Bản lĩnh ngoại giao nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam

17:47 08/03/2020

Việt Nam có bề dày lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước đầy gian khổ, mất mát và đau thương. Vì vậy, nhân dân Việt Nam luôn coi trọng hòa bình, đấu tranh cho hòa bình, đặc biệt trong tình hình phức tạp hiện nay. Với vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức với kinh nghiệm và uy tín của mình, mang sứ mệnh hòa giải, đoàn kết đến với các dân tộc vì một thế giới thịnh vượng, trong đó có Trung Đông và Việt Nam.

Tầm quan trọng của Trung Đông

Trung Đông là khu vực có vị trí địa – chính trị quan trọng, là vùng đất giao thoa gữa ba châu lục Á- Âu- Phi, tiếp nối giữa hai biển lớn là Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương, là mạch giao thông rất quan trọng của thế giới. Hơn thế, Trung Đông còn là tâm điểm chiến lược của thế giới bởi chứa đựng nguồn tài nguyên dầu mỏ lớn nhất thế giới, chiếm 68% trữ lượng dầu thô toàn cầu, nguồn năng lượng quý giá và cần thiết cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mọi quốc gia. Nhóm các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) có tiềm lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Trung Đông theo nghĩa rộng có dân số khoảng 350 triệu người với mức thu nhập trung bình cao, là một thị trường lớn về hàng hóa, dịch vụ, lao động, trong đó Việt Nam có khả năng cung cấp một số một số mặt hàng như: nông sản, hàng tiêu dùng, lao động,…

Cũng chính bởi vị trí địa – chính trị quan trọng, dồi dào tài nguyên cộng thêm sự đa dạng, phức tạp về dân tộc và tôn giáo nên vùng đất rộng lớn này luôn xảy ra chiến tranh, xung đột. Đặc biệt căng thẳng đang dâng cao trong các quan hệ Mỹ - Iran, Palestine –Israel, Iran với các đồng minh của Mỹ và Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng - cho sự cân bằng quân sự trong khu vực, cho chiến dịch chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cho chương trình hạt nhân của Iran và những rối loạn chính trị nguy hiểm ở Trung Đông.

Vì vậy, khi Trung Đông bất ổn, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thế giới, trong đó có Việt Nam, vì đó là các đối tác thương mại, đầu tư và thị trường lao động của Việt Nam.

 Căng thẳng giữa Palestine và Israekhiến cộng đồng thế giới lo ngại .

 

Việt Nam với sứ mệnh hòa giải

Bắt đầu một năm mới với lịch trình làm việc dày đặc, đầy căng thẳng của Việt Nam trên cương vị mới và Trung Đông chính là thử thách đầu tiên của Việt Nam.

Ngày 2-1, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), ngay trong ngày đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), mở đầu cho nhiệm kỳ thành viên HĐBA 2020-2021, Việt Nam đã phải đóng vai trò giải quyết khủng hoảng vùng Vịnh trong quan hệ Mỹ-Iran. Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn bởi Mỹ là cường quốc số 1 thế giới, trong khi Iran là cường quốc khu vực, hai quốc gia đều có ảnh hưởng rất lớn trên thế giới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

chủ trì phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của HĐBA LHQ ngày 9-1-2020

Tiếp đó, trong các ngày, từ 16 đến 29-1, HĐBA LHQ đã tổ chức phiên thảo luận về tình hình Yemen, Syria dưới sự chủ trì của Việt Nam. Tại diễn đàn, Việt Nam chia sẻ quan ngại về tình hình nhân đạo tại Yemen và Syria, về các vụ tấn công gây thương vong cho thường dân và phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nhân đạo của LHQ; kêu gọi các bên liên quan tiếp tục thể hiện ý chí chính trị, xây dựng lòng tin, thực thi đầy đủ các thỏa thuận đã ký, tạo môi trường thuận lợi cho đối thoại, đàm phán tiến tới một giải pháp chính trị toàn diện, lâu dài phù hợp với luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của HĐBA để mang lại thống nhất cho Yemen cũng như sự ổn định, hòa giải và tái thiết Syria, đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của người dân các nước này.

Về tình hình căng thẳng giữa Palestine và Israel, Việt Nam khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của người dân Palestine cũng như đối với giải pháp “hai nhà nước” với Nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại trong hoà bình với Nhà nước Isreal theo đường biên giới trong các nghị quyết của LHQ. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh các hành động có thể làm căng thẳng tình hình, thúc đẩy đối thoại và đàm phán thiện chí nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột.

Với kinh nghiệm ngoại giao, khi đảm nhiệm Chủ tịch HĐBA ngay tháng mở đầu năm kỷ niệm 75 năm thực hiện Hiến chương LHQ, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề ưu tiên là thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Sáng kiến được đưa ra nhằm góp phần thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác đa phương trong duy trì hoà bình và an ninh quốc tế; nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, tôn trọng độc lập chính trị, quyền tự quyết của các dân tộc.

Mặc dù chỉ vẻn vẹn 6 tháng chuẩn bị cho cương vị mới, Việt Nam đã được Tổng thư ký LHQ và quan chức các nước ghi nhận và đánh giá rất cao sự điều hành, dẫn dắt trong vai trò trung gian hòa giải, tháo gỡ những xung đột tại Trung Đông.

Syria đối mặt với thảm họa nhân đạo nghiêm trọng.

Kết thúc tháng đầu tiên trên cương vị Chủ tịch HĐBA, Việt Nam được ca ngợi đã xây dựng chương trình nghị sự hợp lý, xử lý linh hoạt các vấn đề phức tạp nảy sinh, đồng thời ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc cung cấp thường xuyên, trong chức trách của Chủ tịch, thông tin về công việc của HĐBA cho các nước không phải thành viên HĐBA, cho các tổ chức phi chính phủ và báo chí.

Những nỗ lực của Việt Nam và các nước đã bước đầu hiệu quả, một số nghị quyết quan trọng có tầm ảnh hưởng tới hàng triệu người trên thế giới được thông qua, trong đó có nghị quyết gia hạn cho phép tiếp tục vận chuyển hàng cứu trợ qua biên giới cho người dân Syria và tiếp tục các giải pháp làm giảm leo thang căng thẳng ở Trung Đông.

Cũng chính từ đột phá của Việt Nam, các nước mong muốn HĐBA đoàn kết hơn trong giải quyết các thách thức lớn đối với hòa bình và an ninh quốc tế, và các vấn đề cấp thiết mang tính nhân đạo  và đề nghị HĐBA cải tiến phương thức làm việc hiệu quả hơn, đáp ứng kịp thời các vấn đề cấp bách phát sinh.

Thành công trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ ủy viên không thường trực HĐBA 2020-2021, trên cương vị Chủ tịch HĐBA, đã ghi thêm một dấu mốc thành công của ngành ngoại giao Việt Nam, tạo tiền đề để Việt Nam tiếp tục có những đóng góp, phát huy hơn nữa vai trò "đối tác tin cậy vì hòa bình", khẳng định uy tín và vị thế trên trường quốc tế.

Trần Hoàng tổng hợp

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông