Bảo vệ Cây di sản - Bảo vệ chứng nhân lịch sử, văn hóa

17:13 18/12/2022

Đến nay, toàn thành phố Hải Phòng đã có gần 200 cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam, tập trung vào 22 loài thực vật bản địa, nổi bật nhất là các loài: gạo, sanh, si, đa, đại, bồ đề, thị... Việc chăm sóc, bảo vệ Cây di sản không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn tại chỗ đa dạng loài cây và gen thực vật mà còn là hoạt động thiết thực lưu giữ, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống.

 Cây trăm tuổi: Di sản và ký ức

Cây đa và cây muỗm hơn 300 năm tuổi tại Khu di tích đình, chùa Do Nha, xã Tân Tiến, huyện An Dương

Trong tiến trình phát triển lịch sử của mỗi dân tộc, cây xanh luôn gắn kết với con người, đi vào tiềm thức của bao thế hệ người dân qua hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình.

Có những cây xanh tuổi đời hàng trăm, ngàn năm, là “chứng nhân” xuyên thế kỷ, minh chứng cho lịch sử; xòe bóng ấp ôm bao phận đời dâu bể và mãi truyền cho các thể hệ mai sau những thông điệp của quá khứ...

Đến làng Do Nha, xã Tân Tiến, huyện An Dương, theo lời chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi được chiêm ngưỡng một khuôn viên cây xanh nhiều năm tuổi ngay trong quần thể Khu di tích đình, chùa Do Nha. Trong số đó có 2 cây đa và cây muỗm được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận Cây di sản vào tháng 10 năm 2022.

 

Niềm vui ngày hội 

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Ban quản lý khu di tích, thời xưa, người dân làng Do Nha đã trồng cây đa, cây muỗm để ghi lại sự kiện trọng đại trùng tu lớn ngôi chùa Triệu Tường mà trong “thạch đài trụ” đã khắc ghi năm 1687. Tức là tính đến nay, hai cây đã có khoảng trên 300 năm tuổi.

Đa là loại cây gắn bó với đời sống văn hóa tâm linh và đã đi vào trong ca dao, dân ca của người Việt Nam qua hình tượng “cây đa, giếng nước, sân đình”. Thuộc loài cây dung thụ, rễ cọc dày, ăn sâu vào lòng đất, hút được linh khí của trời đất, có sức sống rất mạnh mẽ, bền bỉ, dẻo dai, cây đa thường được người dân ta trồng nơi đình, đền, chùa, miếu với ước muốn Phật, Thánh ban cho mọi người được hưởng tam đa: “phúc - lộc - thọ”, đó là 3 điều quý giá.

Cây đa ở đình chùa Do Nha, xã Tân Tiến, huyện An Dương

 Cây đa ở đình chùa Do Nha có nhiều thân, gốc to, cây cao lớn, hùng vĩ, nhiều cành lớn vươn dài ra phía tam quan, tạo nên dáng thế nghênh phong, như người quân tử đón chào những người bạn hiền.

Tán lá cây xanh tốt che rợp cả một khu vực sân trước chùa và miếu thờ Thành hoàng, như chiếc ô lớn phủ bóng mát, che chở cho Nhân dân làng Do Nha và khách hành hương về chiêm bái nơi phụng thờ Phật, Thánh.

“Cụ” đa đứng đó như kể về những chiến công hiển hách của 3 vị tướng quê hương làng Do Nha trong chiến trận trên sông Bạch Đằng năm 1288.

Theo thần phả, Thần tích Thành Hoàng làng và các đạo sắc phong qua các đời vua còn lưu giữ tại đình làng Do Nha, cách đây hơn 700 năm, thời kỳ 1287 - 1288, quân Nguyên Mông kéo sang xâm lược nước ta lần thứ 3. Vua Trần Nhân Tông cử Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn tổng chỉ huy quân và dân chống giặc trên sông Bạch Đằng.

 

Các đại biểu thực hiện lễ khai biển Cây Di sản Việt Nam

3 anh em họ Nguyễn gồm Nguyễn Đống, Nguyễn Cây, Nguyễn Bến đều là những người làng Do Nha, văn võ song toàn, theo lời hiệu triệu đi theo Trần Quốc Tuấn đánh giặc. Trong đó, anh cả Nguyễn Đống được phong là Đô đốc tiên phong chỉ huy đánh giặc bắt sống tướng giặc là Ô Mã Nhi, góp phần cùng quân và dân Đại Việt làm nên chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, chôn vùi mộng xâm lăng của đế chế Nguyên Mông đối với nước ta ở thế kỷ 13.

Cây muỗm ở đình chùa Do Nha, xã Tân Tiến, huyện An Dương đứng sừng sững như trụ kình thiên

Cũng như cây đa, cây muỗm thường được người dân trồng ở những nơi thờ tự Phật, Thánh bởi có tuổi thọ lớn, thân cây to lớn và dáng đứng ngay thẳng vươn lên trời cao. Cây có tán lá rộng, dày gần như xanh tươi bốn mùa. Cây muỗm tại khuôn viên Khu di tích đình, chùa làng Do Nha có thân cao, to, thẳng đứng như trụ kình thiên, tán rộng xum xuê, tỏa bóng mát cho mọi người.

