Bộ Công an: Giao ban công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ quý I, năm 2023

20:04 17/04/2023

Chiều 5-4, Bộ Công an tổ chức Hội nghị giao ban công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) quý 1 năm 2023. Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Công an thành phố Hải Phòng, Đại tá Phạm Viết Dũng – Phó Giám đốc Công an thành phố dự và chủ trì hội nghị.
Đại tá Phạm Viết Dũng - Phó giám đốc CATP dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu CATP Hải Phòng

Theo báo cáo tại hội nghị, trong quý 1 năm 2023, tình hình cháy giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022 (giảm số vụ, thiệt hại về người và thiệt hại về tài sản). Cụ thể, toàn quốc xảy ra 409 vụ cháy (giảm 34 vụ), làm chết 19 người (giảm 5 người), bị thương 11 người (giảm 14 người), thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 22,09 tỷ đồng (giảm 35,83 tỷ đồng). Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH toàn quốc đã trực tiếp tham gia 212 vụ cứu nạn cứu hộ, tổ chức cứu được 116 người; tìm kiếm được 127 thi thể, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Các vụ cháy tập trung chủ yếu ở địa bàn thành thị và xảy ra ở một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh; số vụ cháy tại khu vực nhà dân vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người; các vụ cháy cơ sở sản xuất, kho hàng hóa có nhiều dấu hiệu gia tăng, đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng đối với loại hình cơ sở này… Theo phân tích, nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy là do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện, số còn lại là do sơ suất bất cẩn trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và do đốt cỏ, rác.

Về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới. Trong quý 1 năm 2023, Công an các địa phương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với sở thông tin và truyền thông, cơ quan thông tin truyền thông và chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp đến cơ quan, tổ chức, người dân.

Qua đó, trong 3 tháng đầu năm, các lực lượng PCCC&CNCH đã phát hơn 2.000 lượt phóng sự, clip tuyên truyền hướng dẫn về PCCC trên truyền hình; tuyên truyền hơn 92.000 lượt trên hệ thống đài phát thanh cơ sở, xã, phường, thị trấn; phát hành hơn 655.000 tờ rơi, 8.229 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền và trên các nền tảng xã hội, zalo, Facebook, gửi tin nhắn đến số điện thoại của người dân khuyến cáo các biện pháp an toàn PCCC&CNCH.

Ngoài ra, các lực lượng PCCC cơ sở đã tổ chức hơn 12.000 buổi tuyên truyền trực tiếp với 386 nghìn người tham gia qua các buổi sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố. Cũng trong quý 1 năm 2023, các địa phương đã xây dựng được 4.520 mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, đạt tỷ lệ 20,5%; xây dựng được 4.667 mô hình Điểm chữa cháy công cộng, đạt tỷ lệ 16,12%. Nâng tổng số mô hình được xây dựng là 8.975 mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và 7.619 mô hình Điểm chữa cháy công cộng.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác PCCC&CNCH, thời gian tới, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy toàn quốc xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Trong đó, tập trung nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP và  một số thông tư sửa đổi, bổ sung liên quan đến công tác PCCC&CNCH.

 Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tự giác mở lối thoát nạn thứ 2, tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn tham gia đội dân phòng bảo đảm đi vào thực chất, hiệu quả, đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”; Vận động người dân tham gia mô hình an toàn phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư hoàn thành chỉ tiêu đề ra; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra an toàn về PCCC&CNCH đối với các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC&CNCH, đổi mới nâng cao chất lượng nghiệp vụ công tác PCCC; thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; thường trực sẵn sàng chiến đấu, chủ động trong mọi tình huống liên quan đến cháy nổ, tai nạn sự cố, không để bị động bất ngờ. Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ hiện đại phù hợp với tình hình, sự phát triển của đất nước thúc đẩy phát triển công nghiệp phòng cháy chữa cháy tại Việt Nam; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động PCCC&CNCH…

Thái Bình

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông