Bức tranh môi trường thành phố: Kỳ 1 - Những mảng màu tối sáng

12:20 25/07/2017

Căn cứ kết quả quan trắc định kỳ của cơ quan ngành, hiện các sông lớn trên địa bàn thành phố như: sông Cấm tại khu vực bến Bính, sông Lạch Tray tại khu vực cầu Rào và sông Bạch Đằng tại khu vực Phà Rừng đều đã bị ô nhiễm với các thông số vượt quy chuẩn cho phép. Ô nhiễm nguồn nước, không khí gia tăng

Căn cứ kết quả quan trắc định kỳ của cơ quan ngành, hiện các sông lớn trên địa bàn thành phố như: sông Cấm tại khu vực bến Bính, sông Lạch Tray tại khu vực cầu Rào và sông Bạch Đằng tại khu vực Phà Rừng đều đã bị ô nhiễm với các thông số vượt quy chuẩn cho phép.

Ô nhiễm nguồn nước, không khí gia tăng

Tuy chưa phải nằm trên “lằn ranh đỏ”, song các sông: Giá, Rế, Đa Độ cũng trong tình trạng này. Tại một số thời điểm, sông Đa Độ đã bị ô nhiễm cục bộ, hàm lượng các chất tăng cao. Đối với sông Chanh Dương, Hòn Ngọc và hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng thì môi trường nước ô nhiễm cả về hữu cơ và dinh dưỡng.

Thậm chí một số điểm còn ô nhiễm bởi kim loại nặng, phenol và vi sinh vật. Còn nhớ, trong giai đoạn 2011-2015, các kênh, hồ trong khu vực nội thành đều khiến người dân sinh sống xung quanh bức xúc, lo ngại bởi cả sắc và mùi. Các thông số gây ô nhiễm tại hồ Dư Hàng tại thời điểm năm 2011-2012 đã gấp tới… 30 lần tiêu chuẩn cho phép, tiếp đến là hồ Tiên Nga.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc ô nhiễm môi trường nước các sông, kênh, hồ xuất phát từ việc thành phố chưa có trạm xử lý nước thải tập trung. Nước thải sinh hoạt của khu vực nội đô phần lớn vẫn đang xả thải trực tiếp xuống đây.

Thêm nữa, nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, cơ sở y tế cũng chưa được kiểm soát triệt để. Do vậy nguồn nước mặt của thành phố luôn bị ô nhiễm và đe dọa là điều khó tránh.

Về hiện trạng môi trường không khí, các khu vực ô nhiễm chủ yếu là nơi có hoạt động công nghiệp, làng nghề và khu dân cư tập trung. Nồng độ bụi, tiếng ồn tại khu vực Vật Cách - quận Hồng Bàng, Nomura - huyện An Dương, Vĩnh Niệm - Lê Chân, đường Nguyễn Văn Linh, khu dân cư Thắng Lợi, thị trấn Minh Đức - Thuỷ Nguyên… luôn vượt tiêu chuẩn cho phép và chưa có dấu hiệu suy giảm.

Đặc biệt, tại làng nghề tái chế phế liệu Tràng Minh - quận Kiến An, đúc cơ khí Mỹ Đồng - huyện Thuỷ Nguyên, chế biến vật liệu xây dựng Lại Xuân, An Sơn, khu xử lý chất thải Tràng Cát, Đình Vũ… bụi lơ lửng đang là mối lo thường trực và có xu hướng gia tăng.

Quá tải chất thải rắn

Qua khảo sát, các bãi rác lớn của thành phố là Tràng Cát, Đình Vũ, Bàng La cũng như tại các huyện đang có nguy cơ quá tải về quy mô với các cấp độ ô nhiễm khác nhau. Hiện, Cty Môi trường đô thị Hải Phòng đang thực hiện việc chôn lấp hợp vệ sinh đối với phần lớn rác thải sinh hoạt; chế biến một phần thành phân vi sinh với công suất 150 tấn/ngày và sử dụng phương pháp đốt chất thải y tế và chất thải công nghiệp.

Song loại lò đốt với công suất 400kg/ngày hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần lượng rác thải khổng lồ này. Trong khi đó, khu xử lý rác thải Đồ Sơn, hàng ngày tiếp nhận khoảng 350m3, nhưng trạm xử lý nước rỉ rác công nghệ lại đơn giản, vận hành không liên tục. Tiếp đến, khu chôn lấp rác Gia Minh-Thuỷ Nguyên có quy mô 5ha, phục vụ hai thị trấn Núi Đèo, Minh Đức và các xã dọc QL10 nhưng việc chôn lấp cũng không tuân thủ đúng quy trình, không có hệ thống thu và xử lý nước rỉ rác. Chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại vẫn được chôn lấp cùng với chất thải rắn sinh hoạt gây ảnh hưởng đến môi trường đất và nước.

Chưa hết, việc xử lý chất thải rắn ở khu vực ngoại thành những năm gần đây cũng không mấy khả quan, thậm chí đang trở thành vấn đề “nóng” tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Cùng với việc chưa có quy hoạch tổng thể, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý tại các huyện còn mang tính tự phát, chưa đúng quy trình, kỹ thuật, dẫn đến môi trường ở các khu vực này bị ô nhiễm, chưa được cải thiện.

Theo thống kê, lượng rác thải của 7 huyện trên địa bàn thành phố lên tới hơn 700 tấn/ngày, dự kiến đến năm 2020, con số này sẽ là hơn 1.000 tấn/ngày. Bên cạnh những chất thải dễ tiêu huỷ như rơm rạ, vỏ trái cây, thân, rễ, lá thì cũng có không ít chất thải độc hại như bao bì, chai lọ chứa phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải từ chế biến thuỷ hải sản, phân, nước thải từ động vật nuôi…

Thêm một mối lo ngại với môi trường nữa là chất thải rắn y tế. Lượng rác thải từ các bệnh viện lớn như Việt -Tiệp, Phụ sản, Kiến An ngày càng tăng: Năm 2014 là hơn 233 tấn thì năm 2015 đã là 266 tấn.

Và tới thời điểm này, chắc chắn còn lớn hơn. Trong khi đó, mô hình xử lý tại chỗ bằng phương pháp lò đốt thủ công cho thấy không hiệu quả như mong muốn do tốn kém nhiên liệu, chi phí vận hành cao, lại cũng gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khoẻ của cán bộ nhân viên y tế cũng như người bệnh.

(còn nữa)

Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông