Bảo vệ người tiêu dùng tài chính – Cần sớm sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi và nâng cao vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

08:42 21/08/2023

Tại Việt Nam, bảo vệ người tiêu dùng chủ yếu dựa trên căn cứ pháp lý là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng luật này lại chưa có quy định riêng về bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Người dân quan tâm tìm hiểu về chính sách Bảo hiểm tiền gửi

 Việt Nam cũng chưa có các tổ chức chuyên trách quản lý tập trung đối với việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Tổ chức duy nhất tại Việt Nam là Bảo hiểm tiền gửi Việt nam (BHTGVN) được thành lập với sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền – cũng là đối tượng người tiêu dùng tài chính. Hiện nay, Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động BHTG tại Việt Nam.

Bảo vệ người tiêu dùng tài chính – từ vai trò của BHTGVN

Hiện có 5 cơ quan liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quản lý trong lĩnh vực ngân hàng; Bộ Tài chính quản lý lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm; Bộ Công Thương, Bộ Thông tin – Truyền thông và Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng chịu trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng nói chung. Cả 5 cơ quan này đều có khả năng tham gia vào quá trình bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính, nhưng các cơ quan này đều chưa có bộ phận chuyên trách cũng như quy trình quản lý cụ thể để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng, chưa có cơ chế phối hợp để xử lý các xung đột lợi ích xảy ra khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính.

Về lý thuyết, người gửi tiền là một bộ phận quan trọng của hệ thống tài chính Việt Nam. Đây cũng là một đối tượng người tiêu dùng dịch vụ tài chính, bởi ngoài dịch vụ tiết kiệm, thu hút tiền gửi, các ngân hàng thương mại còn cung cấp các dịch vụ khác như phát hành chứng chỉ tiền gửi, cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, cấp tín dụng, bảo lãnh tín dụng, phát hành trái phiếu, phân phối bảo hiểm…

Mục tiêu của chính sách BHTG là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền – người tiêu dùng tài chính trong nền kinh tế. Khi người gửi tiền có kiến thức và niềm tin vào các tổ chức tài chính sẽ thúc đẩy các giao dịch tài chính và khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm. Từ đó, góp phần tác động tích cực đến tài chính toàn diện quốc gia.

Tại Việt Nam, hệ thống ngân hàng vẫn là nguồn cung ứng vốn chính của nền kinh tế, do vậy người gửi tiền là một thành phần rất quan trọng đối với hệ thống tài chính Việt Nam.

BHTGVN được thành lập với sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần vào sự ổn định, phát triển lành mạnh của hệ thống tài chính quốc gia. Hiện nay, BHTGVN đang bảo vệ tiền gửi của người gửi tiền tại 1.280 tổ chức tham gia BHTG. BHTGVN bảo vệ người gửi tiền thông qua 2 hình thức: trực tiếp và gián tiếp.

Theo đó, BHTGVN bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền gián tiếp qua việc triển khai những nghiệp vụ như: giám sát và kiểm tra định kỳ nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về BHTG và an toàn trong hoạt động ngân hàng. Ngoài ra, để tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, BHTGVN còn triển khai các nhiệm vụ: cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, tham gia xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân; thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTG đa dạng qua nhiều kênh, phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức công chúng, đặc biệt hướng tới sinh viên, người gửi tiền ở vùng sâu, vùng xa – những người dễ bị tổn thương vì thiếu thông tin, kiến thức tài chính.

Không chỉ vậy, trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG gặp phải sự cố mất khả năng thanh toán, BHTGVN sẽ bảo vệ trực tiếp người gửi tiền thông qua nghiệp vụ chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền với hạn mức theo quy định của pháp luật. Số tiền vượt hạn mức sẽ được chi trả trong quá trình thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG đó. Nhờ vậy, người gửi tiền an tâm hơn khi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng có tham gia BHTG, qua đó chủ động hơn trong các giao dịch tài chính, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.

Sau hơn 20 năm hoạt động, có thể nói, BHTGVN đã bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, cũng chính là bảo vệ người tiêu dùng tài chính – chủ thể, trọng tâm của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia thông qua việc cụ thể hóa chính sách BHTG, triển khai đồng bộ các nghiệp vụ để củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính, nâng cao nhận thức tài chính. Nhờ đó người tiêu dùng đưa ra lựa chọn tốt nhất để tham gia các giao dịch tài chính, đồng thời khuyến khích họ sử dụng dịch vụ tài chính chính thống, hợp pháp. Chính vì vậy, thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa vai trò của BHTGVN trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng tài chính – người gửi tiền.

Sớm sửa đổi Luật BHTG – tăng cường vai trò bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính

Tại Việt Nam, bảo vệ người tiêu dùng chủ yếu dựa trên căn cứ pháp lý là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng luật này lại chưa có quy định riêng về bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Trong khi đó, các luật thuộc lĩnh vực tài chính như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng nhưng chưa đầy đủ và thiếu những hướng dẫn cụ thể xử lý kịp thời, hiệu quả các khiếu nại của người tiêu dùng tài chính.

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, chiều 20/6/2023, với 93,7% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, tại Luật này cũng chưa có quy định riêng về bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Các đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đối với những lĩnh vực đặc thù, cần có các quy định của pháp luật chuyên ngành để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ví dụ như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng cần phải áp dụng cả pháp luật về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Đồng thời, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt hơn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và trong giao dịch điện tử.

Trong khi đó, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi mới đây cũng nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội. Trong đó có yêu cầu hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, tạo thuận lợi việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt, các đại biểu cũng nêu vấn đề quyền lợi của người gửi tiền sẽ được bảo đảm như thế nào trong trường hợp ngân hàng bị phá sản. 

Hiện nay, Luật BHTG là cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động BHTG tại Việt Nam.Với việc luật hóa và cụ thể hóa nhiều nội dung, Luật BHTG đã nâng cao hiệu lực cũng như khả năng thực thi của chính sách BHTG, đưa chủ trương bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng lên một tầm cao mới. Luật này đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về BHTG, tổ chức BHTG, tổ chức tham gia BHTG cũng như quy định về quyền lợi của người gửi tiền, qua đó tạo hành lang thông thoáng, rõ ràng cho hoạt động BHTG. Suốt quá trình triển khai, các quy định của luật đã đi vào cuộc sống, tiếp tục phát huy hiệu quả mạnh mẽ.

Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai, Luật BHTG cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, do thực tiễn đã có nhiều thay đổi, hơn nữa Luật chưa quy định, quy định chưa rõ hoặc có quy định nhưng không thống nhất với luật khác như: Về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, miễn phí BHTG; về tiền gửi không được bảo hiểm; về trục lợi BHTG...

Những năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quan trọng liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG. Theo đó, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước: “Tăng cường vai trò và giao nhiệm vụ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và BHTGVN trong việc phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các quỹ tín dụng nhân dân; thực hiện tốt vai trò trách nhiệm đầu mối liên kết hệ thống của Ngân hàng Hợp tác xã trong điều hòa vốn, hỗ trợ cho vay đối với quỹ tín dụng nhân dân gặp khó khăn về tài chính, thanh khoản; tích cực tham gia xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động; nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn tiền kết dư phí BHTG để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém”.

Bên cạnh đó, các Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều nhấn mạnh việc sử dụng nguồn lực của BHTGVN Nam nhằm hỗ trợ phục hồi, xử lý các tổ chức tín dụng quy mô nhỏ gặp vấn đề. Để tạo hành lang pháp lý triển khai những chủ trương này, cần có quy định cụ thể trong Luật BHTG và đảm bảo sự thống nhất của luật này với các luật có liên quan như Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng.

Chính vì vậy, tại Quyết định 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 được ban hành ngày 8/6/2022, Thủ tướng đã chỉ đạo nhóm giải pháp về cơ sở pháp lý cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, trong đó có nội dung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật BHTG và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo hướng: Nghiên cứu, xây dựng và bổ sung cơ chế hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến tài chính và hoạt động; nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN được tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém...

Tại Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ, ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng và hoạt động ngân hàng, trong đó có Luật BHTG.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG được đặt ra ở thời điểm này là rất cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người gửi tiền, bảo vệ an toàn hệ thống ngân hàng; xử lý những vướng mắc đã phát sinh trong quá trình triển khai chính sách này trong thời gian qua; và để có những quy định thống nhất với các luật có liên quan như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (Luật số 17/2017/QH14), Luật Phá sản…

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung Luật BHTG còn nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao vị thế, vai trò của BHTGVN để tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, nhằm bảo vệ tốt hơn, kịp thời hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, mở rộng hơn nữa là bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng tài chính.

Nâng vị thế, vai trò của BHTGVN trong bảo vệ người tiêu dùng tài chính

Cùng với sớm sửa đổi Luật BHTG, để nâng vai trò của BHTGVN trong bảo vệ người tiêu dùng tài chính – người gửi tiền, cần thường xuyên đánh giá hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng tài chính – người gửi tiền trên cơ sở Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển BHTG hiệu quả và phương pháp đánh giá kèm theo. Từ đó, xác định được kết quả và hạn chế trong công tác bảo vệ người tiêu dùng tài chính và các vấn đề có liên quan như các sản phẩm tài chính và tiền gửi số hóa, phương thức giao dịch hay dịch vụ tài chính phi ngân hàng cho người nghèo trong tương quan với quy định về BHTG.

Tiếp tục triển khai việc bảo hiểm cho các hình thức dịch vụ và sản phẩm tài chính như tiền gửi trực tuyến trong phạm vi cho phép của Luật BHTG nhằm đáp ứng sự đổi mới ngày một sâu sắc của hoạt động tài chính, ngân hàng hiện đại, nhất là tiền gửi của đối tượng người gửi tiền nhỏ lẻ, cá nhân. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chi tiết các quy định cụ thể đối với hình thức gửi tiền trực tuyến, gửi tiền trên điện thoại di động.

Tập trung nâng cao vai trò tuyên truyền chính sách BHTG đến công chúng. BHTGVN cần tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền như Ngân hàng Nhà nước để tổ chức thêm nhiều chương trình phổ biến chính sách, giáo dục tài chính cho người dân tại các địa phương. Triển khai đánh giá hiệu quả của hoạt động tuyên truyền một cách định kỳ thông qua điều tra, khảo sát; qua đó xây dựng được chiến lược truyền thông phù hợp cho từng thời kỳ.

Với sự phát triển nhanh và mạnh của hệ thống ngân hàng với hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ mới được giới thiệu ra thị trường, cùng với đó là xu hướng áp dụng các sản phẩm mang tính công nghệ cao đặt ra nhiều thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền của BHTGVN. Do vậy, trong ngắn hạn, BHTGVN cần nghiên cứu đề xuất định kỳ tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm; nâng cao nhận thức công chúng về BHTG, nhất là với những đối tượng yếu thế trong xã hội và có ít hiểu biết về mặt tài chính như người già, người khuyết tật, người dân ở vùng sâu vùng xa...Trong trung và dài hạn, BHTGVN cần nghiên cứu để áp dụng các nguyên tắc về bảo vệ người tiêu dùng tài chính nhằm nâng cao hiệu lực bảo vệ người gửi tiền.

Ở tầm vĩ mô, cần tăng cường năng lực tài chính cho BHTGVN (như tăng vốn điều lệ, đa dạng hoá danh mục đầu tư… ) để thực hiện chính sách BHTG - chính sách bảo vệ người gửi tiền – người tiêu dùng tài chính, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của các tổ chức tín dụng. 

Thái Bình

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông