16:40 25/10/2019 Nga đang ngày càng chứng tỏ vai trò xây dựng và gìn giữ hòa bình trên vùng đất Trung Đông nóng bỏng. Cả một thế lực hùng mạnh do Mỹ đứng đầu, từng làm mưa làm gió tại Syria, nay phải nhường thế cờ để Nga và đồng minh nắm giữ.
Thắng lợi của Syria và Nga
Sau hơn 6 giờ hội đàm tại thành phố Sochi, miền Nam nước Nga, ngày 22-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan - quốc gia đang tiến hành chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Syria, đã ký vào bản Tuyên bố chung mà lãnh đạo Nga gọi là có tính “quyết định số phận” đối với đất nước Trung Đông.
Theo đó, hai bên trung thành với nguyên tắc bảo đảm thống nhất chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của Syria; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố; giữ nguyên trạng tại vùng mà Ankara tiến hành chiến dịch gọi là “Mùa xuân hòa bình”; Tôn trọng thỏa thuận Adan năm 1999 giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ; quân cảnh Nga và lực lượng biên phòng Syria sẽ tiến vào khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ trưa 23/10 để tạo điều kiện cho việc di dời lực lượng người Kurd; Tất cả lực lượng người Kurd và vũ khí sẽ được rút ra khỏi Manbidge và Tal-Rifat ở Đông Bắc Syria; Hai bên thi hành các biện pháp chống các phần tử khủng bố thâm nhập.
Thỏa thuận Sochi sẽ mở ra cơ hội để Syria củng cố sức mạnh sau những năm dài nội chiến và giải quyết được tình hình căng thẳng hiện nay ở khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời giảm gánh nặng của các nước trong vấn đề cưu mang người tỵ nạn Syria.Thỏa thuận Sochi đã giải quyết được rất nhiều vướng mắc mà các bên tại Syria và các bên liên quan vấp phải sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự chống lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria ngày 9/10 vừa qua.
Đánh giá về tuyên bố chung này, giới chuyên gia tại Thổ Nhĩ Kỳ gọi đây là thắng lợi ngoại giao của cả Moskva và Ankara. Đặc biệt, thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ không đi ngược lại thoả thuận Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trước đó. Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận ngừng bắn và rút lực lượng người Kurd, thì Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng thỏa thuận không nối lại chiến sự, và việc rút lực lượng người Kurd giờ đây còn được phía Nga bảo trợ. Chính vì lẽ đó, giới quan sát đánh giá thỏa thuận tại Sochi có tính khả thi rất cao.
Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục được có mặt tại Syria, gián tiếp giữ được “vùng an toàn”, song như tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan “không cần thiết phải tiến hành chiến dịch quân sự mới ở Syria". Thỏa thuận này được đánh giá là rất kịp thời và có ý nghĩa đặc biệt khi được đưa ra đúng lúc thời hạn 5 ngày ngừng bắn để các tay súng người Kurd rút khỏi "vùng an toàn" theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc.
Có thể gọi thỏa thuận như một “chiếc barie” ngăn chặn giao tranh tái diễn với nguy cơ dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang hứng chịu sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế cũng như các biện pháp trừng phạt của Mỹ sau khi mở chiến dịch quân sự tấn công người Kurd ở Đông Bắc Syria, thỏa thuận với Nga đã tạo “hành lang” cần thiết để Ankara có thể rút khỏi một “bãi lầy” mà nước này vừa sa vào khi đưa quân vào lãnh thổ một quốc gia có chủ quyền.
Chính phủ Syria cũng hài lòng khi khu vực thuộc quyền kiểm soát hợp pháp của Damascus sẽ được mở rộng. Ngoài ra, điểm quan trọng nhất trong tuyên bố chung không phải là những thỏa thuận cụ thể mà là lời cam kết bảo đảm thống nhất chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đặc biệt từ phía Ankara.
Thế trận mới tại Syria
Quyết định rút quân Mỹ ra khỏi Đông Bắc Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kéo theo một loạt sự thay đổi tình hình trên chiến trường Syria chóng mặt có lợi cho Nga-Syria và Iran khiến cho các thành phần chống Tổng thống D.Trump bất bình, đổ lỗi cho Tổng thống Trump đã gây ra thảm cảnh của người Kurd, khiến những hy sinh của binh lính Mỹ và các đồng minh trở nên vô nghĩa, chuốc lấy những cơn giận dữ của cộng đồng người Kurd…
Nga muốn Mỹ rời khỏi Syria. Moscow từng nhiều lần tuyên bố rằng, sự hiện diện của Mỹ tại Syria là phi pháp. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng nói, ông không tin Tổng thống Trump sẽ thực hiện đúng tuyên bố rút binh sĩ Mỹ khỏi khu vực bắc Syria.
Quyết định rút quân vội vã của D.Trump khiến tình thế nhanh chóng xấu đi với hàng trăm người Kurd thiệt mạng, trong đó có Hevrin Khalaf 35 tuổi - nữ thủ lĩnh người Kurd - Tổng thư ký đảng Tương lai Syria. Nhưng chiến sự cũng nhanh chóng được dập tắt bởi tương quan lực lượng quá chênh lệch dẫn đến sự trở lại của chính quyền Syria trong vùng tự trị của người Kurd cùng sự bảo đảm của nước Nga và thực sự binh lính Nga đã đặt chân lên các căn cứ Mỹ vừa rút đi.
Nga và Syria đắc lợi, không đánh mà thắng, được cai quản cả vùng rộng lớn phía Bắc Syria giàu tài nguyên và có vị trí chiến lược quan trọng, kèm theo đó là sự quy thuận của lượng lớn người Hồi giáo Sunni, vốn mâu thuẫn gay gắt với chế độ Tổng thống Bashar al-Assad. Như vậy, mối lo từ phương Bắc của Tổng thống Syria không còn, và đây sẽ là vùng đệm an toàn trước nguy cơ từ Thổ Nhĩ Kỳ, toàn bộ căng thẳng đe dọa đến toàn vẹn chủ quyền của Syria có cơ hội được tháo gỡ.
Ngay cả người Kurd cũng không thua cuộc. Tham vọng thành lập “nhà nước của người Kurd” vốn chưa bao giờ đến được gần như vậy. Nay người Kurd được an toàn rút lui, việc phải làm là thỏa thuận với Chính phủ Syria về quyền tự trị lớn bên trong đất nước Syria, chấm dứt việc bị thế lực bên ngoài sử dụng, đó cũng là cơ hội tốt nhất đối với dân tộc chiếm hơn 10% dân số Syria này.
Theo Hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 23/10, trong cuộc gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, lãnh đạo Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) Mazloum Abdi đã cảm ơn Nga vì đã đảm bảo thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, SDF hứa sẽ hỗ trợ quân đội Syria và cảnh sát quân sự Nga trong hoạt động tuần tra biên giới.
Trên chiến trường cuộc nội chiến Syria, Mỹ luôn muốn giành ưu thế trước Nga, nhưng nay, với vị thế của Nga, thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ còn cứu cho Mỹ khỏi những chỉ trích của dư luận thế giới trong thảm họa người Kurd. Hy vọng những nội dung trong thỏa thuận Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được thực thi nghiêm túc bởi các bên.
Trần Hoàng tổng hợp