Cây muỗm cùng với cây đa như những vị “thần mộc” tạo cho cảnh chùa cũng như khu di tích sự thiêng liêng, vẻ đẹp màu xanh tươi mát thanh bình và hạnh phúc. Đây cũng là nơi để người dân nghỉ ngơi, họp mặt, chia sẻ tình cảm sau những

Dù trải qua nhiều thế kỷ, tới nay 2 cây đa và muỗm trên vẫn xanh tốt, mang sức sống trường tồn, trở thành “mộc linh” quý của làng.

Còn đối với ông Nguyễn Đức Biền, một người dân xã Đại Bản, huyện An dương chia sẻ: “Không chỉ đối với người dân làng Do Nha, xã Tân Tiến mà cả huyện đều tâm niệm cây đa và cây muỗm nơi đây mang đến yên vui, no ấm cho địa phương; là nơi lưu trữ những ký ức của biết bao người. Vì vậy bà con luôn có ý thức chăm sóc, bảo vệ hai cây đại thụ của làng.”

Để gìn giữ và phát huy giá trị Cây di sản

Như đã nói, với lịch sử mở mang và xây dựng, vùng đất “Hải Tần Phòng Thủ” ngày nay còn lưu giữ nhiều cây cổ thụ quý báu được vinh danh là Cây di sản Việt Nam.

Cây được đón nhận danh hiệu Cây di sản đầu tiên ở thành phố Cảng là cây gạo hơn 800 tuổi tại đền Mõ, xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy). Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cây gạo cao hơn 30 mét, đường kính gốc trên 2 mét nằm trong khuôn viên ngôi đền thiêng vẫn bốn mùa xanh tốt, “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Rồi còn cây đa hơn 300 năm tuổi trổ nhiều gốc nhất trong cả nước ở xóm Trại, phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền), được người dân thành phố gọi tên là cây đa 13 gốc.

 

Cây đa hơn 300 năm tuổi trổ nhiều gốc nhất trong cả nước ở xóm Trại, phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền)

 Hay cây bồ đề ở chùa Đót, thôn Quan Bồ, xã Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng) được coi là một trong những cây cổ thụ lâu đời nhất ở mảnh đất ven biển này với tuổi đời được ước tính khoảng 1.500 năm; cây gạo có tuổi đời hơn 5 thế kỷ ở chùa Thắng Phúc, xã Tiên Thắng (huyện Tiên Lãng) là một trong số ít cây cổ thụ được ghi vào chính sử.

Đảo Hòn Dáu

Quần thể đa búp đỏ trên đảo Hòn Dáu

Độc đáo nữa là quần thể đa búp đỏ trên đảo Hòn Dáu và rặng thị cổ gồm 17 cây ở núi Ngọc (quận Đồ Sơn)…

Cây gạo hơn 800 tuổi tại đền Mõ, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy

Hỏi chuyện những người dân sống quanh những Cây di sản này mới thấy được tình cảm của họ với cây cổ thụ. Ai cũng coi đó như báu vật, cũng quý trọng, nâng niu với tình cảm thiêng liêng. Những “cụ” cây đó, dù mọc tự nhiên hay được trồng, dù ở làng quê hay trong đô thị đều được chăm sóc bởi nhiều thế hệ tiền nhân và những thế hệ hôm nay.

Cây di sản đều được chăm sóc bởi nhiều thế hệ tiền nhân 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã viết trong cuốn sách “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam”: Hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam là sáng kiến quan trọng và trực tiếp góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường.

Đây cũng là kết nối truyền thống văn hóa của dân tộc Việt, góp phần cải thiện đời sống người dân và mở ra những hướng hoạt động mới trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Để được công nhận là cây di sản phải đáp ứng được các tiêu chí như: Cây mọc tự nhiên, phải sống trên 200 năm, cao to hùng vĩ (cao trên 40 m, chu vi trên 6 m đối với cây gỗ đơn thân còn đối với các cây đa, si thuộc chi ficus phải cao trên 25 m, chu vi trên 15 m), có hình dáng đặc sắc.

Đối với cây trồng, phải sống trên 100 năm, cao to hùng vĩ (cao trên 30 m, chu vi trên 3,5 m đối với cây gỗ đơn thân còn với cây đa, si thuộc chi ficus phải cao trên 20 m, chu vi trên 10 m), có hình dáng đặc sắc (ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử). Cây không đạt các tiêu chí kỹ thuật đã nêu nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học hoặc lịch sử hoặc văn hóa hoặc mỹ quan cũng sẽ được xem xét.

Vậy nên, cây di sản không đơn thuần là những cây cổ thụ, mà còn là những nhân chứng lịch sử, văn hóa của đất nước, của dân tộc cần được tôn vinh và bảo vệ.

TRÍ NGUYỄN - TÚ QUYÊN

Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông