Bệnh viện trẻ em Hải Phòng: Hành trình giành sự sống cho những hài nhi

    19:04 15/10/2017

    Hầu hết những bệnh nhi sinh non, nhẹ cân, đặc biệt là trẻ có cân nặng dưới 1kg, được chuyển đến BV trẻ em Hải Phòng đều trong tình trạng “cận kề cái chết”, vì trẻ bị sắc nước ối, tim phổi đều rất yếu. Bởi vậy, có tận mắt nhìn những trẻ sinh non nằm trong lồng ấp thì mới cảm nhận được hết tinh thần trách nhiệm, cuộc chiến sinh tử quyết liệt của các y, bác sỹ nơi đây để giành lại sự sống cho những sinh linh bé nhỏ…

    Gian nan cứu sống trẻ sinh non

    Chúng tôi có dịp vào tăm Buồng đơn nguyên sơ sinh, thuộc Khoa hồi sức cấp cứu BV Trẻ em Hải Phòng, mới cảm nhận được sự vất vả của tập thể y bác sỹ nơi đây đang ngày đêm gồng mình, giành giật sự sống của những hài nhi bé nhỏ. Trong những chiếc lồng ấp được lắp đặt các trang thiết bị hiện đại nhất để phục vụ công tác cứu sống cho các trẻ sinh non.

    Buồng đơn nguyên sơ sinh được vô trùng rất chặt chẽ, từ bác sỹ, đến người nhà bệnh nhân khi vào thăm bé đều phải đảm bảo vô khuẩn, tránh lây truyền bệnh cho những bẹnh nhi. 

    Trẻ sinh non được nuôi trong lồng ấp hiện đại (Ảnh Hồng Hải) 

    Dẫn chúng tôi đi thăm hệ thống máy móc, trang thiết bị vô cùng hiện đại được trang bị trong thời gian qua, bác sỹ Vũ Hữu Quyền, Trưởng khoa hồi sức cấp cứu BV trẻ em Hải Phòng cho biết: “Buồng đơn nguyên sơ sinh của khoa hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều trẻ sinh non, nhẹ cân. Khoa được trang bị 18 lồng ấp, 10 giường đa năng, có đủ thiết bị máy sưởi, máy chiếu vàng da, cùng nhiều trang thiết bị hiện đại, cùng với trình độ chuyên môn của tập thể y bác sỹ trong khoa vững vàng, nên nhiều trẻ sinh non có cơ hội được cứu sống…”

    Qua trao đổi, bác sỹ Vũ Hữu Quyền cho cho biết thêm: Do sự cơ thể trẻ sinh non chưa phát triển hoàn thiện, nên trẻ chào đời phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Trong đó, có những nguy cơ như: trẻ bị ngạt, hạ thân nhiệt, đường máu, suy hô hấp, xuất huyết, nhiễm trùng sơ sinh, cũng như khó khăn về sinh dưỡng, nên trẻ dễ bị viêm ruột hoại tử và vàng da. Khi trẻ nhập viện, sẽ được điều trị phòng chống những nguy cơ trên.

    Nhiều trẻ phải điều trị với thời gian dài từ 2-3 tháng, đến khi trẻ có thể tự ăn đường miệng và không cần hỗ trợ đường thở bằng máy móc, thì trẻ sẽ được xuất viện. Nhiều bé sinh non tới hơn 2 tháng, được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng bị sặc nước ối, tim phổi suy…tưởng không thể qua khỏi, thế nhưng chưa đầy một tuần sau sức khỏe đã cải thiện tốt, đã có thể tự thở. Cũng không ít trường hợp trẻ sinh non phải tử vong do không đáp ứng được thuốc điều trị…

     Ngoài ra, biến chứng nguy hiểm nhất đối với trẻ sinh non là xuất huyết não. Do đó, trẻ nhập viện trong 7 ngày đầu có tỷ lệ tử vong rất cao, cần phải được theo dõi, ngăn ngừa biến chứng này, cùng theo dõi sát sao với các máy đo nhịp tim, nhịp thở của trẻ. Ngoài ra, trẻ rất dễ mắc biến chứng mù mắt do bệnh võng mạc ROP và bệnh phổi mãn tính do phải thở máy quá lâu.

    Tận tâm, hết lòng vì bệnh nhi

    Trong rất nhiều trường hợp trẻ sinh non, nhẹ cân được cán y bác sỹ và điều dưỡng trong Buồng đơn nguyên sơ sinh, Khoa hồi sức cấp cứu BV trẻ em cứu sống, phải kể trường hợp bé trai con sản phụ Đỗ Thị Thùy Dương, ở số nhà 244, tổ dân phố 1, trị trấn An Dương. Ngày 10-7-2017, sản phụ Dương mang thai được 28 tuần tuổi thì chuyển dạ phải nhập BV Phụ sản và sinh non bé trai nặng 0,8kg. Sau đó, cháu bé nhanh chóng được BV phụ sản chuyển sang BV trẻ em Hải Phòng để cấp cứu, trong tình trạng suy hô hấp nặng.

    Đây cũng là trường hợp trẻ sinh non quá nhẹ cân được Buồng đơn nguyên sơ sinh cứu sống hy hữu. Vì rất nhiều năm qua, trẻ có cân nặng 0,8-0,9kg hầu hết là tử vong sau vài ngày nhập viện. Khi tiếp nhận cháu bé, tất cả tập thể y bác sỹ Khoa hồi sức cấp cứu đều xác định cháu sẽ tử vong như những đứa trẻ nhẹ cân khác.

    Ngay sau khi tiếp nhận trường hợp này, trẻ nhanh chóng được đặt xông dạ dày, dùng thuốc nở phổi, thở máy, truyền dịch nuôi dưỡng. Rất nhiều ngày khi nhập viện, bé trong tình trạng nguy kịch, nhưng được sự quan tâm, tận tình, chu đáo của tập thể y bác sỹ, sau hơn 2 tháng điều trị, chăm sóc tích cực trong lồng ấp, cháu bé đã được cứu sống trong niềm vui và hạnh phúc của tập thể y bác sỹ và gia đình. Hiện cháu bé đã tự thở và tự bú bình, với cân nặng lúc xuất viện là 1,7kg…”

    Đón con trai được hồi sinh từ Buồng đơn nguyên sơ sinh của BV Trẻ em Hải Phòng mà chị Dương không cầm được nước mắt của sự vui mừng,  bởi chị không tin rằng con mình sẽ sống… sức khoẻ của cháu đã ổn định và cháu có thể ăn uống như mọi trẻ sơ sinh khác.

    Trong số những nữ điều dưỡng đảm nhiệm công tác chăm sóc trẻ sinh non tại Buồng đơn nguyên sơ sinh, thì chị Trương Thị Nam, sinh 1989, đã có 5 năm gắn bó với buồng. Ngần ấy thời gian công tác, chị đã chứng kiến những nỗi đau mất mát của những sản phụ khi con mình không còn cơ hội sống. Và chị cũng những được hòa chung niềm vui, niềm hạnh phúc của biết bao gia đình khi đón những đứa trẻ sinh non được cứu ống từ trong lồng ấp về với gia đình, với hơi ấm của tình mẫu tử thiêng liêng.

     Khi hỏi về đặc thù công việc, điều dưỡng Trương Thị Nam cho biết: Hầu hết những hài nhi sinh non, nhẹ cân phải nhập viện đều trong tình trạng nguy kịch. Xác định sự sống của các cháu bé chỉ còn tính bằng phút, nên ngay sau khi tiếp nhận, các y bác sỹ Khoa hồi sức cấp cứu đã cho bé thở máy, dùng thuốc nở phổi, truyền dịch nuôi dưỡng và dùng kháng sinh, với hy vọng cứu bé trước bàn tay tử thần”.

                                        Trẻ sinh non, nhẹ cân được chăm sóc đặc biệt (Ảnh Hồng Hải)                                                                          

    Chị Nam chi biết thêm: Nhiiều khi nâng đứa trẻ trên tay, tôi thương đến xót xa, nhất là lúc tìm ven để tiêm thuốc, thử máu…cơ thể quá bé nhỏ nên rất khó khăn cho công tác điều trị của người bác sĩ. Những lúc trẻ nhiều đờm hoặc bị trướng bụng phải hút, ai thấy cũng chạnh lòng trắc ẩn…

    Cũng theo bác sỹ Vũ Hữu Quyền, ở Việt Nam nói chung và TP Hải Phòng nói riêng, những trường hợp trẻ sinh non dưới 1kg thường chăm sóc, nuôi dưỡng vô cùng khó khăn và tỷ lệ sống cũng mong manh.

    Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất để giành giật sự sống cho những hài nhi là nhân lực ít. Hầu hết các bệnh nhi sinh non nhập viên đều tách mẹ và người thân hoàn toàn. Mọi công việc chăm sóc, nuôi dưỡng đều do điều dưỡng viên đảm nhiệm, nên cường độ làm việc của đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng viên luôn căng thẳng.

    Mặc dù công việc rất tất bật, nhưng nhìn những sinh linh bé nhỏ được hồi sinh nhờ bàn tay chăm sóc của những y bác sỹ, điều dưỡng viên, cũng là động lực giúp cho tập thể Khoa hồi sức tích cực BV trẻ em Hải Phòng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, trở thành địa chỉ tin yêu của những gia đình bệnh nhi, để nụ cười nở mãi tren môi trẻ thơ…

    Hồng Hải

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông