh ngoại hình đẹp và bắt mắt. Tuyệt đối không nhận lời mời tham gia các hội nhóm mà không rõ mục đích đối tượng.
Ba là. KHÔNG truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website, ứng dụng hoặc mở tệp đính kèm đến từ người gửi không xác định, không rõ nguồn gốc.
Bốn là. KHÔNG cán bộ cơ quan Nhà nước, Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Toà án hay đơn vị tài chính nào gọi điện để điều tra qua điện thoại, yêu cầu phải cung cấp thông tin hay đóng tiền.
Năm là. KHÔNG thực hiện chuyển khoản trước, tuyệt đối không đặt cọc, chuyển tiền cho các đối tượng lạ trong bất cứ trường hợp nào.
Sáu là. KHÔNG tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”.
Hi vọng rằng, với Quy tắc “6 không” nêu trên sẽ giúp mọi người dân nhận diện, nâng cao “sức đề kháng”, bảo vệ mình và người thân, những người xung quanh phòng tránh hiệu quả các chiêu thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng của kẻ xấu.
Bình Huệ
19:11 16/01/2025
19:08 16/01/2025
17:28 16/01/2025
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh